AI LÀ CHỦ?

Kinh Thánh: Gia-cơ 4:13-17

Ai là chủ? Ai là người sở hữu?
Cuộc đời nầy cùng mọi vật trong tay?
Cần thực tâm thẩm định kể từ rày,
Để chuẩn bị cho cuộc đời mai hậu.
Đời quá ngắn, ví như cây trong chậu
Quá mỏng manh như hơi nước mau tan (1)
Như hoa kia, mới sáng nở chiều tàn
Không kiểm soát được tương lai là vậy.
Tuy biết thế! có lắm người cười khẩy,
Ta tự mình, lo xây dựng tương lai
Rồi tính toan cho đời sống đường dài
Được sung sướng, giàu sang cùng danh vọng.
Trong cuộc sống ta có quyền hy vọng,
Cũng như ai, lo cơm áo gạo tiền
Có khôn ngoan, thành công . . . chuyện đương nhiên
Và cứ thế mở mang thêm dịch vụ. (2)
Nhưng Chúa phán, Hãy nghe lời khuyên nhủ:
Ngày mai đây, ai có biết ra sao?
Sự sống con, sẽ thể hiện thế nào? (3)
Có lo lắng, không kéo thêm một khắc. (4)

Đừng kiêu ngạo, đừng tự cao tự đắc,
Đừng tự cho . . . mình có đủ khôn ngoan
Đừng tự tin, tự mình đến thiên đàng,
Hãy thuận phục, tôn Ngài lên làm Chủ.
Khi có Chúa, Ngài ban cho đầy đủ
Mọi cần nhu, Ngài tiếp trợ dư đầy
Nhờ ơn Ngài, sống cho Chúa hôm nay
Nếu Chúa muốn, làm việc nầy việc nọ. (4)
Hãy đáp ứng, đừng lặng yên ngồi đó,
Ngài đang chờ, mong đón nhận chính anh
Đến cùng Ngài, quì khiêm tốn, thưa rằng:
Chúa dấu ái, con mời Ngài làm Chủ!
​​​​Lê Huyền Thơ Anh

1Gia-cơ 4:14b
2Gia-cơ 4:13
3Gia-cơ 4:14a
4Ma-thi-ơ 6:37
4Gia-cơ 4:15

Đề tài Bài giảng 28/05/2023

Anh chị em thân mến

Chúa nhật 28/5 tới đây có 44 người lớn và thanh niên HTTL Lời Chúa sẽ đi dự Trại Gia đình Lakeview. Các con cái Chúa còn lại vẫn nhóm Thờ phượng Chúa tại nhà thờ Hội thánh Tin lành Lời Chúa. Tôi được Ban Linh vụ phân công ở lại phục vụ Lời Chúa với Hội thánh.

Như anh chị em đã biết Hội thánh Lời Chúa đang học chung chủ đề “TĂNG TRƯỞNG TRONG CHRIST”.

Để cùng tấn tới và tăng trưởng trên con đường thuộc linh, Hội thánh đang ôn lại một cách chi tiết và sâu rộng về “Tám Cột Trụ của Sự Cứu-rỗi”

Mục đích của loạt bài giảng nầy là để trang bị cho tân-tín-hữu nền tảng vững chắc của đức-tin, từ đó đứng vững trong đức-tin, và tiếp tục tấn tới. Tín hữu lâu năm có cơ hội ôn lại, bổ sung những điều chưa biết, và hệ thống hóa kiến thức về sự cứu-rỗi.

Loạt bài học nầy dựa trên Kinh thánh, là Lời Đức Chúa Trời, chứ không phải sự dạy dỗ của các giáo hội. Sự cứu-rỗi của Cơ-đốc-nhân đặt nền tảng trên ân điển của Đức Chúa Trời và trên công lao hy sinh chết thay của Đức Chúa Giê xu Christ, chứ không phải trên con người.

Không phải đi nhà thờ lâu năm sẽ được cứu-rỗi; không phải làm lành lánh dữ, dâng hiến, bố thí, làm việc từ thiện sẽ được cứu-rỗi; không phải ngồi thiền, tu dưỡng đạo đức sẽ được cứu-rỗi …

Qua loạt bài học nầy con cái Chúa sẽ biết chắc lẽ đạo cứu-rỗi do Đức Chúa Trời hoạch định từ trước buổi sáng thế; qua đó biết rõ mình đã được cứu-rỗi chưa; và phải làm gì, sống thế nào cho xứng đáng với sự hy sinh chuộc tội của Đức Chúa Giê xu Christ, và ân điển cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

“Tám Cột Trụ của Sự Cứu-rỗi”  là: Ăn năn, Đức tin, Hoán cải, Tái sanh, Được Xưng Công chính, Được Nhận Làm Con, Thánh hóa, Và Được Làm Cho Vinh hiển

Trong đó Ăn-năn, Đức-tin, Hoán cải: là công việc của Tín-nhân
Tái sanh, Được Xưng Công chính, Được Nhận Làm Con: là công việc của Đức Chúa Trời
Sáu cột trụ nầy xãy ra khi tín nhân tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình.
Thánh hóa: là công việc của Đức-Thánh-Linh và của tín nhân, là một tiến trình lâu dài, từ lúc tin nhận Chúa cho đến khi gặp mặt Ngài.
Làm Cho Vinh hiển: là công việc của Đức Chúa Trời trong ngày cuối cùng, khi Chúa Jesus trở lại, rước các Thánh đồ vào trong nước của Ngài.
Tín-nhân được cứu rỗi trọn vẹn khi được được gặp Chúa trong nước của Ngài và được làm cho vinh hiển.
Hội thánh đã học:
Nền tảng của sự Cứu-rỗi:
– Ân điển của Đức Chúa Trời
– Sự Chết Thay Chuộc Tội của Đức Chúa Giê xu Christ
Các cột trụ:
– Ăn-năn
– Đức-tin
– Hoán cải
– Tái sanh
– Sự Sống lại Vinh Hiển (Link ở đây https://youtu.be/pO0sECIuzoc)
Chúa nhật 28/5/2023,  Hội thánh sẽ học cột trụ thứ 5 của sự Cứu-rỗi là Sự Xưng Công-chính,
với đề tài:
ĐƯỢC XƯNG CÔNG-CHÍNH BỞI ĐỨC TIN
Kinh thánh: Rô-ma 3:21-26 (BTTHD)
Câu gốc: “… Chúng ta tin rằng một người được xưng công chính bởi đức tin chứ không phải bởi việc làm theo luật pháp” (Rô-ma 3:28 BTTHD)
Diễn giả: MS Lê Phước Thuận
Xin anh chị em đọc trước ở nhà Rô-ma 3, 4, 5, và Ga-la-ti 3
Và bài viết Phân Tích Mối Liên Hệ Giữa Đức Tin Và Việc Làm của Mục sư TS Lê Hoàng Trọng
Qua bài giảng nầy anh chị em có thể trả lời các câu hỏi
– Sự Công-chính là cái gì?
– Sự Xưng Công-chính có lợi ích gì cho tôi?
– Làm sao tôi được xưng công-chính?
Mời anh chị em đến nhóm Thờ phượng với các con cái Chúa Hội thánh Lời Chúa vào lúc 10:30 am tại 3134 Frick Rd Houston, TX 77038
Thân mến,
MS Lê Phước Thuận

Content retrieved from: https://htloichua.blogspot.com/2023/05/e-tai-bai-giang-28052023.html.

Phân Tích Mối Liên Hệ Giữa Đức Tin Và Việc Làm

Kinh thánh: Gia-cơ 2:14-26

Phân đoạn Kinh Thánh trong Gia-cơ chương 2:14-26 là một trong những phân đoạn gây nhiều tranh luận và nhiều hiểu lầm nhất trong thư Gia-cơ.  Có nhiều tà giáo đã dùng phân đoạn nầy một cách sai lầm, bóp méo sự thật và giải thích ý nghĩa của phân đoạn nầy là chúng ta phải góp phần vào trong công việc cứu rỗi của Chúa qua việc làm của mình, phải làm công quả thì mới vào Thiên Đàng được.  Nhưng đó không phải là điều sứ đồ Gia-cơ muốn nói đến ở đây; ông muốn cho chúng ta biết cách phải sống thế nào sau khi chúng ta trở thành tín đồ Đấng Christ.  Nếu chúng ta không hiểu sứ đồ Gia-cơ muốn nói gì, thì sẽ nghĩ rằng mình sẽ phải làm việc để được vào Thiên Đàng.  Dường như điều sứ đồ Gia-cơ nói đi ngược lại với những gì sứ đồ Phao-lô dạy trong thư Rô-ma, nhưng thật sự không phải vậy.

Sứ đồ Phao-lô, trong thư Rô-ma, chống lại với chủ nghĩa luật pháp nhấn mạnh đến việc một người tin Chúa phải giữ tất cả luật pháp của người Do thái thì mới được cứu.  Sứ đồ Phao-lô rất là cứng rắn trong lập trường của ông rằng chúng ta không cần phải giữ những luật pháp của người Do Thái thì mới trở thành tín đồ Đấng Christ, và ông viết thư cho nhóm người đang gặp khó khăn vì chủ nghĩa luật pháp nầy.  Sứ đồ Gia-cơ, mặt khác, thì không đối phó với chủ nghĩa luật pháp, nhưng với một thái cực ngược lại, ông muốn chống lại với tinh thần lè phè, biếng nhác  Đây là một tinh thần thụ động muốn sống sao thì sống, chỉ cần tin Chúa là đủ rồi, không muốn làm gì hết.

