Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân

Kinh thánh: Sáng-thế-ký 29:18-30

Câu gốc: “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự” (I Cô-rinh-tô 13:7).

Câu hỏi suy ngẫm: Vì sao ông Gia-cốp muốn cưới cô Ra-chên? Ông phải trả giá cho tình yêu của mình ra sao? Nền tảng quan trọng trong hôn nhân là gì? Nền tảng đó giúp xây dựng hôn nhân bạn như thế nào?

Chuyện tình giữa ông Gia-cốp và cô Ra-chên thể hiện một tình yêu đích thực. Vì yêu cô Ra-chên, nên khi ông La-ban trao đổi về tiền công sau một tháng phục vụ trong nhà ông, thì ông Gia-cốp trả lời ngay ông sẵn sàng giúp việc không công cho cậu mình trong bảy năm (câu 18). Bảy năm dài nhưng Kinh Thánh cho biết vì yêu cô Ra-chên mà ông Gia-cốp “coi bảy năm bằng chừng đôi ba bữa” (câu 20). Đây đúng là tình yêu chân thật ông dành cho cô Ra-chên. Để cưới được người mình yêu, ông đã kiên nhẫn chờ đợi và làm việc để hoàn tất giao kèo giữa mình với cha vợ tương lai. Tuy nhiên, ông Gia-cốp đã học một bài học đau đớn về sự lừa gạt, vì chính ông cũng đã lừa gạt cha và anh mình trước đây (Sáng-thế Ký 27). Ông bị ông La-ban lừa khi đưa cô chị Lê-a đến ngủ với ông trong đêm tân hôn (câu 22-23). Sáng hôm sau, khi ông phát hiện và chất vấn ông La-ban, câu trả lời ông nhận được là theo phong tục, phải gả cô chị trước rồi mới đến cô em (câu 25-26).

Ông Gia-cốp đành ngậm ngùi chấp nhận chờ đợi đến hết tuần trăng mật với cô Lê-a rồi mới được “lấy” cô Ra-chên. Đồng thời, ông cũng phải nhịn nhục chấp nhận giao kèo với cậu mình, tiếp tục giúp việc không công thêm bảy năm nữa sau khi được cưới cô Ra-chên làm vợ (câu 27-30). Câu cuối của phân đoạn này một lần nữa khẳng định ông Gia-cốp vẫn một lòng yêu cô Ra-chên (câu 30).

Tình yêu chính là nền tảng và động lực để ông Gia-cốp làm việc và chính thức bước vào hôn nhân với cô Ra-chên. Vì chỉ khi thật sự yêu nhau, họ mới sẵn sàng hy sinh cho nhau và luôn kiên nhẫn với nhau như lời Sứ đồ Phao-lô đã dạy: “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.” Ông Gia-cốp đã vì yêu cô Ra-chên nên có thể dung thứ và nín chịu trước sự lừa gạt của ông La-ban. Rồi ông cũng có niềm tin và hy vọng rằng mình sẽ lấy được người mình yêu.

Tình yêu là nền tảng quan trọng và cần thiết trong hôn nhân. Tuy nhiên tình yêu con người thường ích kỷ, nên chỉ khi để tình yêu của Chúa bao phủ trên tình yêu của hai vợ chồng, chúng ta mới kinh nghiệm được một hôn nhân ngọt ngào và hạnh phúc. Tình yêu Chúa giúp chúng ta đặt mình vào vị trí của người bạn đời để có thể hiểu nhau và cùng nhau xây dựng hôn nhân. Và cũng chỉ có tình yêu Chúa mới giúp chúng ta tha thứ lỗi lầm của nhau và cùng nhau làm trọn lời cam kết với nhau trong hôn nhân.

Bạn có xây dựng hôn nhân trên nền tảng tình yêu Chúa ban cho không?

Lạy Chúa, xin giúp con luôn xây dựng hôn nhân trên nền tảng tình yêu của chính Ngài ban cho để con làm trọn lời cam kết với nhau và giữ gìn hôn nhân bền vững, hạnh phúc.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

Kinh Thánh nói gì về của cải vật chất?

Chúa ban mọi của cải vật chất để chúng ta ban ra, giúp đỡ người khác, chứ không phải để duy trì lối sống xa hoa, hưởng lợi từ lòng tham của mình.

Sở hữu nhiều của cải vật chất thì có xấu không? Nếu bạn giàu có, bạn có tội không? Có một ranh giới nào được vẽ trên cát về việc sở hữu của cải vật chất trong đời tạm bợ này không? Kinh Thánh nói khá nhiều về tiền bạc, vật chất và không để lại bất cứ điều gì để tranh luận.

Chúng ta có thể giàu có mà không phạm tội về tiền bạc không? Câu trả lời là có, nhưng con đường đó, thưa các bạn, là một con đường rất nguy hiểm và khó khăn để bước đi đúng đắn với Chúa. Hãy nghiên cứu Kinh thánh và xem Kinh thánh nói gì về những thứ vật chất.

Ma-thi-ơ 19:24: “Ta lại nói với các con, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời”.

Vật chất: Thần tượng hay phước lành?

Nếu bạn có nhiều của cải, làm sao để biết bạn có đang phạm tội về vấn đề này hay không? Đây là một vài câu Kinh Thánh để suy ngẫm:

Lu-ca 12:15 – Ngài phán với họ: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật”.

Tham lam bắt đầu từ suy nghĩ. Nó khiến bạn muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa.

Nó làm bạn ghen tị với người hàng xóm về chiếc Mercedes mới toanh của anh ta.

Nó khiến bạn bỏ qua thời gian cùng gia đình để làm việc trong nhiều giờ với hy vọng có thể mua được những thứ mà bạn vô cùng khao khát.

Nếu đây là bạn, thì bạn đang thờ thần tượng và cần phải ăn năn. Bạn đã đặt của cải vật chất quan trọng hơn Đức Chúa Trời và những ước muốn của Ngài. Của cải vật chất đã trở thành thần tượng trong bạn.

1 Giăng 3:17 – “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang túng thiếu mà chẳng động lòng thương thì làm thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở trong người ấy được?”

Khi lối sống bị áp đặt bởi sự giàu có của người khác, bạn đang gặp vấn đề. Bạn có nhất thiết phải mua chiếc Mercedes đó không? Bạn có cần ngôi nhà 5 phòng ngủ/3 phòng tắm khi nó chỉ dành cho vợ chồng bạn? Nếu cuộc sống của bạn là việc bạn “nhìn” như thế nào trong mắt người khác, thì bạn đang phạm tội.

Con mắt của con người chỉ nhìn thấy bên ngoài. Đôi mắt của Chúa nhìn thấy những gì trong trái tim bạn. Khi bạn từ bỏ việc giúp đỡ nhu cầu cấp bách của ai đó để đáp ứng nhu cầu không cần thiết của chính bạn, Chúa không vui lòng.

Ma-thi-ơ 19:16, 21-22 – “Lúc ấy, có một người đến hỏi Ngài: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều lành nào để được sự sống đời đời?”
Đức Chúa Jêsus đáp: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi, bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta.” Khi nghe lời nầy, thanh niên ấy buồn bã bỏ đi, vì anh ta có quá nhiều của cải”.

Người đàn ông này không thể từ bỏ sự giàu có của mình. Anh ta đang tôn thờ vật chất. Anh đã để cho lòng tham của mình lấn át sự kêu gọi của Chúa Jêsus dành cho anh. Anh ta đặt sự giàu có của mình ở tầm quan trọng cao hơn Chúa Jêsus. Hãy cẩn thận vì có khi bạn cũng đang làm như thế!

Chìa khóa cho tất cả những điều này là rất đơn giản. Đó là về tấm lòng của bạn. Bạn sống vì sự giàu có của bạn, hay bạn sống để sử dụng nó cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? Nếu Chúa Jêsus đến với bạn hôm nay và nói: “Ta có những kế hoạch tuyệt vời cho con. Hãy đến, bán tất cả những gì bạn có và theo Ta” liệu bạn có sẵn sàng thưa vâng với Ngài? Đây là bài kiểm tra xem bạn có đang sở hữu thần tượng tiền bạc.

Cảnh báo

Có nhiều lời cảnh báo trong Kinh Thánh về của cải vật chất và thái độ của chúng ta đối với chúng. Dưới đây là một số câu Kinh Thánh để chúng ta cùng suy ngẫm.

Ma-thi-ơ 6:19-21 – “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. 20 Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. 21 Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó”.

Ma-thi-ơ 6:24 – “Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài nữa”.

1 Ti-mô-thê 6:9-10 – “Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. 10 Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối”

Ma-thi-ơ 16:26 – Nếu người nào được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi linh hồn mình lại?

Kết luận

Kinh Thánh nói rõ về của cải vật chất. Nếu chúng là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của bạn thì hãy ăn năn! Chúa ban mọi của cải vật chất để chúng ta ban ra, giúp đỡ người khác, chứ không phải để duy trì lối sống xa hoa, hưởng lợi từ lòng tham của mình.

Bạn có sẵn lòng từ bỏ mọi thứ bạn sở hữu ngày hôm nay nếu Chúa yêu cầu bạn không? Cuộc sống không phải là ở đây và bây giờ, mà là nơi thiên đàng phước hạnh. Chúng ta không thể mang theo tiền bạc, vật chất của mình lên Thiên đường, nhưng chúng ta chắc chắn có thể sử dụng chúng để mang lại lợi ích cho người khác, cho Vương quốc Nước Trời khi vẫn còn trên đất.

Nguyện Đức Chúa Trời được tôn vinh trong những gì Ngài đã ban cho bạn! Xin Chúa tiếp tục ban phước cho bạn khi bạn sống một cuộc đời xứng đáng với sự kêu gọi!

Bài: Derek Hill, dịch: S.D (Oneway.vn)
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)

Nuôi Dưỡng Hôn Nhân

1 Cô-rinh-tô 7:1-5

“Nguyện nguồn mạch con được phước; con hãy lấy làm vui thích nơi vợ con cưới buổi đang thì” (Châm Ngôn 5:18).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô giải thích thế nào về vấn đề kết hôn và quan hệ thể xác trong hôn nhân? Vợ chồng cần phải làm gì để nuôi dưỡng hôn nhân của mình? Bạn đang nuôi dưỡng hôn nhân gia đình mình như thế nào?

Sứ đồ Phao-lô đang viết thư trả lời những thắc mắc của các tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô về nếp sống đạo Cơ Đốc trong việc cưới gả, quan hệ trong hôn nhân, độc thân, đạo vợ chồng, ly dị… (I Cô-rinh-tô 7:1-16). Trong 5 câu đầu của chương này ông nhấn mạnh đến bổn phận vợ chồng trong quan hệ thể xác để gìn giữ và nuôi dưỡng hôn nhân của mình.

Thành phố Cô-rinh-tô lúc bấy giờ nổi tiếng vô luân, vô đạo đức về tệ nạn mại dâm trong lãnh vực thờ phượng của ngoại giáo. Vì thế Sứ đồ Phao-lô ưu tiên dạy về vấn đề tình dục cho các tín hữu. Ông cho rằng tốt hơn là đàn ông không lập gia đình, không chung đụng với đàn bà, nhưng để tránh tình trạng gian dâm, người nam người nữ nên lập gia đình (câu 1-2). Khi đã kết hôn, một trong các bổn phận của vợ chồng để duy trì hạnh phúc hôn nhân là đáp ứng nhu cầu thể xác của nhau. Đây là điều Đức Chúa Trời đã định khi Ngài thiết lập hôn nhân (Sáng-thế Ký 2:24). Tình yêu chăn gối là món quà tốt đẹp Chúa ban để vợ chồng ràng buộc và gắn bó với nhau, và chỉ được xảy ra trong hôn nhân. Bổn phận vợ chồng là đáp ứng nhu cầu cho nhau và cả hai đều bình đẳng trong mối quan hệ thân mật này (câu 3-4). Vì thế vợ chồng không nên từ chối quan hệ thể xác khi người bạn đời của mình có nhu cầu, chỉ trừ một lý do duy nhất là cả hai đều đồng ý vì nhu cầu tâm linh (câu 5a). Vợ chồng phải đặt nhu cầu tâm linh trên nhu cầu thể xác. Tuy nhiên, việc kiêng cữ này cũng chỉ nên tạm thời, vì nếu không, ma quỷ sẽ thừa dịp cám dỗ để phá vỡ hôn nhân (câu 5b).

Để nuôi dưỡng hôn nhân, cả hai vợ chồng đều phải vun đắp cho hạnh phúc gia đình mình bằng nhiều cách. Quan hệ thể xác là một trong những điều cần thiết cả vợ và chồng đều phải chú ý vun trồng. Tình yêu chăn gối là phương cách để vợ chồng nói lên tình yêu hai người dành cho nhau, để bày tỏ chính mình, để tuôn đổ sức lực, và tình cảm sâu đậm cho người mình yêu. Vì thế, lời dạy của Chúa chỉ cho phép tình dục diễn ra trong hôn nhân mà thôi (Châm Ngôn 5:15-19).

Tình trạng ngoại tình ngày nay ngoài xã hội lẫn trong Hội Thánh có chiều hướng gia tăng. Nhiều hôn nhân đổ vỡ vì tội tà dâm. Do đó, vợ chồng phải cố gắng gìn giữ và nuôi dưỡng hôn nhân của mình theo Lời Chúa dạy và giúp nhau tận hưởng món quà tình dục Chúa ban cho trong hôn nhân.

Bạn có trân trọng món quà hôn nhân Chúa ban và sống đúng theo Lời Ngài dạy chưa?

Tạ ơn Chúa đã ban món quà tình dục trong hôn nhân cho con người. Xin giúp vợ chồng con luôn biết vun trồng, nuôi dưỡng, và gìn giữ hôn nhân của mình được thánh sạch và hạnh phúc trong Chúa.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

Bí Quyết Hạnh Phúc

Kinh thánh: Cô-lô-se 3:18-19

“Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng” (Ê-phê-sô 5:33).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dạy gì về bổn phận vợ chồng? Bí quyết để giữ được hạnh phúc gia đình là gì? Bí quyết này khó hay dễ thực hiện? Bạn áp dụng trong hôn nhân của mình như thế nào?

Sứ đồ Phao-lô đề cập nhiều đến bổn phận vợ chồng trong các thư tín của ông (I Cô-rinh-tô 7; Ê-phê-sô 5; Cô-lô-se 3). Ông luôn nhấn mạnh bí quyết để giữ hạnh phúc trong gia đình là chồng phải yêu vợ và vợ phải kính chồng. Trong hai câu Kinh Thánh này, một lần nữa Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng, là con cái Chúa, vợ chồng càng phải thực thi bí quyết đó. Vợ phải thuận phục chồng vì như thế mới phù hợp với nếp sống Cơ Đốc (câu 18). Chồng phải yêu vợ và không cư xử cay nghiệt với vợ (câu 19), không vì cho rằng vợ phải thuận phục mà đối xử khắt khe làm cho vợ phải khổ sở.

Chính Sứ đồ Phi-e-rơ cũng dạy “vợ phải thuận phục chồng” (I Phi-e-rơ 3:1). Thuận phục ở đây không mang ý nghĩa như đầy tớ phục tùng chủ, nhưng thuận phục trong tinh thần tôn trọng và yêu thương. Từ “thuận phục” là một thuật ngữ trong quân sự với ý nghĩa đơn giản là “sắp đặt theo cấp bậc.” Ông Phao-lô cho biết “chồng là đầu vợ, cũng như Đấng Christ là đầu Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:23 BTTHĐ). Như vậy, theo thứ tự, chồng là đầu và vợ là thân như hình ảnh giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Vì thế, vợ phải phục dưới quyền chồng như Hội Thánh phục dưới quyền Đấng Christ (Ê-phê-sô 5:24). Bí quyết thuận phục của người vợ sẽ dễ dàng thực hiện khi người vợ hoàn toàn đầu phục Chúa. Vì khi vâng lời Chúa thì người vợ sẽ khiêm nhường, nhịn nhục, và tôn trọng chồng mình.

Bổn phận của chồng là phải yêu vợ mình như Chúa yêu Hội Thánh. Chúa Giê-xu đã sẵn sàng từ bỏ mình, hy sinh vì Hội Thánh (Ê-phê-sô 5:25), cũng vậy, chồng phải yêu vợ bằng tình yêu hy sinh, sẵn sàng đặt lợi ích của vợ lên trên. Lời Chúa dạy người chồng “đừng cay nghiệt” với vợ (câu 19) hàm ý chồng phải cư xử với vợ trong tinh thần yêu thương trìu mến và chăm sóc dịu dàng vì họ là “giống yếu hơn” (I Phi-e-rơ 3:7).

