Người gieo giống

Người gieo giống

Vào năm 1921, một cặp vợ chồng giáo sỹ tên là David và Svea Flood cùng với đứa con trai hai tuổi của họ đi từ Thuỵ Điển đến một vùng đất nằm giữa Châu Phi, lúc đấy còn gọi là Congo thuộc Bỉ. Ở đó, họ gặp một cặp vợ chồng khác từ Bắc Âu tên là Erickson, và nhóm bốn người của họ tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Chúa Trời. Với sự khiêm nhường, kính Chúa và tấm lòng tận hiến, họ cảm thấy Chúa kêu gọi họ rời bỏ Trạm truyền giáo trung tâm để đưa Tin Lành đến một mảnh đất xa xôi.


Đây là một bước đi vĩ đại trong đức tin. Ở vùng quê có tên là N’dolera, họ bị người trưởng bản cự tuyệt, vì ông sợ rằng nếu để cho những người này vào thì những thần thánh địa phương sẽ bị gạt ra một bên. Hai cặp vợ chồng quyết định đi gần 1km lên sườn núi và xây những căn nhà nhỏ bằng bùn.


Họ cầu nguyện cho một bước ngoặt thuộc linh, nhưng điều đó không xảy ra. Người duy nhất từ cái làng đó tiếp xúc với họ là một cậu bé, người được phép bán gà và trứng cho họ hai lần một tuần. Svea Flood, một người phụ nữ nhỏ bé, chỉ cao có hơn 1,4 mét, quyết định là nếu đây là người địa phương duy nhất mà cô được nói chuyện cùng thì cô sẽ thử đưa người này đến với Chúa Giê-xu. Và cô đã thành công.
Nhưng chẳng có sự khích lệ nào khác. Trong khi đó, bệnh sốt rét lần lượt lây nhiễm cho từng người trong đội truyền giáo nhỏ này. Cuối cùng, gia đình Erickson không chịu được nữa, họ quay trở lại Trạm truyền giáo trung tâm. Chỉ còn David và Svea Flood là ở lại gần làng N’dolera.
Rồi Svea có bầu trong một bối cảnh khó khăn như vậy. Khi cô sinh con, người trưởng bản mềm lòng một chút và cho phép một nữ hộ sinh đến để giúp cô. Một bé gái đã ra đời và bố mẹ em đặt tên cho em là Aina.


Ca sinh nở đã vắt kiệt sức của Svea Flood, vốn đã yếu sau các cơn sốt rét. Thêm cú bồi của ca sinh này nữa, cô chỉ trụ thêm được 17 ngày.
Một cái gì đó vỡ vụn trong lòng David Flood vào thời điểm đó. Anh đào huyệt, chôn cất người vợ 27 tuổi của mình, rồi đưa những đứa trẻ xuống núi trở về Trạm truyền giáo. Đưa bé gái mới sinh cho gia đình Erickson, anh thở dài: “Tôi sẽ quay trở về Thuỵ Điển. Tôi đã mất người vợ, và tôi không thể chăm sóc được bé gái này. Đức Chúa Trời đã phá huỷ cuộc sống của tôi.” Sau đó, anh đi về phía cảng, từ bỏ không chỉ sự kêu gọi của chính mình, nhưng cả Đức Chúa Trời nữa.


Tám tháng sau, cả hai vợ chồng Erickson đều bị nhiễm một căn bệnh bí hiểm, và qua đời sau nhau vài ngày. Họ trao bé gái cho các giáo sỹ người Mỹ, những người gọi tên của bé theo cách của người Mỹ là “Aggie”. Khi bé được ba tuổi, họ đưa bé về Mỹ.
Gia đình mới rất yêu bé gái này, và họ e ngại rằng nếu họ cố quay trở lại Châu Phi thì một trở ngại pháp lý nào đó sẽ không cho phép họ tiếp tục nuôi dưỡng bé nữa. Vì vậy, họ quyết định ở lại Mỹ và tham gia trong mục vụ mục sư thay cho việc đi truyền giáo ở phương xa. Và như thế, bé gái lớn lên ở bang Nam Dakota (South Dakota). Khi trưởng thành, cô gái học ở trường Kinh Thánh North Central Bible College. Rồi cô gặp và lập gia đình với một chàng trai trẻ tên là Dewey Hurst.


Tháng năm trôi qua. Gia đình Aggie và Dewey Hurst gặt hái được nhiều kết quả trong mục vụ. Aggie sinh con gái đầu lòng, sau đó là một cậu con trai. Rồi người chồng của cô nhậm chức Chủ tịch một trường đại học Cơ đốc ở vùng Seattle, còn cô thì luôn quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc Bắc Âu của mình.


Một ngày, một tạp chí tôn giáo Thuỵ Điển lạc vào hòm thư của cô. Cô không biết ai gửi, và chẳng đọc được một từ nào trong đó. Nhưng khi cô lật giở những trang tạp chí, đột nhiên một bức ảnh khiến cô chú ý. Trong một khung cảnh hoang sơ có một ngôi mộ với một cây thánh giá màu trắng, trên đó có ghi dòng chứ SVEA FLOOD.


Aggie lên xe và lái tới trường đại học để gặp một giảng viên, người mà cô biết có thể dịch bài viết này. “Bài viết nói về điều gì vậy?” – cô hỏi.
Người giảng viên tóm tắt: Câu chuyện kể về những người giáo sỹ đến vùng N’dolera rất lâu về trước…một đứa bé da trắng được sinh ra…người mẹ qua đời…cậu bé Châu Phi được biết đến Chúa Cứu Thế…rồi sau đó, khi tất cả những người da trắng đã dời đi, cậu bé lớn lên và thuyết phục người trưởng bản cho phép cậu xây một ngôi trường trong làng. Bài viết nói rằng dần dần người thanh niên ấy đã đưa tất cả các học trò của mình đến với Chúa Cứu Thế…rồi các em lại đưa bố mẹ của mình đến với Chúa Cứu Thế…và cả người trưởng bản cuối cùng cũng trở thành người tin Chúa.

Ngày nay có 600 người tin Chúa ở ngôi làng đó… Tất cả bắt đầu từ sự hy sinh của David và Svea Flood.
Vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày cưới, trường Đại học tặng một món quà cho Aggie và Dewey Hurst: một kỳ nghỉ ở Thuỵ Điển. Ở đó, Aggie tìm gặp người cha ruột của mình. Lúc đó ông đã già. David Flood đã đi bước nữa, có 4 người con với người vợ thứ 2, và chìm đắm trong cơn nghiện rượu. Gần đây, ông bị đột quỵ. Vẫn còn cay đắng, ông thiết lập một quy tắc trong gia đình: “Không bao giờ nhắc đến Đức Chúa Trời, vì Ngài đã lấy đi tất cả những gì tôi yêu quý.”

Sau cuộc gặp cảm động với các em cùng cha khác mẹ, Aggie nói với họ là mình muốn gặp bố. Họ do dự: “Chị có thể nói chuyện với bố, mặc dù ông ấy bây giờ rất yếu. Nhưng chị cần biết là mỗi khi ông ấy nghe danh của Đức Chúa Trời, ông ấy lại nổi khùng lên.”
Aggie không chùn bước. Cô bước vào căn hộ bẩn thỉu, đầy những chai rượu rỗng, đến gần ông cụ 73 tuổi đang nằm trên một cái giường ọp ẹp.

“Bố à” – cô nói nhỏ.
Ông quay lại và bắt đầu khóc. “Aina,” – ông nói – “Bố chẳng bao giờ muốn cho con đi.”
“Mọi việc đều ổn bố à,” cô trả lời, ôm ông một cách nhẹ nhàng. “Đức Chúa Trời đã chăm sóc con.”

Ông cụ đột ngột trở nên lạnh lùng. Nước mắt không tuôn rơi nữa.
“Đức Chúa Trời đã quên tất cả chúng ta rồi. Cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ như thế này là bởi Ngài.” Ông quay mặt vào tường. Aggie khẽ vuốt mặt bố, vẫn tiếp tục, không nản lòng.

“Bố à, con có một câu chuyện ngắn muốn kể với bố, và nó là câu chuyện thật. Bố không đến Châu Phi một cách vô ích. Mẹ không chết một cách vô ích. Cậu bé mà bố mẹ đưa đến với Chúa đã trưởng thành và đã đưa cả làng đó đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hạt giống nhỏ mà bố mẹ trồng đã lớn và tiếp tục lớn. Bây giờ có 600 người Châu Phi đang phục vụ Chúa ở đó, bởi vì bố mẹ đã trung tín với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của bố mẹ…

“Bố à, Chúa Giê-xu yêu bố. Ngài không bao giờ căm ghét bố.”
Ông cụ ngoảnh mặt lại nhìn vào mắt con gái. Cơ thể của ông dần thoải mái. Ông bắt đầu nói chuyện. Và cuối buổi trưa hôm đó, ông quay trở lại với Đức Chúa Trời, là Đấng mà ông cảm thấy cay đắng suốt nhiều thập kỷ. Vài ngày sau đó, bố và con gái có nhiều thời gian ấm áp với nhau. Aggie và chồng sau đó phải quay trở về Mỹ, và vài tuần sau, David Flood đi về cõi vĩnh hằng.

Vài năm sau, Aggie và Dewey Hurst tham gia một hội nghị truyền giáo lớn ở thủ đô London của nước Anh, trong đó có một báo cáo từ đất nước Zaire (trước là Congo thuộc Bỉ). Người Tổng hội trưởng của Hội thánh ở đất nước đó với khoảng 110.000 tín đồ chia sẻ một cách trôi chảy về sự lan toả của Tin Lành trên đất nước ông. Aggie không thể không hỏi ông sau đó liệu ông có nghe về David và Svea Flood không.
“Có, thưa quý bà”, người đàn ông trả lời bằng tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Anh. “Chính Svea Flood là người đưa tôi đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi chính là cậu bé mang thực phẩm đến đến cho bố mẹ cô trước khi cô ra đời. Thực ra, mộ của mẹ cô và những kỷ niệm về bà đều được tất cả chúng tôi quý trọng.” Rồi ông ôm cô bằng một cái ôm dài và cảm động. Ông nói tiếp: “Cô cần phải đến Châu Phi để nhìn tận mắt, vì mẹ cô là người nổi tiếng nhất trong lịch sử của chúng tôi.”

Đấy chính là điều mà Aggie Hurst và chồng cô đã làm. Họ được đám đông dân làng chào đón nồng nhiệt. Cô còn gặp người đàn ông mà bố cô thuê để đưa cô từ trên núi xuống trong cái nôi khiêm cái võng nhiều năm trước.

Giây phút hồi hộp nhất đó là khi người mục sư dẫn Aggie đi thăm mộ của mẹ với cây thánh giá màu trắng. Chỗ đấy cô đã quỳ xuống và dâng lên Chúa lời tạ ơn. Ngày hôm đó, ở Hội thánh, người mục sư đọc câu Kinh Thánh Giăng 12:24: “Thật vậy, Ta bảo các con: Hạt giống lúa mì gieo xuống đất không chết đi thì hạt giống vẫn hoàn hạt giống, còn nếu chết đi thì mới kết quả thêm nhiều!”, và đọc tiếp Thi Thiên 126:5: “Những người gieo giống trong nước mắt, Sẽ gặt hái trong hân hoan.”

(Trích dẫn từ sách Aggie: Câu chuyện cảm động về một cô bé không có tổ quốc, tác giả Aggie Hurst, Nhà Xuất bản: Gospel Publishing House, Springfield, Missouri)
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh.