Câu chuyện về Tết

Câu chuyện về Tết

Quý vị thường nghĩ gì mỗi khi Tết đến? Đối với một số người Tết hay không thì cũng vậy thôi, vẫn làm lụng, sinh hoạt bình thường. Ở Việt Nam vì một năm chỉ có một ngày Tết để nghỉ ngơi, cho nên Tết có một ý nghĩa sâu đậm. Ngày nay chúng ta có mùa hè để nghỉ, có sinh nhật để ăn uống, để tặng quà và bao nhiêu dịp lễ khác để vui chơi, nên Tết chỉ còn là một truyền thống hay một kỷ niệm đẹp, hơn là dịp vui mỗi năm mới có một lần.

Đối với nhiều người, Tết nhiều khi chỉ khơi lại những kỷ niệm không mấy vui của thời thơ ấu vì loạn lạc, chiến tranh hay vì gia đình nghèo thiếu. Nhưng dù gì đi nữa, nói đến Tết và những tập tục như mặc quần áo mới, lì xì, thăm viếng nhau trong ba ngày Tết vẫn có những cái hay của nó mà mỗi khi nghĩ lại ta cũng thấy thích thú. Ba điều vừa nói: mặc quần áo mới, lì xì, và thăm chúc nhau trong ba ngày Tết, cũng có những điểm song song trong đời sống tâm linh đáng cho chúng ta suy nghĩ trong những ngày đầu Xuân này.

Sống ở một nước nghèo, một năm mới được một lần mua sắm, Tết vì vậy là dịp cho quần áo mới. Chẳng những vì mỗi năm mới sắm quần áo một lần, nhưng vì ai cũng thích một cái gì mới trong năm mới. Tú Xương đã có lần viết:

Cứ bảo với nhau rằng mới với me,
Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe.
Khăn là bát nọ to tày rế,
Váy lĩnh cô kia quyét sạch hè.

Hình ảnh ngày Tết với những cậu bé cô bé súng sính trong bộ quần áo mới là điều chúng ta khó quên. Quần áo mới là điều cần thiết cho năm mới, dù những bộ quần áo mới đó chẳng bao lâu cũng sẽ dơ, sẽ cũ. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh một chiếc áo mới để nói về đời sống đạo đức, còn đời sống tội lỗi là chiếc áo dơ bẩn. Thánh Kinh dạy:

Anh em phải thoát lốt người cũ và mặc lấy người mới (Thư Ê-phê-sô 4:22)

Chúng ta cần từ bỏ con người tội lỗi xấu xa như người vứt đi chiếc áo dơ bẩn cũ kỹ và khoác lên mình một chiếc áo mới. Lời Chúa bảo chúng ta Hãy mặc lấy chính Chúa Giê-xu. Tết ở đây không còn tục lệ mặc quần áo mới như bên nhà, nhưng mùa Xuân nầy ước mong mỗi chúng ta điều khoác lên mình chiếc áo mới. Đây là chiếc áo sẽ không bao giờ cũ. Vì chiếc áo đó chính là Chúa Cứu Thế. Ngài bọc chúng ta lại bằng đức công chính thánh sạch của Ngài. Đặt lòng tin nơi Chúa, giao thác cuộc đời cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm được những thay đổi từ trong tâm hồn.

Song song với việc mặc quần áo mới chúng ta có việc mừng tuổi và lì xì. Con cháu trong gia đình và những người trẻ chúc thọ hay mừng tuổi ông bà cha mẹ và những người lớn mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới mà ta gọi là lì xì. Chúng ta không rõ hai chữ lì xì phát xuất từ đâu, nhưng lúc nhỏ Tết đến, có những đồng tiền mới để cất, hay có tiền để tiêu xài là cả một hạnh phúc của tuổi thơ. Nhiều người thích Tết vì khi Tết đến, ai cũng tử tế với mình, không bị la mắng mà lại còn được tiền nữa. So sánh ơn cứu rỗi của Thiên Chúa với đồng tiền lì xì thì thật là không đúng, vì sự cứu rỗi của Chúa quá cao không gì có thể so sánh được. Tuy nhiên có một điểm tương đồng ở đây, đó là ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng tương tự như những đồng tiền chúng ta nhận được trong ngày Tết: Chúng ta không biết tại sao chúng ta lại được tiền, tại sao ai cũng tử tế cho tiền chúng ta mà không đòi hỏi gì cả. Ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng tương tự như vậy. Không phải chúng ta làm một việc gì tốt hay xứng đáng mà được Chúa cứu. Chúa cứu và ban cho chúng ta sự cứu rỗi của Ngài chỉ vì Ngài yêu chúng ta. Lời Chúa dạy:

Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:16)

Sự sống đời đời là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người. Sự sống đời đời là đời sống có ý nghĩa ngay trên trần gian nầy và được sống mãi mãi với Chúa trên thiên quốc.

Mùa Xuân ta cần mặc chiếc áo mới là chính Chúa Giê-xu, cần được món quà là sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi đây nói đến thay đổi bên trong con người của chúng ta. Mùa Xuân đến chúng ta thấy hoa lá đâm chồi nở lộc, những lộc non, những mầm sống không thể gắn lên từ bên ngoài nhưng là phát xuất tự nhiên ở bên trong vì có sự sống và sức sống. Đời sống mới Thiên Chúa ban cho chúng ta cũng vậy. Ngài ngự vào tâm hồn chúng ta, tái tạo cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ tự nhiên nẩy sinh ra những mỹ đức của Thiên Chúa.

Mùa Xuân mặc quần áo mới, mừng tuổi và nhận tiền lì xì. Chúng ta cũng có tập tục thăm viếng và chúc nhau trong ba ngày Tết. Những lời chúc Tết lúc đầu mang những ý nghĩa tốt đẹp và thành thật nhưng dần dần cũng trở thành sáo ngữ và thành những câu đầu môi chót lưỡi. Người chúc có thể không biết mình nói gì và người được chúc cũng không biết là những lời chúc đó có thành sự thật hay không. Người đặt lòng tin nơi Chúa khi Xuân về không chúc nhưng cầu chúc, hay nói đúng hơn cầu nguyện để Thiên Chúa ban ơn xuống phước. Chính chúng ta không thể chúc ai một điều gì và điều đó sẽ thành sự thật. Chúng ta chỉ có thể cầu xin Thiên Chúa chúc lành hay nói khác đi, chính Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc thật của Ngài. Một trong những hạnh phúc lớn nhất Thiên Chúa dành cho con người là hạnh phúc tha thứ, hay ơn tha thứ. Thánh Kinh dạy:

Phúc cho người có lỗi được tha thứ, tội được Chúa xóa bôi. Phúc cho người được Chúa Hằng Hữu ân xá (Thánh Vịnh 32:1)

Ai trong cuộc đời cũng đã có những phút lầm lỡ, làm điều tội lỗi, những lúc ấy tâm hồn chúng ta nặng trĩu, khó chịu, lương tâm dày vò, cắn rứt . Nỗi khổ của người có tội sẽ cứ tiếp tục mãi cho đến khi nào người đó ăn năn hối lỗi, xưng nhận và được tha thứ. Thiên Chúa là Đấng thánh khiết, không thể dung dưỡng tội lỗi. Chúng ta mắc tội với Chúa vì đã không tôn thờ Ngài là Đấng tạo dựng chúng ta. Và cũng đã không làm theo lời Ngài dạy bảo. Con đường duy nhất để giải thoát chúng ta đem chúng ta trở lại tình trạng nguyên thủy, được làm con của Chúa là con đường mà Chúa Giê-xu đã thực hiện. Nói đúng hơn Ngài chính là con đường đó vì Chúa Giê-xu đã gánh lấy tất cả mọi tội lỗi của con người và chịu chết thế cho con người.

Tin Lành là tin vui Thiên Chúa ban cho con người. Tin vui đó là con người có thể nhận được ơn tha thứ nếu biết ăn năn tội lỗi, đặt lòng tin nơi Chúa và để cho Thiên Chúa tái tạo tâm hồn. Chúng ta sẽ kinh nghiệm điều mà Thánh Kinh gọi là tái sinh: sự sống của Chúa sẽ chan hòa trong cuộc đời của chúng ta, để chúng ta tự nhiên nẩy sinh những mầm non lá mới, một đời sống sung mãn không phải tự sức riêng của chúng ta.

Xuân đã về và tôi muốn chúc Bạn một vài lời nhưng tôi biết rằng lời chúc của tôi sẽ chẳng có giá trị gì vì tôi không có quyền gì để lời chúc đó để trở thành sự thật. Tôi chỉ có thể ước ao và trong ước ao đó tôi cầu xin Thiên Chúa mở rộng đôi mắt tâm linh của Bạn để Bạn nhìn thấy vấn đề. Vấn đề là vấn đề cứu rỗi, vấn đề là vấn đề tha thứ, vấn đề là vấn đề tâm linh. Chính yếu tố tâm linh quyết định cả đời sống chúng ta. Trong mùa Xuân nầy hãy mặc lấy chính Chúa Cứu Thế, hãy mang vào người sự sống của Chúa và rồi Bạn sẽ kinh nhgiệm một đời sống tươi mới không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Lời Chúa dạy:

Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới, cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới (Thư II Cô-rinh-tô 5:17)

“Ở trong Chúa Cứu Thế” là liên kết với Ngài bằng niềm tin, bằng thái độ ăn năn, bằng quyết định quay về với người Cha Thiên Thượng vẫn đêm ngày trông mong chờ đợi chúng ta.

Ngày Tết mà được xum họp đoàn tụ gia đình thì còn gì quý hơn nữa phải không Bạn? Mùa Xuân nầy hãy ăn năn quay trở lại với Chúa để kinh nghiệm một mùa Xuân diễm tuyệt trong tình yêu của Thiên Chúa.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Mung Xuan 2022

Cơ đốc nhân và ngày Tết Nguyên Đán

Mung Xuan 2022Tết Nguyên Đán là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam, là dịp lễ lớn nhất trong năm và được nhiều người mong chờ nhất. Trẻ con được nghỉ học, người lớn được nghỉ làm, gia đình sum vầy bên nhau trong không khí đầm ấm. Tết cũng là thời điểm rất thiêng liêng đối với người Việt vì đó là thời điểm đánh dấu một khởi đầu mới, ai ai cũng mong ước bản thân và gia đình của mình sẽ có một năm mới may mắn, hạnh phúc. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cần bày tỏ niềm tin của mình thế nào qua những truyền thống ngày Tết?

1. Tảo mộ: Người Việt Nam rất coi trọng chữ hiếu, vì thế, cứ vào dịp cuối năm, các gia đình lại cùng nhau đi “tảo mộ”, tức là dọn dẹp, sửa sang, tu bổ lại phần mộ của người thân quá cố trong gia đình. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng được dạy phải hiếu kính cha mẹ (Xuất. 2:12). Việc thăm mộ, dọn dẹp mộ của tổ tiên cũng là điều nên làm. Nhưng không dừng ở đó, chúng ta cũng phải bày tỏ lòng hiếu kính qua cách sống của mình, đặc biệt với ông bà, cha mẹ vẫn còn sống bên cạnh chúng ta.

2. Dọn dẹp nhà cửa: Người Việt Nam có truyền thống dọn dẹp nhà cửa trước Tết. Cả gia đình cùng nhau quét dọn, sơn sửa lại nhà cửa cho sạch sẽ, tươm tất và sắp xếp lại mọi thứ cho ngăn nắp, gọn gàng. Việc dọn dẹp này còn mang thông điệp là sắp xếp lại những “bừa bộn” của năm cũ để chào đón năm mới. Lời Chúa phán trong I Cô-rinh-tô 5:17 rằng: “Vậy nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới”. Trong quyền năng biến đổi của Đấng Christ, nguyện chúng ta được nên mới mỗi ngày. Và trong niềm tin rằng Chúa sẽ đổi mới tất cả, hãy cầu xin Chúa giúp bạn tha thứ cho nhau và dẹp bỏ hết mọi ưu phiền, buồn giận, thất bại của năm cũ để kinh nghiệm một năm mới phước hạnh trong sự thương xót của Ngài. Hãy xin Chúa giúp bạn sống với một con người mới trong năm mới này để nhiều người được thu hút đến với quyền năng biến đổi của Chúa.

3. Đón giao thừa: Hầu hết gia đình người Việt Nam thích quây quần bên nhau trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Giao thừa là giây phút thiêng liêng và người ta thường nguyện ước những điều tốt đẹp cho gia đình mình trong năm mới. Nhiều gia đình Cơ Đốc nhân và nhiều hội thánh thường có buổi nhóm cầu nguyện vào thời khắc giao thừa để cảm ơn Chúa về sự bình an và chăm sóc của Ngài trong năm vừa qua và trình dâng lên Ngài những lời cầu xin cho năm mới. Đó là điều chúng ta nên làm vì biết rằng Chúa là Đấng nắm giữ tương lai của chúng ta và “mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng” (Gia-cơ 1:17).

4. Mồng một Tết: Cơ Đốc nhân luôn dâng ngày đầu tiên của năm mới cho Chúa để thờ phượng Ngài. Chương trình nhóm Mồng một Tết luôn tràn ngập niềm vui và phước hạnh. Các hội thánh thường có chương trình làm chứng cảm tạ để con cái Chúa chia sẻ về ơn phước Chúa ban trong năm vừa qua. Đây là truyền thống tốt đẹp của Cơ Đốc nhân và đem đến cho nhau sự khích lệ và nâng đỡ rất lớn. Việc dành ngày đầu tiên của năm mới cho Chúa cũng là cách bày tỏ sự tôn kính Chúa trong mọi việc. Ma-thi-ơ 6:33 nhắc nhở chúng ta: “Trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa”.

5. Lì xì: Lì xì là nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp tết. Cứ vào sáng mồng một Tết, con cháu sẽ chúc Tết và tặng quà cho ông bà, cha mẹ của mình. Sau đó, ông bà, cha mẹ sẽ lì xì cho con cháu phong bì màu đỏ để mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng có thể trao nhau niềm vui qua những phong bì lì xì, nhưng đừng để phong tục đó lệch đi ý nghĩa vốn có. Chúng ta đừng quá đề cao số tiền, mà hãy trân trọng tấm lòng của nhau để không vô tình biến việc lì xì trở thành gánh nặng ngày Tết. Hãy nhớ rằng “Sự tin kính cùng sự thỏa lòng chính là nguồn lợi lớn” (I Ti. 6:6). Ngoài tiền lì xì, chúng ta cũng có thể gởi gắm lời cầu chúc qua câu Kinh Thánh trên phong bì lì xì Cơ Đốc. Việc làm đó rất ý nghĩa bởi vì những phước hạnh thuộc thể sẽ chóng qua, còn phước hạnh thuộc linh sẽ còn lại đời đời.

6. Đi thăm và chúc Tết: Người Việt Nam thường dành những ngày đầu năm mới để đi thăm bà con, thầy cô, bạn bè và cầu chúc cho nhau thêm một năm mới bình an và hạnh phúc. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta cũng hãy trao nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong dịp đầu năm mới. Như lời sứ đồ Giăng viết cho Gai-út, chúng ta cũng hãy dành thời gian đi thăm viếng nhau để khích lệ nhau và cầu nguyện cho nhau “được thịnh vượng mọi mặt, được khỏe mạnh phần xác, cũng như được thịnh vượng về phần hồn” (III Giăng 2).

Tết Nguyên Đán là dịp lễ rất có ý nghĩa đối với người Việt Nam. Tuy vậy, đó cũng là dịp lễ gắn liền với nhiều điều mê tín. Xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan để phân biệt được đâu là điều nên làm, đâu là điều cần tránh. Hãy nhắc nhau câu Kinh Thánh này để có những ngày Tết trọn vẹn và đẹp lòng Chúa: “Hễ điều gì chân thật, điều gì đáng trọng, điều gì công chính, điều gì thanh sạch, điều gì đáng yêu chuộng, điều gì đáng biểu dương; nói chung là điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8).

Tác giả: Sarang Mai

Bài sưu tầm