Khi vợ chồng áp dụng bí quyết vợ vâng phục chồng và chồng yêu thương vợ, chắc chắn sẽ giữ được hạnh phúc trong hôn nhân. Tóm lại, vợ vâng phục chồng trong tinh thần tôn trọng và kính nể chứ không phải mù quáng. Vợ vâng phục chồng dựa trên nguyên tắc vợ thuận phục Chúa và làm đúng theo Lời Chúa dạy. Vì thế, khi chồng làm sai, vợ phải nhờ ơn Chúa để giúp chồng nhận ra lỗi lầm ấy. Còn chồng yêu vợ cũng không phải nuông chiều mù quáng mà yêu theo gương Chúa Giê-xu yêu Hội Thánh. Khi chồng hết mực yêu thương, chăm lo cho vợ, và sẵn sàng hy sinh vì vợ, chắc chắn vợ cũng sẵn sàng vâng phục, kính trọng chồng trong mọi sự.

Gia đình bạn có áp dụng nguyên tắc kính sợ Đấng Christ mà yêu thương và vâng phục nhau không?

Tạ ơn Chúa đã luôn dạy con những nguyên tắc và bí quyết để sống hạnh phúc. Xin Chúa ban ơn và thêm sức cho con để con có thể áp dụng Lời Ngài mà giữ gìn hạnh phúc gia đình.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

Người Chồng Cơ Đốc

“Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình, như là với giống yếu đuối hơn; vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống, nên phải kính nể họ, hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em” (1 Phi.3:7).

Câu hỏi suy ngẫm: Mối liên hệ vợ chồng có tầm quan trọng nào? Nhận biết điều này người chồng cần có cách cư xử thế nào với vợ? Là người chồng Cơ Đốc, bạn thực hành lời khuyên này như thế nào?

Gia đình là đơn vị xã hội cơ bản và cốt lõi mà Đức Chúa Trời đã dựng nên, do đó, cách sống trong gia đình và việc gây dựng gia đình là điều rất quan trọng. Người chồng được Đức Chúa Trời giao phó trách nhiệm lãnh đạo gia đình, lại càng có trách nhiệm lớn trong việc gây dựng gia đình, đặc biệt phải thận trọng để cư xử với vợ cách khôn ngoan. “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn ngoan ra trong sự ăn ở với vợ mình… vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống.” Cách người chồng sống với vợ sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống người chồng. Tùy vào cách sống, vợ chồng sẽ giúp nhau kinh nghiệm ân sủng sự sống hoặc phải trải qua những ngày tháng “địa ngục trần gian”. Đây là sự lựa chọn của những người chồng!

Để sống đúng với Lời Chúa dạy, người chồng cần phải nhận biết rõ vai trò của mình và của người vợ. Tại đây, Sứ đồ Phi-e-rơ dạy những người chồng xem vợ “như là với giống yếu đuối hơn.” Nói chung, người vợ thường yếu hơn về sức lực, tinh thần, và vị trí trong gia đình, do đó, điều này hàm ý người chồng phải nhận lấy trách nhiệm yêu thương, gánh vác, và bảo vệ vợ. Khi ý thức đúng đắn về vai trò của mình, người chồng sẽ không lạm dụng vị trí lãnh đạo trong gia đình để cư xử hà khắc, gia trưởng, nhưng vì biết vợ “yếu đuối hơn” mình nên sẽ yêu thương và hy sinh cho vợ nhiều hơn.

Không chỉ yêu thương, người chồng Cơ Đốc còn “phải kính nể,” hay quý mến, tôn trọng vợ mình. Người chồng cần luôn biết ơn Chúa về người vợ Chúa ban cho mình và phải thấy vợ rất đáng quý. Nhà giải kinh Matthew Henry viết rằng: “Đức Chúa Trời dựng nên bà Ê-va không phải từ cái đầu của ông A-đam để cai trị ông, cũng không phải từ bàn chân của ông để bị ông chà đạp, nhưng từ xương sườn của ông để bình đẳng với ông, dưới cánh tay của ông để được bảo vệ, và gần trái tim của ông để được yêu thương.”

Tại sao người chồng cần có cách cư xử đúng đắn với vợ mình? Vì đời sống vợ chồng ảnh hưởng đến đời sống thuộc linh, “hầu cho không điều gì làm rối loạn sự cầu nguyện của anh em.” Chúng ta không thể yêu Chúa nếu không yêu người lân cận mình, nhưng chúng ta không thể yêu người lân cận mình nếu chúng ta không thể yêu người gần mình nhất, là người phối ngẫu của mình!

Là chồng, bạn có tỏ ra điều khôn ngoan và sống với vợ đúng như Lời Chúa dạy chưa?

Lạy Chúa, xin cho những người chồng Cơ Đốc nhận biết vai trò của mình để hoàn thành sự kêu gọi của Ngài là người đứng đầu gia đình, và thực hiện vai trò đó trong tình yêu thương, khiêm nhường, mềm mại, nhất là đối với vợ.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

Người Vợ Cơ Đốc (Phần 2)

Kinh thánh: 1 Phi-e-rơ 3:3-6

“Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòe loẹt; nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quý trước mặt Đức Chúa Trời” (1 Phi.3:3-4).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phi-e-rơ nêu thêm mệnh lệnh nào cho người vợ Cơ Đốc? Là vợ, bạn nhận ra đâu là ưu tiên trong đời sống và bạn đang thực hành mệnh lệnh này thế nào?

Phụ nữ là phái đẹp nên việc họ làm đẹp, đeo trang sức, ăn mặc thời trang được xem là đương nhiên. Sứ đồ Phi-e-rơ cũng không ngăn cấm điều này, nhưng ông đang so sánh giữa vẻ đẹp bên ngoài của hình dáng và vẻ đẹp bên trong của tâm linh và phẩm hạnh. Ông không cấm phụ nữ Cơ Đốc làm đẹp, nhưng đừng chú trọng cách thái quá. Ông khuyên đừng “mặc áo quần lòe loẹt” (câu 3b), từ “mặc” có nghĩa là “quấn đầy người.”

Cơ Đốc nhân cần quý trọng và giữ gìn thân thể Chúa dựng nên để biết chăm sóc sức khỏe, trau dồi bản thân. Ngay cả việc ăn mặc lịch sự, phù hợp với hoàn cảnh và môi trường cũng bày tỏ sự tôn trọng người khác. Nếu một người nữ tôn kính Chúa và tôn trọng sự thờ phượng Chúa, người đó chắc chắn sẽ cẩn thận về trang phục của mình, sẽ lựa chọn những quần áo tốt nhất để mặc khi đến đền thờ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Sứ đồ Phi-e-rơ, bề ngoài tuy quan trọng nhưng con người bề trong lại càng quan trọng hơn. Nếu đã dành thời gian để chuẩn bị trang phục tốt nhất khi đến nhà thờ thì chúng ta lại càng phải dành nhiều thời gian hơn nữa để chuẩn bị tấm lòng và tâm trí khi ra mắt Chúa. “Quá chú trọng đến trang điểm bề ngoài” (câu 3a BTTHĐ) là khi chúng ta dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho việc đó, và là khi chúng ta đánh giá mình và người khác dựa trên trang phục, trang điểm, và trang sức. Ông Gia-cơ dạy rằng đánh giá người khác dựa vào vẻ giàu có bề ngoài là phạm tội với Chúa (Gia-cơ 2:1-4).

Như vậy, phụ nữ Cơ Đốc nên chú trọng vào những phẩm hạnh dịu dàng và yên lặng (câu 4b). Vua Sa-lô-môn cũng đề cao những phẩm chất này của người vợ khi ông dạy: “Thà ở nơi vắng vẻ, hơn là ở với một người đàn bà hay tranh cạnh và nóng giận” (Châm Ngôn 21:19). Sự dịu dàng và yên lặng này chính là biểu hiện bên ngoài của sự thuận phục chồng được dạy trong câu 1-2. Làm sao người vợ Cơ Đốc có thể có được những phẩm chất quý giá này? “Vì các bà thánh xưa kia, trông cậy Đức Chúa Trời, vâng phục chồng mình, đều trau giồi mình dường ấy” (câu 5). Nếu không có sự trông cậy Đức Chúa Trời và vâng phục Lời dạy của Ngài để thuận phục chồng thì các bà thật khó sống được như vậy, nhất là với những người vợ làm nhiều tiền hơn chồng, có địa vị xã hội cao, và cá tính mạnh hơn.

Bạn đang chú trọng con người bề trong hay bề ngoài nhiều hơn?

Lạy Chúa, xin cho những người vợ Cơ Đốc không quá chú trọng bề ngoài, nhưng chú trọng con người bề trong cùng những phẩm chất tốt đẹp để trở nên lời chứng tốt cho Ngài.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)

“Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo, dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo, vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính” (1 Phi.3: 1-2).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra mệnh lệnh quan trọng nào cho người vợ Cơ Đốc? Mệnh lệnh này dễ hay khó thực hiện? Vì sao? Là người vợ Cơ Đốc, bạn thực hành mệnh lệnh này thế nào?

Muôn vật được Đức Chúa Trời dựng nên, kể cả hôn nhân, luôn theo một trật tự nhất định. Vì vậy, Tân Ước thường đề cập đến vai trò và vị trí của từng thành viên trong gia đình.

Đề cập đến người vợ, Sứ đồ Phi-e-rơ dạy rằng: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình” (câu 1). “Phục” trong nguyên nghĩa là “đặt mình dưới quyền người khác.” Vì sao vợ phải thuận phục chồng? Vì tương tự như trong xã hội, gia đình cũng có một trật tự do Chúa lập nên, không tôn trọng trật tự này sẽ đưa gia đình đến chỗ nguy hiểm. Một ví dụ tiêu biểu là gia đình ông bà Y-sác và Rê-bê-ca, một gia đình có nhiều đổ vỡ, huynh đệ tương tàn chỉ vì bà Rê-bê-ca đã điều khiển gia đình theo ý muốn mình.

Vấn đề đặt ra là có phải người vợ chỉ thuận phục người chồng đáng để thuận phục, những người chồng gương mẫu chăng? Lời dạy trong câu 1 tiếp tục rằng, “hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo.” Điều đó có nghĩa là ngay cả người chồng không tin Chúa cũng phải thuận phục! Kết quả của sự thuận phục chồng là gì? “…dù không vâng giữ đạo, nhưng qua cách cư xử của vợ, họ được cảm hóa mà không phải dùng đến lời nói vì họ đã thấy sự trong sạch và tin kính trong đời sống của chị em” (câu 1b-2 BTTHĐ). Nói cách khác, thái độ thuận phục chồng của người vợ có thể cảm hóa được người chồng. Ngay cả người chồng không tin Chúa vẫn có cơ hội tin Chúa qua cách sống của người vợ, hoặc những người chồng đã tin Chúa nhưng có những thói hư tật xấu nào cũng sẽ thay đổi khi thấy cách sống của vợ. Vậy thuận phục chồng không phải là một lối sống tiêu cực, cam chịu, nhưng là một lối sống mạnh mẽ của người vợ trưởng thành thuộc linh.

Tại sao vợ khó thuận phục chồng? Vì nhiều người vợ, dù là tín hữu, không sống theo sự dạy dỗ của Lời Chúa nhưng sống theo quan niệm của thế gian. Và nguy hiểm hơn là có quan điểm giá trị sai lầm khi cho rằng “phục” chồng là hạ thấp giá trị bản thân, và thẩm quyền cao nhất trong gia đình phải thuộc về người kiếm tiền nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, có tài lãnh đạo hơn… Nhưng chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm giá trị và vai trò. Mọi người đều có giá trị như nhau trước mặt Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 3:28), nhưng Chúa đặt để người vợ và người chồng trong những vai trò khác nhau. Vợ chồng bình đẳng về giá trị nhưng không thể bình đẳng về vai trò.

Là vợ, bạn có thuận phục chồng như Lời Chúa dạy chưa?

Lạy Chúa, xin dạy dỗ và giúp cho những người vợ Cơ Đốc biểu lộ lòng thuận phục Chúa qua việc thuận phục chồng để làm gương tốt và đem đến những ảnh hưởng tốt trên gia đình.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

Nền tảng Hôn nhân Cơ Đốc

Kinh-thánh: 1 Phi-e-rơ 3:1-7

“Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau” (Ê-phê-sô 5:21).

Câu hỏi suy ngẫm: Trong Bản Truyền Thống Hiệu Đính (BTTHĐ), mở đầu lời dạy cho người vợ (câu 1) và cho người chồng (câu 7) có cụm từ nào giống nhau? Ý nghĩa của cụm từ này cho thấy đâu là nền tảng hôn nhân Cơ Đốc? Bạn được nhắc nhở gì về việc ưu tiên gây dựng hôn nhân của mình?

Trong câu 1 và câu 7 BTTHĐ, lần lượt mở đầu lời dạy cho người vợ và người chồng đều có cụm từ “Cũng vậy,” nghĩa là “tương tự như phần trên.” Sứ đồ Phi-e-rơ muốn dạy hai vợ chồng điều tương tự gì? Đó là tương tự với gương của Chúa Giê-xu nêu ở I Phi-e-rơ 2:21-24. Gương hy sinh, chịu khổ, thuận phục ý muốn Đức Chúa Trời trong mọi hoàn cảnh, và nghĩ đến ích lợi của người khác. Như vậy, gương mẫu của Chúa Giê-xu chính là nền tảng hôn nhân Cơ Đốc. Cho dù chồng và vợ có những vai trò và vị trí khác nhau trong gia đình, nhưng cả hai đều phải sống theo gương của Chúa Giê-xu.

Tấm gương của Chúa Giê-xu (I Phi-e-rơ 2:21-24) được áp dụng trong gia đình như thế nào? Như Chúa Giê-xu thuận phục thẩm quyền của Đức Chúa Cha, cả vợ và chồng phải tuân theo thẩm quyền và thứ tự trong gia đình mà Đức Chúa Trời đã thiết lập. Như Chúa Giê-xu đã yêu chúng ta, cả vợ và chồng phải sống và cư xử với nhau bằng tình yêu. Như Chúa Giê-xu đã hy sinh vì lợi ích của chúng ta, cả vợ và chồng phải hy sinh cho nhau, tìm kiếm ích lợi cho người phối ngẫu của mình. Như Chúa Giê-xu đã khiêm nhường, hạ mình xuống, cả vợ và chồng phải khiêm nhường và tôn trọng nhau. Như Chúa Giê-xu đã yên lặng khi đối diện với những đau khổ và bất công, cả vợ và chồng phải học sống cuộc đời yên lặng, tha thứ nhau.

Tại sao sống theo tấm gương Chúa Giê-xu là quan trọng trong đời sống gia đình? Vì nếu không theo khuôn mẫu này, gia đình sẽ rơi vào tình trạng ai quan trọng, ai lớn, ai có quyền trong gia đình…, và khi đó vợ chồng sẽ chỉ còn sống với nhau bằng “luật lệ” chứ không bằng tình yêu. Cuộc sống gia đình đầy phước hạnh khi cả vợ và chồng hết lòng tìm kiếm hạnh phúc cho người phối ngẫu, nhưng hôn nhân sẽ ở trong tình trạng nguy hiểm khi hai vợ chồng sống cuộc sống ích kỷ, chỉ muốn người phối ngẫu phải đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của mình.

Ngày nay, hôn nhân và gia đình Cơ Đốc ngày càng mong manh vì nhiều tín hữu không nhận ra nền tảng quan trọng nói trên. Nhiều người vợ tự hào vì chồng mình lo làm ăn, không cờ bạc, nhậu nhẹt; nhiều người chồng cũng tự hào vì vợ xinh đẹp, đảm đang, lo chăm sóc gia đình, nhưng không ai quan tâm đến tình trạng đức tin của nhau. Ưu tiên trong việc gây dựng hôn nhân không gì khác hơn là gây dựng đời sống thuộc linh của các thành viên trong gia đình để mỗi người ngày càng giống Chúa Giê-xu hơn.

Điều gì bạn quan tâm nhất trong hôn nhân của mình?

Lạy Chúa, tạ ơn Chúa về hôn nhân Ngài ban cho con. Xin giúp con yêu Chúa, tìm kiếm Ngài, để ngày càng được giống Chúa, và thể hiện điều đó trong hôn nhân của con.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi