Suy tư đầu năm mới 2022

Share to friends
Lắng nghe audio

Thưa quý thính giả, chúng ta đã chào đón Năm Mới 2022 cách đây mấy ngày, nhưng có lẽ quý vị còn nhớ nỗi lo lắng của mọi người trên thế giới khi chuẩn bị bước vào năm 2000.  Lúc đó từ ngữ mà chúng ta nghe nhiều là Y2K, nói đến những thay đổi khi bước qua năm 2000, tức là bước vào thế kỷ 21.  Nhưng hôm nay chúng ta đã bước vào năm 2022, tức là đã 22 năm trôi qua. Thời gian trôi qua quá nhanh! Mới đó mà hai mươi hai năm đã đi qua trong cuộc đời.  Chúng ta suy nghĩ gì khi bước vào Năm 2022? Vui mừng hăng hái đón mừng Năm Mới hay lo lắng, bất an vì những điều đang xảy ra chung quanh? Thường mỗi khi Năm Mới đến, chúng ta từ biệt năm cũ và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới.  Chúng ta không những chúc nhau nhưng cũng trông mong Năm Mới sẽ tốt đẹp hơn: vui vẻ bình an hơn, hạnh phúc thành công hơn năm cũ. Năm nay, những điều chúng ta trông mong hay chúc cho nhau chỉ là mơ ước chứ thực tế không biết sẽ ra thế nào.

Phải nhận rằng chưa bao giờ thế giới đón chào Năm Mới với nhiều hoang mang lo lắng như năm nay.  Dịch bệnh Covid vẫn lan tràn khắp nơi: tại Mỹ, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới; ngay trong cộng đồng chúng ta, giữa những người chúng ta quen biết, yêu thương và ngay trong gia đình chúng ta cũng có người nhiễm bệnh.  Những người đã chích ngừa cũng không yên tâm vì con virus này cứ biến thể và dễ lây lan hơn.  Ngoài ra, trong thời gian qua bạo loạn, tai nạn, thiên tai xảy ra khắp nơi, không còn biết đâu là nơi an toàn, ai là người đáng tin cậy.  Hơn bao giờ hết, chúng ta thấy đời sống thật mong manh, không chỉ người lớn tuổi ra đi nhưng nhiều người trẻ cũng đột ngột từ giã cõi đời, không chỉ vì dịch bệnh Covid nhưng vì những nguyên nhân khác như đau tim, đột quỵ, tai nạn lưu thông, v.v…  Vài người thân quen của chúng tôi cũng bất ngờ qua đời trong mấy tuần qua.

Không phải hôm nay chúng ta mới biết đời sống mong manh, ngắn ngủi, nhưng từ ngàn xưa, người xưa cũng đã nói lên điều này. Chúng ta đã nghe những câu như: “Đời người như bóng câu qua cửa sổ, nay còn mai mất.” Cao Bá Quát ngày xưa nói: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười!” Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời, cũng dạy rất nhiều về sự mong manh ngắn ngủi của đời người. Tác giả Thánh Vinh 103 viết:

Đời loài người như cây cỏ, người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhận biết nó nữa (Thi Thiên 103:15-16)

Sứ đồ Gia-cơ thì dạy:

Anh em không biết ngày mai sẽ thế nào, sự sống của anh em là gì? Chẳng qua chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay (Thư Gia-cơ 4:14)

Đời sống chúng ta mong manh như hơi nước, như giọt sương mai, hiện ra chốc lát rồi tan mất đi.  Môi-se, lãnh tụ của con dân Chúa ngày xưa, nói:

Tuổi tác của chúng con đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi.  Nhưng sự kiêu căng của nó chỉ rước lấy lao khổ và buồn thảm, vì đời người chóng qua, rồi chúng con bay mất đi (Thi Thiên 90:10)

Đời người ngắn ngủi, nay còn mai mất, và cái chết là điều không ai tránh được: dù giàu hay nghèo, tài giỏi khôn ngoan, cao sang quyền quý hay bình dân tầm thường… mọi người rồi cũng sẽ đối diện với ngày cuối cùng của đời mình.  Ngày đó sẽ đến từ từ hay bất ngờ, không ai biết được. Trước thực tế đó, chúng ta cần một nơi nương tựa, và nơi duy nhất đáng cho chúng ta nương tựa chính là Thiên Chúa Toàn Năng,  Ngài sẽ dẫn dắt, gìn giữ chúng ta trong bàn tay nhân từ của Ngài.  Chúa không những tạo dựng chúng ta nhưng Ngài cũng yêu thương, đã hy sinh chính sự sống của Ngài để tha tội cho chúng ta, ban cho chúng ta ơn cứu rỗi.  Có Chúa, chúng ta được bình an trong đời tạm này và khi từ giã trần gian này chúng ta được sống với Ngài đời đời trên thiên quốc.

Kinh Thánh không chỉ nói về sự ngắn ngủi của đời người nhưng cũng dạy chúng ta sống thế nào để được hưởng ơn phước Chúa ban. Trước hết, chúng ta cần thưa với Chúa:

“Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan” (Thánh Vịnh 90:12).

Biết đếm ngày nghĩa là biết trân quý những ngày sống trên đất và không phí phạm đời sống Chúa ban cho mình.  Sứ đồ Phao-lô dạy:

“Hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em, đừng sống như người dại nhưng như người khôn ngoan.  Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vì vậy, đừng trở nên như người dại nhưng phải hiểu rõ thế nào là ý muốn của Chúa” (Thư Ê-phê-sô 5:15-17).

Vì đời sống ngắn ngủi, chúng ta cần sống khôn ngoan, tận dụng thì giờ, ngày tháng chứ không phí phạm và tìm biết xem Chúa muốn mình làm gì, sống như thế nào. Kinh Thánh khẳng định rằng, người nào biết rõ ý muốn của Chúa và sống theo Lời Chúa dạy là người khôn ngoan. Áp dụng vào đời sống hằng ngày, sống khôn ngoan là đặt đúng thứ tự ưu tiên, biết rõ ý muốn của Chúa và sống theo mục đích Ngài dành cho chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta những nguyên tắc sống như sau:

  1. Linh hồn, nhu cầu tâm linh quan trọng hơn nhu cầu vật chất

Chúa Giê-xu dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Vương Quốc Đức Chúa Trời và đức công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều cần yếu khác nữa. Đừng quá lo lắng cho ngày mai, sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:33-34).  Lời Chúa cũng dạy: “Đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng. Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (I Ti-mô-thê 6:8 & 10).  Điều chúng ta cần làm trước hết là: Tin nhận Chúa Giê-xu để được tha thứ tội, được Chúa ban cho sự sống vĩnh hằng. Sau đó, hãy thỏa nguyện với những gì Chúa ban, đừng ham giàu có, vì lòng tham tiền bạc sẽ khiến chúng ta bị cám dỗ làm điều bất chính và ngã vào tội lỗi.

  1. Tình người quan trọng hơn tiền bạc vật chất

Đừng bao giờ vì tiền bạc, vật chất mà làm tổn thương người thân yêu, giết chết tình cảm giữa vợ chồng, làm buồn lòng bạn bè bà con, anh chị em trong gia đình.  Đừng vì những lợi lộc vật chất mà đánh mất tình thương yêu đối với người chung quanh. Nếu đã lầm lỡ, xin Chúa giúp chúng ta ăn năn, can đảm xin lỗi để những tổn thương, sứt mẻ đó được hàn gắn và chữa lành.

  1. Ban cho có phước hơn nhận lãnh, chia xẻ có phước hơn là thâu đoạt về cho mình

Dù chúng ta nghèo khổ đến đâu cũng có người nghèo khổ hơn mình, chúng ta hãy nhìn xuống để thấy mình được phước, được đầy đủ hơn nhiều người. Hãy nghĩ đến những người kém may mắn, thiếu thốn đói khổ và sẵn sàng chia xẻ điều mình có để giúp đỡ. Chia xẻ vật chất không khiến ta bị nghèo thiếu nhưng đem lại cho chúng ta niềm vui và những ơn phước mà lắm khi chúng ta không ngờ.

  1. Hãy dành thì giờ chăm sóc linh hồn mình

Tất cả mọi điều trên đời này rồi sẽ qua đi, linh hồn là điều duy nhất còn lại đời đời. Chúa Cứu Thế phán: “Người nào được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà dổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26). Những ngày đầu năm là cơ hội để chúng ta đặt lại thứ tự ưu tiên cho đời sống: Quan tâm đến mặt tâm linh, chúng  ta hãy tin nhận Chúa Cứu Thế, tôn Ngài làm Chủ cuộc đời.  Tình yêu của Chúa và sức mạnh Ngài ban sẽ giúp chúng ta thực hành Lời Chúa dạy,  sống khôn ngoan hầu nhận được phước hạnh và bình an của Ngài.  Chúa sẽ giúp chúng ta không ham mê tiền bạc vật chất, không xem tiền bạc vật chất quý hơn tình thương yêu với người phối ngẫu, với bạn bè, bà con, anh chị em trong gia đình. Tình yêu của Chúa cũng sẽ giúp chúng ta cư xử yêu thương, tha thứ mọi người và nhất là sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đem lại phúc lợi cho người khác.  Đời sống ngắn ngủi mong manh, cơ hội để sống yêu thương, chia xẻ, làm điều tốt cho người thân yêu không có nhiều, nhất là cơ hội tin nhận Chúa, để được cứu rỗi linh hồn, rồi sẽ qua đi. Vì thế nếu chúng ta chờ đến ngày mai có thể sẽ quá trễ!

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *