Vai Trò Người Mẹ Trong Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời

Mỗi năm khi đến Ngày của Mẹ, chúng ta lại có dịp tôn vinh những người mẹ của mình. Đối với một số người đây có thể là một ngày đau buồn vì mẹ của họ không còn trên đời nữa. Một số người có lẽ đã không có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ của họ. Một số người gặp khó khăn khi làm mẹ. Lại cũng có những người mẹ mà con cái đã gây ra những vết thương lớn trong cuộc đời mình.

Công việc của người mẹ không phải là lên kế hoạch cho cuộc đời của con mình. Đó là công việc của Đức Chúa Trời. Công việc của người mẹ là hiểu vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Trong phân đoạn Kinh Thánh và chúng ta sẽ phân tích ngày hôm nay, chúng ta thấy một người mẹ tên là Giô-kê-bết, người đã hiểu được vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, bà không chỉ cứu sống con trai mình mà còn đặt nền tảng cho cuộc di dân xuất Ai Cập; góp phần thay đổi tiến trình lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời mãi mãi.

Hỡi những người mẹ, Chúa có một kế hoạch cho con cái bạn và điều quan trọng là bạn phải hiểu vai trò của mình trong kế hoạch đó.

Hãy bảo vệ con cái mình một cách tốt nhất có thể

Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1 chép, “Bấy giờ có một người thuộc dòng họ Lê-vi cưới một cô gái Lê-vi làm vợ.” Tên của người cha và người mẹ không được đề cập đến ở đây; nhưng Môi-se, tác giả của sách này sau đó đã đề cập đến tên của họ trong chương 6 (câu 20). Ở đó, chúng ta thấy cha của Môi-se tên là Am-ram và mẹ ông tên là Giô-kê-bết.

Am-ram và Giô-kê-bết gặp nhau, yêu nhau, kết hôn và họ có con với nhau. Nhưng đứa con nhỏ ra đời có lẽ không đúng thời điểm theo quan điểm của con người nếu không muốn nói là thời điểm tồi tệ nhất. Tất nhiên, từ quan điểm của Chúa, đó là thời điểm hoàn hảo.

Dân Y-sơ-ra-ên đã sống ở Ai Cập mấy trăm năm. Họ sinh sôi nẩy nở và trở nên cường thịnh đến nỗi vị vua Ai Cập mới lên ngôi đã lo lắng rằng họ sẽ lật đổ người Ai Cập. Vua bắt đầu thực hiện các bước để đảm bảo điều này không xảy ra (1:7-9).

Đầu tiên, vua lập các đốc công để hành hạ dân Y-sơ-ra-ên bằng những công việc khổ sai (1:11). Về cơ bản, họ bị ép làm nô lệ và phải xây dựng các thành phố cho người Ai Cập. Khi điều đó không hiệu quả, vua đã ra lệnh cho các bà đỡ rằng, “Khi các ngươi đi rước thai cho người đàn bà Hê-bơ-rơ, hễ thấy sanh con trai, thì hãy làm cho chết đi; còn con gái, thì hãy để cho sống” (1:16). Nhưng Kinh Thánh nói rằng các bà đỡ “kính sợ Đức Chúa Trời” nên họ đã không làm theo lệnh vua (1:17). Thất vọng và sợ hãi dân Y-sơ-ra-ên, vua đã đưa ra “giải pháp cuối cùng”. Vua truyền lệnh ném tất cả con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ xuống sông (1:22).

Trong bối cảnh như thế Môi-se ra đời. Kinh Thánh nói Giô-kê-bết thấy con mình xinh đẹp nên đem đi giấu (2:2). Có thể bé trai mới sinh này quá kháu khỉnh và dễ thương. Các bà mẹ đều nghĩ rằng con của họ là em bé đẹp nhất trên đời. Nhưng điều này có thể có nhiều ý nghĩa hơn thế.

Công-vụ 7:20 nói, “Vào thời điểm đó, Môi-se ra đời, khôi ngô tuấn tú trước mặt Chúa và được nuôi tại nhà mình trong ba tháng.” Khi Môi-se được sinh ra, bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời đã gây ấn tượng với người mẹ; có lẽ giống như cách Ngài đã làm với Ma-ri và Giô-sép về Chúa Giê-xu; để họ nhận thấy có điều gì đó rất đặc biệt về con trẻ này. Rằng Chúa đã có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời của con trẻ ấy.

Người mẹ nhận ra công việc của mình là bảo vệ con trai nhỏ khỏi xã hội đồi bại nơi bé được sinh ra. Kinh Thánh nói bà “đem đi giấu trong ba tháng.” Chống lệnh vua, bà đã mạo hiểm mạng sống của mình để bảo vệ đứa con nhỏ.

Khi tôi 5, 6 tuổi, một ngày nọ, mẹ tôi đang trông trẻ cho một người bạn. Em trai tôi có lẽ mới 1 hay 2 tuổi nên bạn có thể tưởng tượng rằng hôm đó mẹ tôi rất bận rộn. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà rất gần đường ray xe lửa. Mẹ để ý thấy tôi không có trong nhà. Và bà nhận ra đoàn tàu đã dừng lại trước nhà. Tôi đã leo lên chiếc thang ở thành xe và cậu bé mà mẹ tôi đang trông giúp đang đứng đó nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. Cậu ấy có lẽ khoảng 3 tuổi và tôi chắc rằng tôi đang cố gây ấn tượng với cậu ấy bằng việc trèo lên nóc toa tàu. Như bạn có thể tưởng tượng, mẹ tôi đã rất hoảng loạn. Nếu đoàn tàu di chuyển thì đó có thể là một bi kịch. Mẹ chạy ào ra rồi hét lên bảo tôi hãy xuống ngay khỏi đó. Tôi trèo xuống và đã nhận được những gì xứng đáng. Mẹ quất cho tôi mấy roi…rồi ôm chằm lấy tôi mà khóc.

Chúa đã ban cho các bà mẹ một bản năng mạnh mẽ để chăm sóc và bảo vệ con cái của họ. Nhưng sự che chở của các bà mẹ tin kính bao hàm nhiều điều hơn là chỉ che chở về mặt thể xác. Một người mẹ bảo vệ con cái của mình bằng cách dạy chúng các luật lệ của Đức Chúa Trời và sau đó đảm bảo rằng con cái của mình tuân theo các luật lệ đó.

Hỡi các bà mẹ, bạn cần hiểu rằng con bạn sẽ giỡn chơi với bạn nếu bạn cho phép chúng làm điều đó. Vì chúng biết mẹ chúng dễ mềm lòng hơn cha; mẹ luôn quan tâm, che chở và hay bênh vực nên chúng sẽ lợi dụng điều đó để làm điều sai quấy.

Con cái ăn chơi trác táng rồi bị vướng vào vòng lao lý hết lần này đến lần khác nhưng lần nào mẹ cũng là người bảo lãnh cho chúng. Con cái cờ bạc dẫn đến nợ nần chồng chất và mẹ là người luôn đứng ra để trả nợ cho chúng. Điều này không giúp được gì cho các con mà người mẹ đang hại chính con mình. Các bà mẹ thường phạm sai lầm này từ khi các con của họ chỉ là những đứa trẻ, đơn giản vì họ đã yêu con sai cách.

Công việc của các bà mẹ là nuôi dạy con cái nên người bằng cách bảo vệ các con để chúng không trở thành nạn nhân của thế giới tội lỗi này; và đôi khi điều đó có nghĩa là chống lại mong muốn sai trật của chúng mặc dù điều đó có thể khiến các con khó chịu và phải chịu nỗi khổ của sự kỷ luật nghiêm khắc.

Làm tất cả những gì bạn có thể với những gì bạn có

Chúng ta thấy rằng Giô-kê-bết đã giấu con trai mình trong ba tháng nhưng chắc chắn rằng việc giấu đứa trẻ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đứa trẻ có xu hướng khóc nhiều hơn. Những người Ai Cập sống xung quanh có thể nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ và trình báo.

Kinh Thánh nói rằng người mẹ lấy một cái thúng đan bằng mây, trét chai và nhựa thông, tất nhiên làm vậy để chống thấm nước (2:3). Bây giờ câu hỏi này ngay lập tức dấy lên: Có người mẹ nào lại để con trai mới sinh ba tháng của mình vào một cái thúng trét chai rồi thả trôi sông. Tại sao bà không kiếm một chiếc thuyền nhỏ xinh xắn hay rương hòm gì đó an toàn hơn? Rõ ràng, “Đó là tất cả những gì bà có.” Người mẹ ấy đã làm tất cả những gì có thể; bà đã giữ cho con an toàn trong ba tháng với những gì mà một người nữ nô lệ tội nghiệp có thể làm được.

Nếu bạn đã làm mẹ, bạn sẽ hiểu được cảm giác của Giô-kê-bết. Khi bà đan chiếc thúng và trét chai chung quanh nó, nỗi sợ hãi bao trùm lấy bà khi bà tự hỏi, “Thế này đã đủ chưa? Ôi, giá như mẹ có thể làm điều gì đó tốt hơn cho con!” Bà thấy không bao nhiêu cho đủ nhưng chiếc thúng đã nổi được trên mặt nước. Đủ để con trai bà sống sót và viết về điều này sau đó.

Chúng ta thường nghĩ rằng Chúa sử dụng những con người phi thường với khả năng phi thường để làm những điều phi thường nhưng sự thật là Chúa sử dụng những con người bình thường như người nữ nô lệ này, và những thứ bình thường như lau sậy và nhựa thông để làm một điều phi thường như giải cứu và nuôi nấng một bé trai mà sau này sẽ trở thành người giải cứu cả dân tộc.

Đây không phải là lần duy nhất. Đức Chúa Trời đã sử dụng Môi-se và cây gậy của ông để giải phóng dân sự. Đức Chúa Trời đã dùng Đa-vít và cái ná của người để kết liễu gã khổng lồ. Đức Chúa Trời đã dùng ba trăm chiếc bình bằng đất sét của Ghê-đê-ôn để đánh bại hàng ngàn quân địch. Đức Chúa Trời đã dùng một cậu bé bình thường và bữa trưa gồm hai con cá và năm chiếc bánh để nuôi hơn năm nghìn người.

Mọi bà mẹ đều trải qua những nỗi sợ hãi nhất định. Kể từ giây phút đứa con chào đời, khi niềm vui bắt đầu phai nhạt đi đôi chút, nó được thay thế bằng cảm giác trách nhiệm quá lớn. Bạn có thể phải vật lộn với những câu hỏi: Mình có đủ khả năng để nuôi dạy con cái không? Liệu mình có khả năng dẫn dắt các con tin tưởng và đi theo Chúa Giê-xu không? Mình có thể nuôi dạy chúng trở thành những người nam người nữ khôn ngoan, có ích cho xã hội không?

Cầu xin ân điển và bình an tràn đầy trên [chị em] nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta!  Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài.” (2 Phi-e-rơ 1:2-3)

Đức Chúa Trời đã ban cho bạn mọi thứ bạn cần để nuôi dạy con mình.

Nỗi sợ hãi không chỉ thể hiện ở sự e ngại mà còn ở sự hối hận. Những người mẹ thường tự trách mình vì đã không làm được điều tốt hơn cho con cái. Nhưng bạn không cần phải sống như vậy nếu bạn đã làm mọi thứ có thể với những gì bạn có.

Hết lòng tin cậy Chúa

Giô-kê-bết biết rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu con trai bà. Vì vậy, bà tin cậy Chúa sẽ chăm sóc và bảo vệ đứa trẻ. Và Ngài đã không khiến bà thất vọng.

Câu 5 – Con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm thấy cái thúng bằng cói giữa đám sậy. Câu 6 – Con gái của người đã ra lệnh giết tất cả trẻ sơ sinh đã “cảm thương cho đứa bé”. Câu 8 – Công Chúa đồng ý tìm một người vú trong số những người nữ Do Thái để nuôi đứa trẻ. Tại sao không phải là một vú em người Ai Cập? Câu 9 – Giô-kê-bết đã ẵm đứa trẻ về nuôi dưỡng và còn được trả công.

Có phải tất cả điều này chỉ là ngẫu nhiên? Không, đó là sự quan phòng thiên thượng. Đức Chúa Trời là đạo diễn đứng đằng sau tất cả những hoàn cảnh này vì Ngài đã có kế hoạch cho con trẻ.

Người mẹ đã chứng tỏ mình tin cậy Chúa bằng cách buông tay. Bà thực sự đã thả con trai nhỏ xuống dòng sông đầy cá sấu. Điều này hoàn toàn đi ngược lại bản chất con người. Dòng sông là nơi chết chóc. Đó là mồ chôn tập thể của tất cả những đứa trẻ khác. Bà có thể làm gì đó khác đi thay vì thả xuống sông. Nhưng bà đã làm vậy. Tại sao? Phải chăng bà đã làm điều đó theo chỉ dẫn của chính Đức Chúa Trời?

Hê-bơ-rơ 11:23 nói, “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ ông đem đi giấu trong ba tháng, vì thấy đứa con khôi ngô, nên không sợ chiếu chỉ của vua.” Mặc dù để con trai ra đi là trái với bản năng tự nhiên của người mẹ, nhưng người mẹ này đã làm điều đó. Số phận của con trai bà không phụ thuộc vào bà mà phụ thuộc vào Chúa. Con trẻ sẽ an toàn hơn trong vòng tay của Đức Chúa Trời. Bà tin cậy Chúa sẽ làm cho con trai mình điều mà bà không thể làm được.

Sau đó, bà được nuôi nấng con mình trong vài năm trước khi giao con cho công chúa người Ai Cập, bạn nên tin rằng bà  đã làm tất cả những gì có thể để con trẻ được thấm nhuần chân lý của Đức Chúa Trời trong những năm tháng đầu đời đó và rồi bà phải xa con một lần nữa.

