Vai Trò Người Mẹ Trong Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời

Mỗi năm khi đến Ngày của Mẹ, chúng ta lại có dịp tôn vinh những người mẹ của mình. Đối với một số người đây có thể là một ngày đau buồn vì mẹ của họ không còn trên đời nữa. Một số người có lẽ đã không có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ của họ. Một số người gặp khó khăn khi làm mẹ. Lại cũng có những người mẹ mà con cái đã gây ra những vết thương lớn trong cuộc đời mình.

Công việc của người mẹ không phải là lên kế hoạch cho cuộc đời của con mình. Đó là công việc của Đức Chúa Trời. Công việc của người mẹ là hiểu vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Trong phân đoạn Kinh Thánh và chúng ta sẽ phân tích ngày hôm nay, chúng ta thấy một người mẹ tên là Giô-kê-bết, người đã hiểu được vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, bà không chỉ cứu sống con trai mình mà còn đặt nền tảng cho cuộc di dân xuất Ai Cập; góp phần thay đổi tiến trình lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời mãi mãi.

Hỡi những người mẹ, Chúa có một kế hoạch cho con cái bạn và điều quan trọng là bạn phải hiểu vai trò của mình trong kế hoạch đó.

Hãy bảo vệ con cái mình một cách tốt nhất có thể

Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1 chép, “Bấy giờ có một người thuộc dòng họ Lê-vi cưới một cô gái Lê-vi làm vợ.” Tên của người cha và người mẹ không được đề cập đến ở đây; nhưng Môi-se, tác giả của sách này sau đó đã đề cập đến tên của họ trong chương 6 (câu 20). Ở đó, chúng ta thấy cha của Môi-se tên là Am-ram và mẹ ông tên là Giô-kê-bết.

Am-ram và Giô-kê-bết gặp nhau, yêu nhau, kết hôn và họ có con với nhau. Nhưng đứa con nhỏ ra đời có lẽ không đúng thời điểm theo quan điểm của con người nếu không muốn nói là thời điểm tồi tệ nhất. Tất nhiên, từ quan điểm của Chúa, đó là thời điểm hoàn hảo.

Dân Y-sơ-ra-ên đã sống ở Ai Cập mấy trăm năm. Họ sinh sôi nẩy nở và trở nên cường thịnh đến nỗi vị vua Ai Cập mới lên ngôi đã lo lắng rằng họ sẽ lật đổ người Ai Cập. Vua bắt đầu thực hiện các bước để đảm bảo điều này không xảy ra (1:7-9).

Đầu tiên, vua lập các đốc công để hành hạ dân Y-sơ-ra-ên bằng những công việc khổ sai (1:11). Về cơ bản, họ bị ép làm nô lệ và phải xây dựng các thành phố cho người Ai Cập. Khi điều đó không hiệu quả, vua đã ra lệnh cho các bà đỡ rằng, “Khi các ngươi đi rước thai cho người đàn bà Hê-bơ-rơ, hễ thấy sanh con trai, thì hãy làm cho chết đi; còn con gái, thì hãy để cho sống” (1:16). Nhưng Kinh Thánh nói rằng các bà đỡ “kính sợ Đức Chúa Trời” nên họ đã không làm theo lệnh vua (1:17). Thất vọng và sợ hãi dân Y-sơ-ra-ên, vua đã đưa ra “giải pháp cuối cùng”. Vua truyền lệnh ném tất cả con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ xuống sông (1:22).

Trong bối cảnh như thế Môi-se ra đời. Kinh Thánh nói Giô-kê-bết thấy con mình xinh đẹp nên đem đi giấu (2:2). Có thể bé trai mới sinh này quá kháu khỉnh và dễ thương. Các bà mẹ đều nghĩ rằng con của họ là em bé đẹp nhất trên đời. Nhưng điều này có thể có nhiều ý nghĩa hơn thế.

Công-vụ 7:20 nói, “Vào thời điểm đó, Môi-se ra đời, khôi ngô tuấn tú trước mặt Chúa và được nuôi tại nhà mình trong ba tháng.” Khi Môi-se được sinh ra, bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời đã gây ấn tượng với người mẹ; có lẽ giống như cách Ngài đã làm với Ma-ri và Giô-sép về Chúa Giê-xu; để họ nhận thấy có điều gì đó rất đặc biệt về con trẻ này. Rằng Chúa đã có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời của con trẻ ấy.

Người mẹ nhận ra công việc của mình là bảo vệ con trai nhỏ khỏi xã hội đồi bại nơi bé được sinh ra. Kinh Thánh nói bà “đem đi giấu trong ba tháng.” Chống lệnh vua, bà đã mạo hiểm mạng sống của mình để bảo vệ đứa con nhỏ.

Khi tôi 5, 6 tuổi, một ngày nọ, mẹ tôi đang trông trẻ cho một người bạn. Em trai tôi có lẽ mới 1 hay 2 tuổi nên bạn có thể tưởng tượng rằng hôm đó mẹ tôi rất bận rộn. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà rất gần đường ray xe lửa. Mẹ để ý thấy tôi không có trong nhà. Và bà nhận ra đoàn tàu đã dừng lại trước nhà. Tôi đã leo lên chiếc thang ở thành xe và cậu bé mà mẹ tôi đang trông giúp đang đứng đó nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. Cậu ấy có lẽ khoảng 3 tuổi và tôi chắc rằng tôi đang cố gây ấn tượng với cậu ấy bằng việc trèo lên nóc toa tàu. Như bạn có thể tưởng tượng, mẹ tôi đã rất hoảng loạn. Nếu đoàn tàu di chuyển thì đó có thể là một bi kịch. Mẹ chạy ào ra rồi hét lên bảo tôi hãy xuống ngay khỏi đó. Tôi trèo xuống và đã nhận được những gì xứng đáng. Mẹ quất cho tôi mấy roi…rồi ôm chằm lấy tôi mà khóc.

Chúa đã ban cho các bà mẹ một bản năng mạnh mẽ để chăm sóc và bảo vệ con cái của họ. Nhưng sự che chở của các bà mẹ tin kính bao hàm nhiều điều hơn là chỉ che chở về mặt thể xác. Một người mẹ bảo vệ con cái của mình bằng cách dạy chúng các luật lệ của Đức Chúa Trời và sau đó đảm bảo rằng con cái của mình tuân theo các luật lệ đó.

Hỡi các bà mẹ, bạn cần hiểu rằng con bạn sẽ giỡn chơi với bạn nếu bạn cho phép chúng làm điều đó. Vì chúng biết mẹ chúng dễ mềm lòng hơn cha; mẹ luôn quan tâm, che chở và hay bênh vực nên chúng sẽ lợi dụng điều đó để làm điều sai quấy.

Con cái ăn chơi trác táng rồi bị vướng vào vòng lao lý hết lần này đến lần khác nhưng lần nào mẹ cũng là người bảo lãnh cho chúng. Con cái cờ bạc dẫn đến nợ nần chồng chất và mẹ là người luôn đứng ra để trả nợ cho chúng. Điều này không giúp được gì cho các con mà người mẹ đang hại chính con mình. Các bà mẹ thường phạm sai lầm này từ khi các con của họ chỉ là những đứa trẻ, đơn giản vì họ đã yêu con sai cách.

Công việc của các bà mẹ là nuôi dạy con cái nên người bằng cách bảo vệ các con để chúng không trở thành nạn nhân của thế giới tội lỗi này; và đôi khi điều đó có nghĩa là chống lại mong muốn sai trật của chúng mặc dù điều đó có thể khiến các con khó chịu và phải chịu nỗi khổ của sự kỷ luật nghiêm khắc.

Làm tất cả những gì bạn có thể với những gì bạn có

Chúng ta thấy rằng Giô-kê-bết đã giấu con trai mình trong ba tháng nhưng chắc chắn rằng việc giấu đứa trẻ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đứa trẻ có xu hướng khóc nhiều hơn. Những người Ai Cập sống xung quanh có thể nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ và trình báo.

Kinh Thánh nói rằng người mẹ lấy một cái thúng đan bằng mây, trét chai và nhựa thông, tất nhiên làm vậy để chống thấm nước (2:3). Bây giờ câu hỏi này ngay lập tức dấy lên: Có người mẹ nào lại để con trai mới sinh ba tháng của mình vào một cái thúng trét chai rồi thả trôi sông. Tại sao bà không kiếm một chiếc thuyền nhỏ xinh xắn hay rương hòm gì đó an toàn hơn? Rõ ràng, “Đó là tất cả những gì bà có.” Người mẹ ấy đã làm tất cả những gì có thể; bà đã giữ cho con an toàn trong ba tháng với những gì mà một người nữ nô lệ tội nghiệp có thể làm được.

Nếu bạn đã làm mẹ, bạn sẽ hiểu được cảm giác của Giô-kê-bết. Khi bà đan chiếc thúng và trét chai chung quanh nó, nỗi sợ hãi bao trùm lấy bà khi bà tự hỏi, “Thế này đã đủ chưa? Ôi, giá như mẹ có thể làm điều gì đó tốt hơn cho con!” Bà thấy không bao nhiêu cho đủ nhưng chiếc thúng đã nổi được trên mặt nước. Đủ để con trai bà sống sót và viết về điều này sau đó.

Chúng ta thường nghĩ rằng Chúa sử dụng những con người phi thường với khả năng phi thường để làm những điều phi thường nhưng sự thật là Chúa sử dụng những con người bình thường như người nữ nô lệ này, và những thứ bình thường như lau sậy và nhựa thông để làm một điều phi thường như giải cứu và nuôi nấng một bé trai mà sau này sẽ trở thành người giải cứu cả dân tộc.

Đây không phải là lần duy nhất. Đức Chúa Trời đã sử dụng Môi-se và cây gậy của ông để giải phóng dân sự. Đức Chúa Trời đã dùng Đa-vít và cái ná của người để kết liễu gã khổng lồ. Đức Chúa Trời đã dùng ba trăm chiếc bình bằng đất sét của Ghê-đê-ôn để đánh bại hàng ngàn quân địch. Đức Chúa Trời đã dùng một cậu bé bình thường và bữa trưa gồm hai con cá và năm chiếc bánh để nuôi hơn năm nghìn người.

Mọi bà mẹ đều trải qua những nỗi sợ hãi nhất định. Kể từ giây phút đứa con chào đời, khi niềm vui bắt đầu phai nhạt đi đôi chút, nó được thay thế bằng cảm giác trách nhiệm quá lớn. Bạn có thể phải vật lộn với những câu hỏi: Mình có đủ khả năng để nuôi dạy con cái không? Liệu mình có khả năng dẫn dắt các con tin tưởng và đi theo Chúa Giê-xu không? Mình có thể nuôi dạy chúng trở thành những người nam người nữ khôn ngoan, có ích cho xã hội không?

Cầu xin ân điển và bình an tràn đầy trên [chị em] nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta!  Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài.” (2 Phi-e-rơ 1:2-3)

Đức Chúa Trời đã ban cho bạn mọi thứ bạn cần để nuôi dạy con mình.

Nỗi sợ hãi không chỉ thể hiện ở sự e ngại mà còn ở sự hối hận. Những người mẹ thường tự trách mình vì đã không làm được điều tốt hơn cho con cái. Nhưng bạn không cần phải sống như vậy nếu bạn đã làm mọi thứ có thể với những gì bạn có.

Hết lòng tin cậy Chúa

Giô-kê-bết biết rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu con trai bà. Vì vậy, bà tin cậy Chúa sẽ chăm sóc và bảo vệ đứa trẻ. Và Ngài đã không khiến bà thất vọng.

Câu 5 – Con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm thấy cái thúng bằng cói giữa đám sậy. Câu 6 – Con gái của người đã ra lệnh giết tất cả trẻ sơ sinh đã “cảm thương cho đứa bé”. Câu 8 – Công Chúa đồng ý tìm một người vú trong số những người nữ Do Thái để nuôi đứa trẻ. Tại sao không phải là một vú em người Ai Cập? Câu 9 – Giô-kê-bết đã ẵm đứa trẻ về nuôi dưỡng và còn được trả công.

Có phải tất cả điều này chỉ là ngẫu nhiên? Không, đó là sự quan phòng thiên thượng. Đức Chúa Trời là đạo diễn đứng đằng sau tất cả những hoàn cảnh này vì Ngài đã có kế hoạch cho con trẻ.