Thomas Edison đã nói: “Tôi không có nhiều thời gian sống với mẹ, nhưng ảnh hưởng mà bà mang lại đã có tác động lâu dài trong cuộc đời tôi. Mẹ đã dạy cho tôi những bài học đầu đời mà tôi không thể nào quên được. Nếu không nhờ sự đánh giá cao và niềm tin của mẹ dành cho tôi vào thời điểm quan trọng trong trải nghiệm của tôi, thì có lẽ tôi đã không bao giờ trở thành một nhà phát minh. Tôi luôn là một cậu bé bất cẩn, và với một người mẹ có tâm lý khác người, lẽ ra tôi phải trở nên tồi tệ. Nhưng sự kiên định, ngọt ngào, tốt bụng của mẹ là sức mạnh tiềm tàng giúp tôi đi đúng hướng. Tôi trở thành người như hiện tại đều là nhờ mẹ tôi. Ký ức về bà sẽ luôn là một phước lành đối với tôi.

Kinh Thánh không nói gì về cuộc đoàn tụ của Môi-se và mẹ ông sau đó, có lẽ bà đã mất khi ông trưởng thành. Nhưng Môi-se đã ghi lại câu chuyện này. Tôi nghĩ rằng ông không bao giờ quên người mẹ của mình.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: preaching.com

CHỮ HIẾU CỦA NGƯỜI TIN LÀNH

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta chọn Chúa nhật tuần thứ 2 của tháng 5 là Ngày Mẫu Thân, và Chúa nhật tuần thứ 3 của tháng 6 là ngày Phụ thân. Hội thánh Chúa tại Việt Nam chọn Chúa nhật tuần thứ 2 của tháng 5 là ngày Hiếu Kính Cha Mẹ. Hiếu kính cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người. Và đó cũng chính là điều răn mà Chúa dành cho con dân Ngài.

Hôm nay, Chúa nhật 14/05/2023, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa qua chủ đề CHỮ HIẾU CỦA NGƯỜI TIN LÀNH.

“Hãy hiếu kính cha mẹ của con, để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con.” (Xuất Ai Cập Ký 20:12)

Lời Chúa trong Xuất Ai Cập Ký 20:12 truyền lệnh cách rõ ràng, “Hãy hiếu kính cha mẹ của con, để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con.” Đây là lời của Đức Chúa Trời dạy về cách sống của con người trên thế gian đối với những người đã sinh thành dưỡng dục mình, là điều răn thứ 5 trong Mười Điều Răn.

Mười Điều Răn là luật pháp cao nhất Đức Chúa Trời ban hành trong thời kỳ Cựu ước cho dân Y-sơ-ra-ên, được chép trong sách Xuất Ai Cập ký chương 20. Bảng luật pháp này đã được chuẩn bị một cách vô cùng thánh khiết và thiêng liêng trong suốt cả chương 19 trước đó, được viết ra trong một khung cảnh hết sức đáng sợ với tiếng sấm vang, tiếng kèn thổi, chớp nhoáng, núi ra khói.

Mười Điều Răn do chính bàn tay và chữ của Đức Chúa Trời viết ra: “Hai Bảng đó do Đức Chúa Trời làm ra, chữ là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên các bảng đá” (Xuất Ai Cập Ký 32:16).

Tất cả Mười Điều Răn đều là mạng lệnh, mà mạng lệnh là điều phải làm, không phải là sự chọn lựa làm hay không. Đây không chỉ là mạng lệnh của Chúa dành riêng cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên mà cho tất cả mọi người. Hiếu kính cha mẹ được liệt kê là một trong mười điều răn. Bởi vậy chúng ta mới thấy, chữ “hiếu” rất quan trọng với người Cơ đốc.

Chúng ta thường nghe cụm từ “công ơn cha mẹ”, vậy “công ơn” ấy chính xác là gì? Ca dao Việt Nam có câu: “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.” “Đạo con” hay lối sống của người làm con là phải hiếu thảo với cha mẹ, không phải chỉ là để “trả ơn” mà quan trọng hơn là bày tỏ tình yêu với cha mẹ bởi ơn thì làm sao mà trả hết. Người ta có thể trả nợ tiền bạc, nhưng không thể trả nợ tình yêu. Tình yêu là sợi dây vô hình mà thiêng liêng kết nối gia đình, giữa cha mẹ con cái với nhau, chứ không chỉ đơn thuần là công lao. Chúng ta hiếu thảo với cha mẹ vì tình yêu của cha mẹ dành cho mình, vì sợi dây thiêng liêng nối liền giữa tình cha mẹ và lòng con cái, điều đó là vô giá.

Khi con cái đối đãi với cha mẹ bằng tình yêu thì họ có thể làm với tất cả tấm lòng yêu mến của mình mà không thấy nặng nề áp lực như là một bổn phận, trách nhiệm. Điều đó chính là ý nghĩa lớn lao nhất mà Đức Chúa Trời muốn khi đặt nó vào điều răn thứ năm trong Mười Điều Răn.

Nếu tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không sao kể xiết, thì Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tình yêu mà Đức Chúa Trời đối đãi với chúng ta còn lớn lao hơn thế. Lời Chúa phán trong Ê-sai 49:15 rằng, “Dù người mẹ quên con mình, Ta vẫn không bao giờ quên con.”

Nếu bạn thắc mắc Chúa yêu chúng ta như thế nào mà tình yêu ấy lại lớn hơn cả tình yêu của cha mẹ, thì 1 Giăng 4:9 cho chúng ta biết, “Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã được bày tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống” (1 Giăng 4:9).

Nói cách khác, bản chất của ‘đạo hiếu’ chính là tình yêu. Chúng ta yêu cha mẹ vì cha mẹ đã yêu chúng ta trước. Chúng ta yêu Chúa vì Ngài yêu chúng ta trước (1 Giăng 4:19).

Một số người chưa hiểu rõ niềm tin của người Tin Lành nên đã cho rằng “theo Chúa là bất hiếu vì không thờ cúng ông bà, cha mẹ”. Tuy nhiên, không phải vậy. Người tin Chúa có thể hãnh diện chứng tỏ cho những người xung quanh biết rằng chúng ta hiếu thảo cha mẹ bằng một cách khác, một cách đúng đắn hơn, phải lẽ hơn, chính là tình yêu. Yêu cha mẹ không phải thể hiện qua một đám tang linh đình, một đám giỗ hoành tráng, những nghi thức rình rang, tốn kém, nhưng thực chất thì lại muốn người đã khuất cho mình được bình an, may mắn, phù hộ độ trì. Nếu với mục đích như vậy thì những nghi thức, buổi lễ kia cũng chỉ đang hướng về chính mình. Hiếu thảo với cha mẹ phải được thể hiện qua lối sống yêu thương dành cho cha mẹ.