Người mẹ đã chứng tỏ mình tin cậy Chúa bằng cách buông tay. Bà thực sự đã thả con trai nhỏ xuống dòng sông đầy cá sấu. Điều này hoàn toàn đi ngược lại bản chất con người. Dòng sông là nơi chết chóc. Đó là mồ chôn tập thể của tất cả những đứa trẻ khác. Bà có thể làm gì đó khác đi thay vì thả xuống sông. Nhưng bà đã làm vậy. Tại sao? Phải chăng bà đã làm điều đó theo chỉ dẫn của chính Đức Chúa Trời?

Hê-bơ-rơ 11:23 nói, “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ ông đem đi giấu trong ba tháng, vì thấy đứa con khôi ngô, nên không sợ chiếu chỉ của vua.” Mặc dù để con trai ra đi là trái với bản năng tự nhiên của người mẹ, nhưng người mẹ này đã làm điều đó. Số phận của con trai bà không phụ thuộc vào bà mà phụ thuộc vào Chúa. Con trẻ sẽ an toàn hơn trong vòng tay của Đức Chúa Trời. Bà tin cậy Chúa sẽ làm cho con trai mình điều mà bà không thể làm được.

Sau đó, bà được nuôi nấng con mình trong vài năm trước khi giao con cho công chúa người Ai Cập, bạn nên tin rằng bà  đã làm tất cả những gì có thể để con trẻ được thấm nhuần chân lý của Đức Chúa Trời trong những năm tháng đầu đời đó và rồi bà phải xa con một lần nữa.

Thomas Edison đã nói: “Tôi không có nhiều thời gian sống với mẹ, nhưng ảnh hưởng mà bà mang lại đã có tác động lâu dài trong cuộc đời tôi. Mẹ đã dạy cho tôi những bài học đầu đời mà tôi không thể nào quên được. Nếu không nhờ sự đánh giá cao và niềm tin của mẹ dành cho tôi vào thời điểm quan trọng trong trải nghiệm của tôi, thì có lẽ tôi đã không bao giờ trở thành một nhà phát minh. Tôi luôn là một cậu bé bất cẩn, và với một người mẹ có tâm lý khác người, lẽ ra tôi phải trở nên tồi tệ. Nhưng sự kiên định, ngọt ngào, tốt bụng của mẹ là sức mạnh tiềm tàng giúp tôi đi đúng hướng. Tôi trở thành người như hiện tại đều là nhờ mẹ tôi. Ký ức về bà sẽ luôn là một phước lành đối với tôi.

Kinh Thánh không nói gì về cuộc đoàn tụ của Môi-se và mẹ ông sau đó, có lẽ bà đã mất khi ông trưởng thành. Nhưng Môi-se đã ghi lại câu chuyện này. Tôi nghĩ rằng ông không bao giờ quên người mẹ của mình.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: preaching.com

7 Bài Học Trong Cuộc Sống Billy Graham Học Được Từ Mẹ

Ảnh hưởng của người mẹ trong cuộc đời con trẻ thật không gì đo đếm được. Con trẻ nhận biết và tiếp thu tấm gương cũng như thái độ của mẹ mình khi bàn về các vấn đề như sự trung thực, tiết độ, tử tế và tính cần cù.” —Billy Graham

Sau đây là 7 bài học mà Billy Graham đã học được từ mẹ của ông, Morrow, người đã qua đời vào năm 1981—37 năm trước người con trai yêu dấu của bà.

Lao động là chân chính

Billy Graham đã viết trong cuốn tự truyện Just As I Am của mình, “Tôi được dạy rằng lười biếng là một trong những tệ nạn tồi tệ nhất, còn lao động thể hiện phẩm giá và danh dự của một con người.

Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã thấy mẹ mình làm việc chăm chỉ để lo cho gia đình, đó có thể là những công việc nặng nhọc như bổ củi để nhóm bếp hay xử lý sổ sách kế toán cho trang trại của gia đình.

Billy Graham từng nói: “Mẹ tôi là một người phụ nữ làm việc bằng chính đôi tay của mình.

Bạn biết không, ngày tôi ra đời bà hái đậu cả buổi sáng và vào khoảng bốn giờ chiều thì tôi chào đời.

Châm-ngôn có nói rằng ‘nàng… lạc ý lấy tay mình mà làm công việc.’ Trong những năm tháng khó khăn, mẹ tôi đã làm việc ở trang trại kiêm luôn công việc sổ sách và trả lời điện thoại.

Bức ảnh này được chụp vào năm 1919, là bức ảnh đầu tiên ông chụp chung với mẹ khi được 6 tháng tuổi.

Lời cầu nguyện của người mẹ thật quyền năng

Billy Graham nói, “Thật là một niềm an ủi cho tôi khi biết rằng bất kể tôi ở đâu trên thế giới này, mẹ tôi vẫn đang cầu nguyện cho tôi.

Ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ ông đã thường xuyên cầu nguyện sốt sắng cho ông và các em.

Ông viết, “Mỗi lần cha mẹ tôi cầu nguyện cho các con trai và con gái của họ, họ tuyên bố rằng các con của mình sẽ phụ thuộc vào Chúa để có được sự khôn ngoan, sức mạnh và lòng can đảm để sống một đời sống tiết độ bất kể hoàn cảnh nào có thể xảy ra.

Hơn thế nữa, họ cầu nguyện cho con cái mình có thể được vào vương quốc của Đức Chúa Trời.

Morrow Coffey Graham, mẹ của Billy Graham, cùng các con vào ngày 28 tháng 2 năm 1971. Từ trái sang phải: Jean, Melvin, Billy và Catherine.

Dành thời gian cho Lời Chúa mỗi ngày

Mẹ và cha tôi không được học hành nhiều… nhưng mẹ tôi là một người nữ của Đức Chúa Trời,” Billy Graham nói vào Ngày Của Mẹ năm 2003

Trong cuốn tự truyện Just As I Am, ông Graham viết, “Khi cha mẹ tôi đọc Kinh Thánh chung với cả nhà, họ không chỉ thực hiện điều đó như một nghi thức tôn giáo. Mẹ nói với chúng tôi rằng ba mẹ đã lập một “bàn thờ gia đình” bằng việc đọc Kinh Thánh hàng ngày ngay từ ngày đầu tiên họ kết hôn.

Họ xem Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ thiên thượng để gìn giữ gia đình.

Ông nói mẹ ông luôn “đảm bảo để chúng tôi họp mặt thường xuyên và đều đặn—chứ không chỉ quanh bàn ăn tối hoặc trước đài phát thanh để nghe các chương trình phát sóng yêu thích. Mẹ nhóm chúng tôi lại xung quanh mẹ và cha tôi để lắng nghe những câu chuyện Kinh Thánh, cùng tham gia những buổi cầu nguyện chung trong gia đình và chia sẻ cảm nhận về sự hiện diện của Chúa.

Billy Graham là con cả trong gia đình có bốn người con. Trong bức ảnh này, ông chụp ảnh cùng cha mẹ và các em bên ngoài ngôi nhà thời thơ ấu của mình ở Charlotte năm 1962.

Tập thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ

Billy Graham viết trong cuốn Just As I Am, “Ở nhà, từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã khuyến khích tôi có thói quen đọc sách.

Cuốn The exploits of Robin Hood in Sherwood Forest [tạm dịch là ‘Chiến tích của Robin Hood trong Rừng Sherwood’] đã mê hoặc tôi. Tôi đã đọc toàn bộ loạt truyện Tom Swift và Rover Boys. Trong số những cuốn sách phiêu lưu ưa thích của tôi có Tarzan; chúng ra mắt vài tháng một lần. Tôi rất nóng lòng chờ đến khi cuốn tiếp theo được phát hành, và mẹ tôi  luôn mua sách cho tôi.

Sở thích đọc sách của ông đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống ông. Graham đã đọc hàng ngàn cuốn sách, và ông nổi tiếng là người đọc nhiều chương Kinh Thánh mỗi ngày. Ông cũng đã viết hơn 30 cuốn sách, giúp vô số người nhận biết, yêu mến và hiểu về Đức Chúa Trời.

Hôn nhân là điều đáng để đấu tranh gìn giữ

Billy Graham đã viết trong cuốn tự truyện của mình, “Đôi khi giữa cha và mẹ cũng có những căng thẳng mà trẻ con chúng tôi không được phép nhìn thấy.” Nhưng ông chưa bao giờ nghe thấy cha mẹ mình dùng lời lẽ thô tục với nhau, và họ luôn tìm cách giải quyết những bất đồng của mình.

Mẹ và cha tôi (hầu hết là mẹ tôi) thỉnh thoảng có thể nổi giận khi gặp chuyện gì đó không vừa ý,” ông viết, “nhưng họ đã vượt qua mọi giông tố và đi cùng nhau cho đến trọn đời.

Ngay cả những bậc cha mẹ tốt nhất cũng mắc sai lầm

Billy Graham và các em của ông lớn lên trong một gia đình Cơ-đốc, nhưng cha mẹ của họ không hoàn hảo. Giống như tất cả các bậc cha mẹ, họ cũng phạm sai lầm. Một sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra khi Billy còn nhỏ.

Ông viết trong Just As I Am, “Một lần nọ khi tôi bị ốm, mẹ nghĩ rằng bà đang cho tôi uống thuốc ho, nhưng thay vào đó, mẹ lại cho tôi uống i-ốt.” Sau cuộc điện thoại chóng vánh với dì, mẹ cho Billy ăn một ít sữa đặc nguyên kem từ trang trại bò sữa của gia đình để làm trung hòa iốt. Ông nói rằng đó là một trải nghiệm suýt chết.

Kết thúc tốt

Billy Graham viết, “Trong khi lời chứng về đời sống của mẹ đã giúp định hình con người tôi và dạy tôi cách sống, nhưng lời chứng về những năm cuối đời và sự ra đi của bà đã cho tôi cái nhìn sâu sắc về cách một người kết thúc cuộc đời trên đất của mình,” Billy Graham viết.

Trong những năm cuối đời, khi sức khỏe của bà giảm sút và chồng bà khi đó cũng đã qua đời, Morrow Graham đã luôn cầu nguyện và lắng nghe Kinh Thánh mỗi sáng.

Billy Graham viết, “Vào ngày 14 tháng 8 năm 1981, mẹ đã lặng lẽ rời khỏi đất này trong khi ngủ và về thiên đàng.

Khi biết tin, tôi vừa khóc vừa vui mừng. Trong tất cả những người tôi từng biết, mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi. Tôi chắc chắn rằng một lý do mà Chúa đã hướng dẫn và bảo vệ tôi, cũng như Ruth và các con, trong nhiều năm qua là nhờ những lời cầu nguyện của cha mẹ tôi.

Bạn cũng có thể có ảnh hưởng đến con cái qua đời sống tin kính của mình. Hãy bắt đầu bằng cách cầu xin Đấng Christ bước vào đời sống của bạn.

Billy Graham trao cho mẹ miếng bánh đầu tiên trong bữa tiệc sinh nhật lần thứ 60 của ông ở Charlotte, Bắc Carolina.

Dịch: Eunice Tu (hoithanh.com)

Nguồn: billygraham.org

TẠP-DỀ CẦU NGUYỆN CỦA MẸ JOHN WESLEY VÀ CHARLES WESLEY

Douglas, Richard Gilmore; Susanna Wesley, Sewing; Epworth Old Rectory; http://www.artuk.org/artworks/susanna-wesley-sewing-80694

Đằng sau cánh cửa mang tên gia đình là sự khó khăn chồng chất. Những điều thầm lặng xảy ra mà họ không muốn thế giới biết. Tuy nhiên, từ một số người (hiện tại và lịch sử) chúng ta được biết câu chuyện bên trong, cho dù họ có muốn nói hay không.

Một gia đình tan vỡ không phải lúc nào cũng rõ ràng từ cái nhìn đầu tiên, phải không? Susanna Wesley kết hôn với một mục sư. Họ có 10 đứa con, trong đó hai người con của bà lớn lên đã được Đức Chúa Trời sử dụng để đưa hàng triệu linh hồn đến với Đấng Christ. Đó là John Wesley và Charles Wesley. Sẽ là một câu chuyện mạnh mẽ nếu chúng chỉ dừng lại ở đây.

Nhưng đằng sau cánh cửa của ngôi nhà Susanna là những nỗi tuyệt vọng không ngừng tấn công. Bà kết hôn với một người đàn ông không biết quản lý tiền bạc. Họ không đồng ý về bất cứ điều gì, từ tiền bạc đến chính trị. Họ có 20 đứa con, 10 đứa đã chết trong độ tuổi sơ sinh. Sam (chồng của bà) để bà một mình nuôi dạy con cái trong thời gian dài. Điều này đôi khi chỉ vì một cuộc tranh cãi đơn giản.