Vậy nên, chúng ta là những người làm con, hãy yêu thương cha mẹ mình cách hết lòng. Hãy cầu nguyện, săn sóc, chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ mình. Với những ai có cha mẹ chưa biết Chúa, hãy cầu nguyện và chia sẻ tình yêu của Chúa dành cho cha mẹ để cha mẹ có thể được hưởng sự sống đời đời. Đó chính là sự hiếu thảo lớn nhất mà chúng ta có thể làm cho cha mẹ mình khi họ chưa biết về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Đồng thời, mỗi người con Chúa cũng đừng quên tình yêu mà Cha Thiên thượng dành cho mình. Hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết cả trí khôn của chúng ta. Nguyện rằng mỗi cuộc đời chúng ta luôn tuôn chảy tình yêu dành cho Chúa, cho cha mẹ, và cho tất cả mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa yêu dấu, cảm ơn Ngài đã ban cho con gia đình. Xin Chúa ban cho cha mẹ con sức khỏe dồi dào, được vui hưởng những năm tháng trên đất. Xin Ngài cũng cho con có thể sống bày tỏ tình yêu thương thật đối với cha mẹ mỗi ngày. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, đạo hiếu của người Tin Lành chính là đạo yêu thương. Vậy nên, hãy sống yêu thương cha mẹ và thể hiện tình yêu thương của bạn qua lời nói, cử chỉ, việc làm. Hãy để cho các bậc làm cha mẹ kinh nghiệm được tình yêu mà bạn bày tỏ. Nhất là với những người cha mẹ còn chưa biết Chúa, xin Chúa thêm sức cho bạn được mạnh mẽ để có thể làm chứng về ơn cứu rỗi cho cha mẹ của mình. Nếu bạn cần tư vấn hoặc cầu thay đặc biệt cho gia đình của mình, đừng ngần ngại liên lạc với chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày nhé.
Nguồn: OneWay.vn

7 Bài Học Trong Cuộc Sống Billy Graham Học Được Từ Mẹ

Ảnh hưởng của người mẹ trong cuộc đời con trẻ thật không gì đo đếm được. Con trẻ nhận biết và tiếp thu tấm gương cũng như thái độ của mẹ mình khi bàn về các vấn đề như sự trung thực, tiết độ, tử tế và tính cần cù.” —Billy Graham

Sau đây là 7 bài học mà Billy Graham đã học được từ mẹ của ông, Morrow, người đã qua đời vào năm 1981—37 năm trước người con trai yêu dấu của bà.

Lao động là chân chính

Billy Graham đã viết trong cuốn tự truyện Just As I Am của mình, “Tôi được dạy rằng lười biếng là một trong những tệ nạn tồi tệ nhất, còn lao động thể hiện phẩm giá và danh dự của một con người.

Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thấy mẹ mình làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình, đó có thể là những công việc nặng nhọc như bổ củi để nhóm bếp hay xử lý sổ sách kế toán cho trang trại của gia đình.

Billy Graham từng nói: “Mẹ tôi là một người phụ nữ làm việc bằng chính đôi tay của mình.

Bạn biết không, ngày tôi ra đời bà hái đậu cả buổi sáng và vào khoảng bốn giờ chiều thì tôi chào đời.

Châm-ngôn có nói rằng ‘nàng… lạc ý lấy tay mình mà làm công việc.’ Trong những năm tháng khó khăn, mẹ tôi đã làm việc ở trang trại kiêm luôn công việc sổ sách và trả lời điện thoại.

Bức ảnh này được chụp vào năm 1919, là bức ảnh đầu tiên ông chụp chung với mẹ khi được 6 tháng tuổi.

Lời cầu nguyện của người mẹ thật quyền năng

Billy Graham nói, “Thật là một niềm an ủi cho tôi khi biết rằng bất kể tôi ở đâu trên thế giới này, mẹ tôi vẫn đang cầu nguyện cho tôi.

Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ ông đã thường xuyên cầu nguyện sốt sắng cho ông và các em.

Ông viết, “Mỗi lần cha mẹ tôi cầu nguyện cho các con trai và con gái của họ, họ tuyên bố rằng các con của mình sẽ phụ thuộc vào Chúa để có được sự khôn ngoan, sức mạnh và lòng can đảm để sống một đời sống tiết độ bất kể hoàn cảnh nào có thể xảy ra.

Hơn thế nữa, họ cầu nguyện cho con cái mình có thể được vào vương quốc của Đức Chúa Trời.

Morrow Coffey Graham, mẹ của Billy Graham, cùng các con vào ngày 28 tháng 2 năm 1971. Từ trái sang phải: Jean, Melvin, Billy và Catherine.

Dành thời gian cho Lời Chúa mỗi ngày

Mẹ và cha tôi không được học hành nhiều… nhưng mẹ tôi là một người nữ của Đức Chúa Trời,” Billy Graham nói vào Ngày Của Mẹ năm 2003

Trong cuốn tự truyện Just As I Am, ông Graham viết, “Khi cha mẹ tôi đọc Kinh Thánh chung với cả nhà, họ không chỉ thực hiện điều đó như một nghi thức tôn giáo. Mẹ nói với chúng tôi rằng ba mẹ đã lập một “bàn thờ gia đình” bằng việc đọc Kinh Thánh hàng ngày ngay từ ngày đầu tiên họ kết hôn.

Họ xem Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ thiên thượng để gìn giữ gia đình.

Ông nói mẹ ông luôn “đảm bảo để chúng tôi họp mặt thường xuyên và đều đặn—chứ không chỉ quanh bàn ăn tối hoặc trước đài phát thanh để nghe các chương trình phát sóng yêu thích. Mẹ nhóm chúng tôi lại xung quanh mẹ và cha tôi để lắng nghe những câu chuyện Kinh Thánh, cùng tham gia những buổi cầu nguyện chung trong gia đình và chia sẻ cảm nhận về sự hiện diện của Chúa.

Billy Graham là con cả trong gia đình có bốn người con. Trong bức ảnh này, ông chụp ảnh cùng cha mẹ và các em bên ngoài ngôi nhà thời thơ ấu của mình ở Charlotte năm 1962.

Tập thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ

Billy Graham viết trong cuốn Just As I Am, “Ở nhà, từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã khuyến khích tôi có thói quen đọc sách.

Cuốn The exploits of Robin Hood in Sherwood Forest [tạm dịch là ‘Chiến tích của Robin Hood trong Rừng Sherwood’] đã mê hoặc tôi. Tôi đã đọc toàn bộ loạt truyện Tom Swift và Rover Boys. Trong số những cuốn sách phiêu lưu ưa thích của tôi có Tarzan; chúng ra mắt vài tháng một lần. Tôi rất nóng lòng chờ đến khi cuốn tiếp theo được phát hành, và mẹ tôi  luôn mua sách cho tôi.

Sở thích đọc sách của ông đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống ông. Graham đã đọc hàng ngàn cuốn sách, và ông nổi tiếng là người đọc nhiều chương Kinh Thánh mỗi ngày. Ông cũng đã viết hơn 30 cuốn sách, giúp vô số người nhận biết, yêu mến và hiểu về Đức Chúa Trời.

Hôn nhân là điều đáng để đấu tranh gìn giữ

Billy Graham đã viết trong cuốn tự truyện của mình, “Đôi khi giữa cha và mẹ cũng có những căng thẳng mà trẻ con chúng tôi không được phép nhìn thấy.” Nhưng ông chưa bao giờ nghe thấy cha mẹ mình dùng lời lẽ thô tục với nhau, và họ luôn tìm cách giải quyết những bất đồng của mình.

Mẹ và cha tôi (hầu hết là mẹ tôi) thỉnh thoảng có thể nổi giận khi gặp chuyện gì đó không vừa ý,” ông viết, “nhưng họ đã vượt qua mọi giông tố và đi cùng nhau cho đến trọn đời.

Ngay cả những bậc cha mẹ tốt nhất cũng mắc sai lầm

Billy Graham và các em của ông lớn lên trong một gia đình Cơ-đốc, nhưng cha mẹ của họ không hoàn hảo. Giống như tất cả các bậc cha mẹ, họ cũng phạm sai lầm. Một sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra khi Billy còn nhỏ.

Ông viết trong Just As I Am, “Một lần nọ khi tôi bị ốm, mẹ nghĩ rằng bà đang cho tôi uống thuốc ho, nhưng thay vào đó, mẹ lại cho tôi uống i-ốt.” Sau cuộc điện thoại chóng vánh với dì, mẹ cho Billy ăn một ít sữa đặc nguyên kem từ trang trại bò sữa của gia đình để làm trung hòa iốt. Ông nói rằng đó là một trải nghiệm suýt chết.

Kết thúc tốt

Billy Graham viết, “Trong khi lời chứng về đời sống của mẹ đã giúp định hình con người tôi và dạy tôi cách sống, nhưng lời chứng về những năm cuối đời và sự ra đi của bà đã cho tôi cái nhìn sâu sắc về cách một người kết thúc cuộc đời trên đất của mình,” Billy Graham viết.

Trong những năm cuối đời, khi sức khỏe của bà giảm sút và chồng bà khi đó cũng đã qua đời, Morrow Graham đã luôn cầu nguyện và lắng nghe Kinh Thánh mỗi sáng.

Billy Graham viết, “Vào ngày 14 tháng 8 năm 1981, mẹ đã lặng lẽ rời khỏi đất này trong khi ngủ và về thiên đàng.

Khi biết tin, tôi vừa khóc vừa vui mừng. Trong tất cả những người tôi từng biết, mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi. Tôi chắc chắn rằng một lý do mà Chúa đã hướng dẫn và bảo vệ tôi, cũng như Ruth và các con, trong nhiều năm qua là nhờ những lời cầu nguyện của cha mẹ tôi.

Bạn cũng có thể có ảnh hưởng đến con cái qua đời sống tin kính của mình. Hãy bắt đầu bằng cách cầu xin Đấng Christ bước vào đời sống của bạn.

Billy Graham trao cho mẹ miếng bánh đầu tiên trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 60 của ông ở Charlotte, Bắc Carolina.

Dịch: Eunice Tu (hoithanh.com)

Nguồn: billygraham.org

TẠP-DỀ CẦU NGUYỆN CỦA MẸ JOHN WESLEY VÀ CHARLES WESLEY

Douglas, Richard Gilmore; Susanna Wesley, Sewing; Epworth Old Rectory; http://www.artuk.org/artworks/susanna-wesley-sewing-80694

Đằng sau cánh cửa mang tên gia đình là sự khó khăn chồng chất. Những điều thầm lặng xảy ra mà họ không muốn thế giới biết. Tuy nhiên, từ một số người (hiện tại và lịch sử) chúng ta được biết câu chuyện bên trong, cho dù họ có muốn nói hay không.

Một gia đình tan vỡ không phải lúc nào cũng rõ ràng từ cái nhìn đầu tiên, phải không? Susanna Wesley kết hôn với một mục sư. Họ có 10 đứa con, trong đó hai người con của bà lớn lên đã được Đức Chúa Trời sử dụng để đưa hàng triệu linh hồn đến với Đấng Christ. Đó là John Wesley và Charles Wesley. Sẽ là một câu chuyện mạnh mẽ nếu chúng chỉ dừng lại ở đây.

Nhưng đằng sau cánh cửa của ngôi nhà Susanna là những nỗi tuyệt vọng không ngừng tấn công. Bà kết hôn với một người đàn ông không biết quản lý tiền bạc. Họ không đồng ý về bất cứ điều gì, từ tiền bạc đến chính trị. Họ có 20 đứa con, 10 đứa đã chết trong độ tuổi sơ sinh. Sam (chồng của bà) để bà một mình nuôi dạy con cái trong thời gian dài. Điều này đôi khi chỉ vì một cuộc tranh cãi đơn giản.

Một trong số những đứa con của họ bị tật nguyền. Một đứa khác không thể nói cho đến khi gần sáu tuổi. Chính Susanna cũng bị bệnh nặng suốt quãng đời trên đất. Không có tiền để mua thức ăn hoặc bất cứ điều gì. Nợ nần luôn đeo bám họ.

Sam từng bị bỏ vào tù vì nợ quá cao không thể chi trả. Hai lần, những ngôi nhà mà họ sống bị cháy rụi, mất hết tất cả. Người ta cho rằng những thành viên trong nhà thờ của họ đã làm điều đó vì họ tức giận với những gì Sam giảng trên bục giảng! Một ai đó đã cắt bỏ những vú bò của họ để họ không có sữa, giết chết chú chó của họ và đốt cháy cánh đồng.

Khi Susanna còn trẻ, bà đã hứa nguyện với Chúa rằng mỗi khi rảnh rỗi, bà sẽ dành cho Chúa qua việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Nhưng việc chăm sóc nhà cửa và nuôi dạy nhiều con cái đã làm cho việc giữ lời hứa này trở nên gần như không thể thực hiện. Bà không có thời gian cho giải trí hoặc những giờ cầu nguyện dài! Bà là người làm vườn, vắt sữa, dạy con và quản lý cả gia đình một mình. Vì vậy, bà quyết định dành cho Chúa hai giờ mỗi ngày để cầu nguyện bất cứ khi nào!

Bà gặp khó khăn trong việc tìm một nơi riêng tư để thờ phượng Chúa. Vì vậy, bà đã khuyên các con của mình rằng khi chúng thấy bà đeo tạp dề trên đầu, đó có nghĩa là bà đang cầu nguyện và không thể bị làm phiền. Bà trung kiên với Chúa, cầu nguyện cho con cái mình và đọc hiểu về Lời Ngài, bất kể cuộc sống khó khăn đến đâu.

Và cuối cùng, bà biết rằng một ngày nào đó cuộc sống khó khăn sẽ kết thúc, bà sẽ đứng trước ngai vàng của Chúa và chịu trách nhiệm về cách mà bà sống khi còn trên đất.

Chúng ta có thể là người mẹ, vợ, người phụ nữ không ngừng đối mặt với những khó khăn, bận bịu từ trong gia đình. Hãy noi gương của Susanna, đeo tạp dề và cầu nguyện ngay giữa những khó khăn.

Quay trở lại đầu câu chuyện…

Các con trai của bà, John và Charles, đã trở thành những người mạnh mẽ cho vinh quang Đức Chúa Trời. John Wesley đã giảng đạo cho gần một triệu người trong thời đại của mình. Ở tuổi 70, ông đã truyền giáo Tin Lành đến cho 32.000 người – mà không sử dụng máy phát thanh! Ông mang đến sự phục hưng khắp nơi!

Và anh trai của ông, Charles, đã viết hơn 9000 bài ca thánh, trong đó có nhiều bài ca chúng ta vẫn đang hát ngày nay.

Nguồn: OneWay.vn
(Bài/hình: Church History)

NHỮNG NGƯỜI MẸ TIN KÍNH

Sắp đến Ngày của Mẹ, chúng ta hãy cùng nhau ngồi lại để nhớ về những người mẹ trong cuộc đời chúng ta. Không chỉ người mẹ đã sinh thành và nuôi nấng, mà còn là những người phụ nữ đã yêu thương, chăm sóc và hướng dẫn chúng ta bằng tình mẹ, cả trong cuộc sống lẫn trong đức tin.

Hôm nay, ngày 13/05/2023, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả BETH PATCH qua chủ đề NHỮNG NGƯỜI MẸ TIN KÍNH.

“Người đàn bà nhân hậu được tôn trọng…” (Châm Ngôn 11:16)

Từ phía bên kia của ngôi nhà, tôi nghe thấy giọng hát tuyệt vời của bà Dorothy đang cất lên tiếng hát ca ngợi Chúa trong khi vừa làm việc nhà: “Bao lần ta bối rối gặp sầu tư, lắm lúc tâm hồn bỗng bồi hồi. Nguyên do chúng ta chẳng đem tâm sự trình ra trước Jêsus mà thôi”. Đứa em bảy tuổi của tôi rất thích nghe bà hát. Xung quanh bà luôn tỏa ra niềm vui, và đôi môi bà lúc nào cũng nở một nụ cười thật tươi.

Vì bệnh tật, mẹ tôi không thể đưa chúng tôi đến trường hay nấu ăn cho gia đình. May mắn thay, Chúa đã ban cho mẹ một người phụ giúp, đó chính là bà Dorothy. Bà đến nhà chúng tôi từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ sáng sớm cho đến chiều muộn. Bà đánh thức chúng tôi dậy, chuẩn bị bữa sáng, đưa chúng tôi đến trường, lo việc nhà cửa, chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Có thể nói, bà Dorothy đã hoàn thành mọi vai trò người mẹ trong cuộc đời chúng tôi.

Nếu tôi có thể quay ngược thời gian, hoặc nếu bà Dorothy vẫn còn sống trên đất này, tôi muốn tặng bà một chiếc bình cắm đầy những bông hoa thơm ngát và một tấm thiệp xinh đẹp với dòng chữ “Chúc mừng Ngày của Mẹ” thật to. Mãi cho đến khi lớn lên, tôi mới hiểu được tầm ảnh hưởng của bà trong cuộc đời mình. Chúa đã sử dụng tấm gương chân thành, nhân từ, vui vẻ, kiên nhẫn và dịu dàng của bà để gieo hạt giống tình yêu vĩ đại của Ngài vào lòng tôi. Tôi mãi mãi biết ơn vì điều đó.

Tôi tin rằng Chúa sẽ sử dụng những tôi tớ, con cái trung thành của Ngài để tạo ảnh hưởng tích cực đến con trẻ theo nhiều cách khác nhau. Trong cuộc đời tôi, người đó chính là bà Dorothy. Trong cuộc đời của tiên tri Sa-mu-ên, đó là thầy tế lễ Hê-li. Bà An-ne, mẹ của Sa-mu-ên, đã lập lời hứa nguyện này:

“Lạy Đức Giê-hô-va vạn quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của tớ gái Ngài, nhớ lại con và không quên ban cho tớ gái Ngài một con trai, thì con sẽ hiến dâng nó cho Đức Giê-hô-va trọn đời, và dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó.” (1 Sa-mu-ên 1:11)

Khi Sa-mu-ên còn nhỏ, mẹ ông đã đưa ông đến đền thờ của Đức Chúa Trời để hoàn thành lời hứa nguyện của bà. Nền tảng đức tin của Sa-mu-ên được hình thành chính nhờ việc sống trong đền thờ với thầy tế lễ Hê-li.

Khi lên Thiên đàng, tôi sẽ rất vui mừng được nói lời cảm ơn bà Dorothy. Tôi sẽ tặng bà một bình hoa thật lớn và một tấm thiệp, nếu trên Thiên đàng có thiệp và hoa.

Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa đã ban những người mẹ tin kính đến trong cuộc đời con, để gây dựng cho con một nền tảng đức tin vững chắc trong Ngài. Xin Chúa ban phước dư dật trên những người mẹ tuyệt vời của chúng con! Nguyện niềm vui Chúa ban cho mỗi chúng con sẽ lan tỏa và đưa dẫn mọi người đến để nhận lãnh sự sống mới trong Ngài! Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, ngày của Mẹ là thời điểm hoàn hảo để vinh danh những người mẹ, cũng như những người đã yêu thương, chăm sóc chúng ta như con cái họ. Hãy cùng nhau chuẩn bị những món quà và lời chúc thật đáng yêu cho những người mẹ mà Chúa đã ban cho chúng ta trên đất này. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở rằng ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những người mẹ, người cha của các em nhỏ, dành cho chúng tình yêu thương của Đấng Christ. Nguyện rằng qua những thái độ và việc làm yêu thương của bạn, những em nhỏ sẽ rộng lòng đón nhận Chúa Jêsus!

Nguồn: Oneway.vn

Xây Dựng Một Thói Quen Cầu Nguyện

Sức mạnh của thói quen cầu nguyện

Suy nghĩ chung của người ta là phải mất 21 ngày để hình thành một thói quen. Tôi không thể nói cho bạn biết tôi đã nghe điều này biết bao nhiêu lần qua các nhóm thanh thiếu niên ở trường trung học cho đến những khóa dạy về nuôi dạy con cái. Nếu bạn có thể gắn bó với một thứ gì đó trong 21 ngày, bạn sẽ hình thành một thói quen.

Mặc dù đúng là sự lặp lại tạo ra quán tính, nhưng thói quen không thể được hình thành nếu chúng ta không thực sự muốn chúng. Gần đây tôi đã đọc một bài điểm sách cuốn Quyền Năng Của Thói Quen của Charles Duhigg, bài viết nầy đã đơn giản hóa quy trình xuống còn ba bước.

Trong bài đăng này, chúng ta sẽ xem xét ba bước này và cách sử dụng chúng để tạo nên thói quen cầu nguyện. Nếu chúng ta có thể biến việc cầu nguyện thành thói quen, thì nhiều mặt thực hành Cơ đốc của chúng ta sẽ trôi chảy dễ dàng hơn.

Ba bước để tạo thói quen

“Để xây dựng thói quen, bạn cần tạo nên Sự Gợi Ý Nhắc Nhở, sự Thường Xuyên và Phần Thưởng.”

– Charles Duhigg

Gợi ý nhắc nhở là thứ để nhắc nhở bạn làm điều gì đó. Ví dụ: nếu bạn muốn bắt đầu tập thể dục, bạn có thể đặt giày chạy bộ cạnh giường để nó nhắc bạn chạy bộ khi thức dậy. Hoặc, bạn có thể sắp xếp một cuộc hẹn với một người bạn để gặp nhau tại phòng tập thể dục. Dấu hiệu nhắc nhở là thứ để nhắc nhở cá nhân bạn thực hiện thói quen mà bạn muốn tạo.

Sự Thường xuyên tự nó là một thói quen. Đây có thể là bất kỳ thói quen nào bạn muốn tạo nên. Nói chính xác hơn, sự thường xuyên là những gì bạn làm để hoàn thành thói quen mà bạn muốn tạo.

Phần thưởng là những gì bạn muốn lấy ra từ thói quen. Lấy ví dụ về tập thể dục, có thể phần thưởng là một cái quần mới hoặc được chạy trong một cuộc thi nào đó. Phần thưởng là động lực để tạo thói quen.