Một trong số những đứa con của họ bị tật nguyền. Một đứa khác không thể nói cho đến khi gần sáu tuổi. Chính Susanna cũng bị bệnh nặng suốt quãng đời trên đất. Không có tiền để mua thức ăn hoặc bất cứ điều gì. Nợ nần luôn đeo bám họ.

Sam từng bị bỏ vào tù vì nợ quá cao không thể chi trả. Hai lần, những ngôi nhà mà họ sống bị cháy rụi, mất hết tất cả. Người ta cho rằng những thành viên trong nhà thờ của họ đã làm điều đó vì họ tức giận với những gì Sam giảng trên bục giảng! Một ai đó đã cắt bỏ những vú bò của họ để họ không có sữa, giết chết chú chó của họ và đốt cháy cánh đồng.

Khi Susanna còn trẻ, bà đã hứa nguyện với Chúa rằng mỗi khi rảnh rỗi, bà sẽ dành cho Chúa qua việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Nhưng việc chăm sóc nhà cửa và nuôi dạy nhiều con cái đã làm cho việc giữ lời hứa này trở nên gần như không thể thực hiện. Bà không có thời gian cho giải trí hoặc những giờ cầu nguyện dài! Bà là người làm vườn, vắt sữa, dạy con và quản lý cả gia đình một mình. Vì vậy, bà quyết định dành cho Chúa hai giờ mỗi ngày để cầu nguyện bất cứ khi nào!

Bà gặp khó khăn trong việc tìm một nơi riêng tư để thờ phượng Chúa. Vì vậy, bà đã khuyên các con của mình rằng khi chúng thấy bà đeo tạp dề trên đầu, đó có nghĩa là bà đang cầu nguyện và không thể bị làm phiền. Bà trung kiên với Chúa, cầu nguyện cho con cái mình và đọc hiểu về Lời Ngài, bất kể cuộc sống khó khăn đến đâu.

Và cuối cùng, bà biết rằng một ngày nào đó cuộc sống khó khăn sẽ kết thúc, bà sẽ đứng trước ngai vàng của Chúa và chịu trách nhiệm về cách mà bà sống khi còn trên đất.

Chúng ta có thể là người mẹ, vợ, người phụ nữ không ngừng đối mặt với những khó khăn, bận bịu từ trong gia đình. Hãy noi gương của Susanna, đeo tạp dề và cầu nguyện ngay giữa những khó khăn.

Quay trở lại đầu câu chuyện…

Các con trai của bà, John và Charles, đã trở thành những người mạnh mẽ cho vinh quang Đức Chúa Trời. John Wesley đã giảng đạo cho gần một triệu người trong thời đại của mình. Ở tuổi 70, ông đã truyền giáo Tin Lành đến cho 32.000 người – mà không sử dụng máy phát thanh! Ông mang đến sự phục hưng khắp nơi!

Và anh trai của ông, Charles, đã viết hơn 9000 bài ca thánh, trong đó có nhiều bài ca chúng ta vẫn đang hát ngày nay.

Nguồn: OneWay.vn
(Bài/hình: Church History)

NHỮNG NGƯỜI MẸ TIN KÍNH

Sắp đến Ngày của Mẹ, chúng ta hãy cùng nhau ngồi lại để nhớ về những người mẹ trong cuộc đời chúng ta. Không chỉ người mẹ đã sinh thành và nuôi nấng, mà còn là những người phụ nữ đã yêu thương, chăm sóc và hướng dẫn chúng ta bằng tình mẹ, cả trong cuộc sống lẫn trong đức tin.

Hôm nay, ngày 13/05/2023, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa với tác giả BETH PATCH qua chủ đề NHỮNG NGƯỜI MẸ TIN KÍNH.

“Người đàn bà nhân hậu được tôn trọng…” (Châm Ngôn 11:16)

Từ phía bên kia của ngôi nhà, tôi nghe thấy giọng hát tuyệt vời của bà Dorothy đang cất lên tiếng hát ca ngợi Chúa trong khi vừa làm việc nhà: “Bao lần ta bối rối gặp sầu tư, lắm lúc tâm hồn bỗng bồi hồi. Nguyên do chúng ta chẳng đem tâm sự trình ra trước Jêsus mà thôi”. Đứa em bảy tuổi của tôi rất thích nghe bà hát. Xung quanh bà luôn tỏa ra niềm vui, và đôi môi bà lúc nào cũng nở một nụ cười thật tươi.

Vì bệnh tật, mẹ tôi không thể đưa chúng tôi đến trường hay nấu ăn cho gia đình. May mắn thay, Chúa đã ban cho mẹ một người phụ giúp, đó chính là bà Dorothy. Bà đến nhà chúng tôi từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ sáng sớm cho đến chiều muộn. Bà đánh thức chúng tôi dậy, chuẩn bị bữa sáng, đưa chúng tôi đến trường, lo việc nhà cửa, chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. Có thể nói, bà Dorothy đã hoàn thành mọi vai trò người mẹ trong cuộc đời chúng tôi.

Nếu tôi có thể quay ngược thời gian, hoặc nếu bà Dorothy vẫn còn sống trên đất này, tôi muốn tặng bà một chiếc bình cắm đầy những bông hoa thơm ngát và một tấm thiệp xinh đẹp với dòng chữ “Chúc mừng Ngày của Mẹ” thật to. Mãi cho đến khi lớn lên, tôi mới hiểu được tầm ảnh hưởng của bà trong cuộc đời mình. Chúa đã sử dụng tấm gương chân thành, nhân từ, vui vẻ, kiên nhẫn và dịu dàng của bà để gieo hạt giống tình yêu vĩ đại của Ngài vào lòng tôi. Tôi mãi mãi biết ơn vì điều đó.

Tôi tin rằng Chúa sẽ sử dụng những tôi tớ, con cái trung thành của Ngài để tạo ảnh hưởng tích cực đến con trẻ theo nhiều cách khác nhau. Trong cuộc đời tôi, người đó chính là bà Dorothy. Trong cuộc đời của tiên tri Sa-mu-ên, đó là thầy tế lễ Hê-li. Bà An-ne, mẹ của Sa-mu-ên, đã lập lời hứa nguyện này:

“Lạy Đức Giê-hô-va vạn quân, nếu Ngài đoái xem nỗi sầu khổ của tớ gái Ngài, nhớ lại con và không quên ban cho tớ gái Ngài một con trai, thì con sẽ hiến dâng nó cho Đức Giê-hô-va trọn đời, và dao cạo sẽ không chạm đến đầu nó.” (1 Sa-mu-ên 1:11)

Khi Sa-mu-ên còn nhỏ, mẹ ông đã đưa ông đến đền thờ của Đức Chúa Trời để hoàn thành lời hứa nguyện của bà. Nền tảng đức tin của Sa-mu-ên được hình thành chính nhờ việc sống trong đền thờ với thầy tế lễ Hê-li.

Khi lên Thiên đàng, tôi sẽ rất vui mừng được nói lời cảm ơn bà Dorothy. Tôi sẽ tặng bà một bình hoa thật lớn và một tấm thiệp, nếu trên Thiên đàng có thiệp và hoa.

Cầu nguyện: Cảm ơn Chúa đã ban những người mẹ tin kính đến trong cuộc đời con, để gây dựng cho con một nền tảng đức tin vững chắc trong Ngài. Xin Chúa ban phước dư dật trên những người mẹ tuyệt vời của chúng con! Nguyện niềm vui Chúa ban cho mỗi chúng con sẽ lan tỏa và đưa dẫn mọi người đến để nhận lãnh sự sống mới trong Ngài! Con cầu nguyện trong danh Đức Chúa Jêsus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, ngày của Mẹ là thời điểm hoàn hảo để vinh danh những người mẹ, cũng như những người đã yêu thương, chăm sóc chúng ta như con cái họ. Hãy cùng nhau chuẩn bị những món quà và lời chúc thật đáng yêu cho những người mẹ mà Chúa đã ban cho chúng ta trên đất này. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở rằng ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những người mẹ, người cha của các em nhỏ, dành cho chúng tình yêu thương của Đấng Christ. Nguyện rằng qua những thái độ và việc làm yêu thương của bạn, những em nhỏ sẽ rộng lòng đón nhận Chúa Jêsus!

Nguồn: Oneway.vn