Tạo một khuôn mẫu thói quen

Cuốn sách kể câu chuyện về việc vào đầu những năm 1900, Pepsodent đã cố gắng thuyết phục mọi người đánh răng như thế nào (tất cả hoạt động tiếp thị đều cố gắng khiến bạn làm điều gì đó mà họ muốn bạn làm). Sự gợi ý nhắc nhở mà họ tạo ra là làm cho mọi người nhận ra lớp phim trên răng khi họ thức dậy. Việc thường xuyên là đánh răng với Pepsodent. Phần thưởng là cảm giác tươi mát, sạch sẽ trong miệng của bạn. Chiến dịch này đặc biệt thành công vì việc làm sạch răng hồi đó không phải là thói quen hàng ngày như ngày nay.

Hiểu biết về cách hình thành một thói quen có thể giúp bạn từ bỏ những thói quen xấu. Nếu bạn gặp vấn đề uống quá nhiều rượu, bạn có thể suy nghĩ về các bước tạo thói quen này. Sự gợi ý có thể là bạn đang cảm thấy buồn. Sự thường xuyên là bạn uống rượu. Phần thưởng là bạn quên đi những rắc rối của mình. Nếu đây là chu kỳ của bạn, thì hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn cảm thấy buồn và tìm cách khác để giải quyết nó là con đường đi đến phục hồi.

Là Cơ đốc nhân, chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu có thể chữa lành chứng nghiện rượu, nhưng nếu thói quen này hình thành quá sâu, bạn có thể không thực sự biết điều gì đang khiến mình đau đớn. Bạn có thể cảm nhận được nỗi buồn bên trong và nhanh chóng dập tắt nó bằng cách uống rượu trước khi nó chạm đến nhận thức có ý thức của bạn. Chúa Giê-xu sẽ gặp khó khăn trong việc chữa lành những gì bạn đang cố gắng phớt lờ. Nếu bạn không giải quyết nỗi đau, tấn công thói quen đó chỉ làm được điều tốt nhất là đánh đổi nó bằng một thói xấu khác.

 Đưa ra một kế hoạch

Điều gì sẽ là gợi ý nhắc nhở cho thói quen cầu nguyện của bạn? Điều gì sẽ làm được việc này cho bạn? Bạn có thể…

  • đặt đồng hồ báo thức để đánh thức bạn dậy sớm hơn.
  • tạo thêm một cuộc hẹn gặp Chúa trong lịch của bạn.
  • đánh một dấu chấm trên đồng hồ của bạn để nhắc bạn cảm ơn Chúa mỗi khi bạn nhìn thấy nó.

Gợi ý nhắc nhở không phải để khiến bạn cầu nguyện, nó chỉ nhắc nhở bạn về những gì bạn muốn đạt được là thói quen cầu nguyện. Khi bạn đang xây dựng thói quen cầu nguyện, bạn có thể làm điều gì nổi bật như một lời nhắc nhở bạn cầu nguyện?

Điều gì sẽ là sự thường xuyên của bạn trong sự cầu nguyện?

Bạn có muốn cầu nguyện theo một danh sách các nhu cầu cầu nguyện, đi qua các bước Ca ngợi, Xưng tội, Tạ ơn và Cầu xin (the ACTS of prayer:  (Adoration Confession Thanksgiving Supplication), viết nhật ký cầu nguyện, v.v.? Mục tiêu là dành thời gian với Chúa, nhưng có thể có nhiều cách khác nhau để làm điều này. Bạn có cách riêng phù hợp với bạn, và những gì hiệu quả với người khác có thể không hiệu quả với bạn. Hãy thử một vài cách cầu nguyện thường xuyên và xem cái nào phù hợp với tính cách của bạn. Tìm hiểu điều gì có ý nghĩa nhất đối với bạn trước khi biến nó thành thói quen cầu nguyện của bạn.

Phần thưởng của bạn sẽ là gì?

Hãy suy nghĩ kỹ về điều này trước khi để cho câu trả lời bị trở nên “thiêng liêng quá mấu.” Dành thì giờ với Chúa hẳn là phần thưởng xứng đáng, nhưng đối với hầu hết mọi người, đây không phải là phần thưởng cụ thể. Một số lợi ích phụ của việc dành thời gian với Chúa mà bạn có thể nắm bắt là gì. Có phải là sự bình an? Sự tin cậy? Vơi nhẹ tấm lòng nặng trĩu?  Có đường hướng? Bạn sẽ hoãn lại một cái gì đó bạn muốn, chẳng hạn như bữa ăn sáng, cho đến khi bạn cầu nguyện? Phần thưởng đúng có thể giúp bạn có thói quen cầu nguyện.

Các bước để cầu nguyện trở thành thói quen

Bạn có muốn tạo nên một số thói quen cầu nguyện không? Hãy suy nghĩ qua 3 bước này và thử áp dụng chúng. Nếu bạn thấy rằng một trong số chúng không hiệu  quả, hãy thay đổi nó. Có phải gợi ý nhắc nhở bạn cầu nguyện, nhưng bạn vẫn không có động lực? Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể thay đổi thói quen hoặc phần thưởng. Hãy cầu xin Chúa giúp đỡ trong quá trình này. Ngài muốn bạn dành thì giờ với Ngài, vì vậy bạn có thể trông đợi sự giúp đỡ của Ngài. Nếu các bước này hoạt động kết quả một lúc rồi dừng lại, đó có thể là Chúa đang đưa bạn vào một thời mùa mới. Hãy linh hoạt và điều chỉnh theo hướng dẫn của Ngài khi bạn học cách làm cho việc cầu nguyện trở thành một thói quen.

Lược dịch:  Ngọc Nga (KetnoiPhuchung.com)

Nguồn: Prayer Coach, How To Make A Prayer Habit, prayer-coach.com

Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dù người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn” (câu 16).

Câu hỏi suy ngẫm: Đời sống Cơ Đốc được đổi mới xuất phát từ đâu? Đổi mới trong cuộc sống hôn nhân cụ thể là gì? Đổi mới trong Chúa Giê-xu ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi ra sao? Bạn cần làm gì để vun bồi hạnh phúc của mình?

Câu 16 bắt đầu với cụm từ “Vậy nên” nhấn mạnh đến kết quả của sự đổi mới trong Chúa Giê-xu (II Cô-rinh-tô 4:7-15). Cho dù mỗi con dân Chúa phải chịu khổ trên linh trình theo Chúa nhưng rồi sẽ hưởng được quyền năng của sự sống lại trong Chúa Giê-xu, vinh quang trong cõi vĩnh hằng. Điều này khích lệ Cơ Đốc nhân không nản lòng nhưng luôn có đời sống đổi mới. Dù thể xác có suy mòn nhưng tâm linh luôn được tươi mới, vững mạnh. Sự đổi mới phải xuất phát từ sự thay đổi tâm linh bên trong cho đến tinh thần và lối sống mỗi ngày.

Trong lãnh vực hôn nhân, chúng ta cũng cần đổi mới qua việc vun bồi hạnh phúc lứa đôi, chấp nhận những điểm yếu của nhau, và cùng nhau thay đổi. Yếu tố hàng đầu cho gia đình Cơ Đốc là mức độ yêu mến Chúa, vợ chồng càng yêu mến Chúa, vâng phục Ngài trong nếp sống hằng ngày thì sẽ càng gần nhau hơn. Trong hôn lễ của Nữ hoàng Elizabeth II, Đức Tổng Giám mục Geoffrey Fisher nhắn nhủ: “Đấng Christ Hằng Sống đang hiện diện ở đây để ban phước cho hai bạn. Càng gần Chúa thì hai bạn càng gần nhau.” Thật là lời nhắn nhủ khôn ngoan về hạnh phúc gia đình. Trong Chúa Giê-xu dù thân xác có già đi, có suy mòn theo năm tháng, nhưng nếp sống yêu thương, thánh khiết luôn phát triển, đổi mới không ngừng.

Khi đề cập đến vun bồi hạnh phúc cho hôn nhân, có lẽ một số người nghĩ đến chuyện tặng quà cáp, đi du lịch chung với nhau v.v… Những điều đó tốt, nên làm, nhưng để nuôi dưỡng thường xuyên chúng ta cũng cần chú ý đến động cơ yêu thương từ bên trong cũng như những hành động thể hiện bên ngoài cho dù đó chỉ là những hành động nhỏ nhặt trong đời sống hằng ngày. Muốn cây cối được xanh tươi, không phải lâu lâu mới được tưới nước nhiều một lần, mà phải thường xuyên tưới nước, nhổ cỏ dại, tỉa những cành lá khô v.v… Hoặc muốn cho thân thể khỏe mạnh, không phải chỉ mỗi năm bỏ ra vài ngày tập thể dục tận lực mà phải có thói quen tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Cũng vậy, chính những giây phút ngồi bên bàn ăn chia sẻ những sinh hoạt trong ngày, chính những hành động nhỏ giúp đỡ nhau trong công việc nhà, chính những lời khen, những lời khích lệ thật lòng hằng ngày, những lời nhỏ nhẹ nhận lỗi v.v… tạo cho ngôi nhà thành mái ấm gia đình. Tiến sĩ Billy Graham viết rằng, nếu cặp vợ chồng nào chỉ cần cố gắng vun bồi cho cuộc sống hôn nhân bằng phân nửa thời gian lúc họ tỏ tình, họ sẽ ngạc nhiên thấy sự việc sáng sủa hơn!

Vợ chồng bạn có ưu tiên vun bồi con người bề trong cho nhau không?

Lạy Chúa, xin giúp vợ chồng con không ngừng vun bồi hạnh phúc lứa đôi bằng sự đổi mới con người bề trong mỗi ngày. Xin cho ngôi nhà của con trở thành mái ấm gia đình.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi

Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân

Kinh thánh: Rô-ma 15:1-7

Câu-gốc: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng-thế Ký 2:18).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô khuyên người mạnh cần phải làm gì cho người yếu? Nguyên tắc này áp dụng trong hôn nhân như thế nào? Vợ chồng bạn đang giúp nhau thế nào để hôn nhân của bạn hoàn thiện và giống Chúa hơn?

Sứ đồ Phao-lô đưa ra một nguyên tắc chung cần có trong Hội Thánh là: “chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình” (câu 1). Nguyên tắc này cũng rất cần thiết để áp dụng trong hôn nhân. Ngay từ buổi ban đầu khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời đã khẳng định: “Loài người ở một mình thì không tốt; Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó.” Chúa biết ông A-đam có những hạn chế và cần người giúp đỡ, nên Ngài dựng nên bà Ê-va ở bên cạnh ông. Hôn nhân được Chúa thiết lập giữa người nam và người nữ để bổ sung, giúp đỡ, và gây dựng lẫn nhau giúp cho hôn nhân được hoàn thiện và hạnh phúc.

Sứ đồ Phao-lô dạy mỗi người trong chúng ta không chỉ biết làm vừa lòng mình, nhưng còn làm vừa lòng người lân cận để giúp ích và gây dựng lẫn nhau (câu 1-2). Ông cũng nêu cho chúng ta về tấm gương tuyệt vời của Chúa Giê-xu khi Ngài không làm vừa lòng chính mình mà sẵn sàng chịu nhục mạ để cứu nhân loại (câu 3-4). Ông Phao-lô cầu nguyện xin Chúa giúp chúng ta sống hòa hợp với nhau để cùng nhau tôn vinh Đức Chúa Cha (câu 5-6).

Nguyên tắc giúp đỡ và bổ sung cho nhau là nguyên tắc quan trọng để xây dựng hôn nhân bền vững. Vợ và chồng là hai con người khác nhau, hai cá nhân riêng biệt, cả hai đều được tạo dựng theo hình ảnh của Đức Chúa Trời chứ không phải theo hình ảnh của người kia. Vì thế, khi bước vào hôn nhân sẽ có rất nhiều điều khác biệt, có khi là hoàn toàn trái ngược nhau. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu dạy: “Vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi” (Ma-thi-ơ 19:6a). Cả hai phải giúp nhau để trở nên hòa hợp cả về tâm linh, thể xác, và tinh thần. Để làm được điều này, chúng ta cần noi theo gương Chúa Giê-xu và áp dụng những nguyên tắc Sứ đồ Phao-lô vừa dạy ở đây.

Hai vợ chồng cần phải “tiếp” nhau, nghĩa chấp nhận nhau như chính Chúa đã chấp nhận mình, cả ưu lẫn khuyết điểm (câu 7). Mỗi người với những ưu điểm riêng sẽ bổ sung và giúp đỡ những khiếm khuyết của người kia. Cả hai cùng giúp nhau trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn, và giống Chúa hơn mỗi ngày. Hãy cảm tạ Chúa về những điều khác nhau giữa bạn và người phối ngẫu. Xin Chúa giúp vợ chồng hiểu nhau, chấp nhận nhau và dùng những điểm khác nhau để cùng xây dựng hôn nhân của chúng ta trở nên thích thú và đặc biệt.

Bạn có chấp nhận những khác biệt và sẵn sàng giúp đỡ, bổ sung cho nhau trong hôn nhân không?

Lạy Chúa, xin giúp vợ chồng con luôn vì vinh quang của Chúa mà chấp nhận nhau như chính Ngài đã chấp nhận chúng con. Xin dạy vợ chồng con biết giúp đỡ và bổ sung cho nhau để xây dựng hôn nhân bền vững trong Ngài.

(c) 2023 svtk.net

Xem các bài khác:

  1. Ngày 1/5/2023 Nền tảng Hôn nhân Cơ đốc
  2. Ngày 2/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 1)
  3. Ngày 3/5/2023 Người Vợ Cơ Đốc (phần 2)
  4. Ngày 4/5/2023 Người Chồng Cơ Đốc
  5. Ngày 5/5/2023 Bí Quyết Hạnh Phúc
  6. Ngày 6/5/2023 Nuôi Dưỡng Hôn Nhân
  7. Ngày 7/5/2023 Tình Yêu: Nền Tảng Của Hôn Nhân
  8. Ngày 8/5/2023 Giúp Nhau Xây Dựng Hôn Nhân
  9. Ngày 9/5/2023 Vun Bồi Hạnh Phúc Lứa Đôi