Sứ đồ Phao-lô và sứ đồ Gia-cơ tranh chiến với hai kẻ thù khác nhau.  Nhưng vấn đề xảy ra vì hai người cùng dùng một chữ: việc làm, và họ dùng cách khác nhau.  Khi sứ đồ Phao-lô dùng chữ việc làm, ông muốn nói đến luật pháp Do Thái, như phép cắt bì, hay những luật về lễ nghi được chép trong Thánh Kinh Cựu Ước.  Nhưng khi sứ đồ Gia-cơ dùng chữ việc làm, ông muốn nói đến nếp sống cơ đốc, những việc chúng ta làm sau khi chúng ta được cứu, cách cư xử của chúng ta, sự thay đổi trong hành động của chúng ta, không phải luật lệ phải tuân giữ nhưng việc làm bởi lòng yêu thương.  Chữ việc làm được dùng hai nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Khi sứ đồ Phao-lô nói về ân điển và đức tin, ông nói về gốc của sự cứu rỗi, điều gì xảy ra ở bên trong khi một người tin nhận Chúa.  Mặt khác, khi sứ đồ Gia-cơ nói về đức tin, ông không nói về gốc của sự cứu rỗi, nhưng nói về bông trái của sự cứu rỗi, những bằng chứng ở bên ngoài bày tỏ sự thay đổi xảy ra ở bên trong.  Chúng ta không thay đổi bởi vì chúng ta làm điều thiện, chúng ta được thay đổi bởi đức tin vào ân điển của Chúa.  Nhưng sau khi chúng ta thay đổi, bằng chứng của sự thay đổi được thể hiện qua cách ăn ở của mình.  Đức Chúa Jesus phán:  Ấy vậy, các ngươi nhờ những trái nó mà nhận biết được (Ma-thi-ơ 7:20).  Chúng ta có thể nhìn vào cách cư xử của một người mà biết được bên trong của người ấy ra làm sao, bởi vì những gì ở bên trong chúng ta sẽ được thể hiện ra bên ngoài qua lời nói và hành động của chúng ta.

Vì thế mà sứ đồ Phao-lô và sứ đồ Gia-cơ không có mâu thuẫn với nhau.  Sứ đồ Phao-lô bàn về làm thế nào biết mình là cơ đốc nhân; còn sứ đồ Gia-cơ thì bàn về làm thế nào bày tỏ mình là cơ đốc nhân.  Sứ đồ Phao-lô, trong phân đoạn bàn về thế nào được cứu chỉ bởi đức tin, nói về làm thế nào để trở thành một tín hữu; còn sứ đồ Gia-cơ nói về làm thế nào để cư xử như một tín hữu sau khi tin Chúa.  Cả hai người không có mâu thuẫn gì cả.

Chúng ta có thể xem tóm tắt của hai chân lý nầy:  Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo (Ê-phê-sô 2:8-10).  Trong câu 8, ông nói đến việc chúng ta được sự cứu rỗi bởi đức tin, và trong câu 10, ông nói đến việc chúng ta được cứu cho một cuộc đời làm việc lành.  Có 3 giới từ trong phân đoạn nầy, nhờ ân điển, bởi đức tin, để làm việc lành.  Nếu chúng ta sắp lộn những giới từ nầy, chúng ta sẽ gặp rắc rối.  Ví dụ như, nếu chúng ta được cứu bởi làm việc lành, để được đức tin, thì chắc chúng ta sẽ gặp trở ngại.  Nhưng sứ đồ Phao-lô nói chúng ta nhờ ân điển, bởi đức tin mà được cứu để làm việc lành.

Trong phân đoạn nầy, sứ đồ Gia-cơ cho chúng ta năm bằng chứng để biết chắc chúng ta có đức tin thật:  (1) Đức tin thật không chỉ là những điều chúng ta nói (câu 14).  (2) Đức tin thật không chỉ là những điều chúng ta cảm xúc (câu 15).  (3) Đức tin thật không chỉ là những điều chúng ta suy nghĩ. (câu 18a). (4) Đức tin thật cũng không chỉ là những điều chúng ta tin tưởng. (câu 19).  (4) Đức tin thật là những điều chúng ta thực hành (câu 20).

Vì vậy, sứ đồ Gia-cơ không nói rằng chúng ta phải gắng sức làm công quả để được vào Thiên Đàng.  Ông cũng không có nói rằng việc làm dẫn đến sự cứu rỗi, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc làm là kết quả của sự cứu rỗi.  Cách chắc chắn nhất là sự tin chắc trong tâm hồn và sự đảm bảo từ những người khi họ nhận thấy được những kết quả của đức tin trong cuộc đời của chúng ta.

Bài viết của MS Lê Hoàng Trọng, D.Min.

Content retrieved from: https://htloichua.blogspot.com/2023/05/phan-tich-moi-lien-he-giua-uc-tin-va.html.

Khả Năng Của Bạn Là Bản Đồ Của Chúa Cho Đời Sống Bạn

“Nguyền xin Ngài bởi quyền năng của Đức Chúa Jesus Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và đẹp lòng Ngài.” (Hê-bơ-rơ 13:21)

Ngày xưa, có một số thú vật muốn bắt đầu mở trường học cho thú vật.  Chúng quyết định các môn học sẽ bao gồm chạy, leo, bơi, và bay.  Rồi chúng đã quyết định là tất cả các thú vật nên học tất cả các môn này.

Thế là có nhiều nan đề xảy ra.  Vịt giỏi hơn thầy của mình về bơi, nhưng chỉ thi đậu môn bay với điểm trung bình, còn môn chạy thì quá dở.  Vì vậy, trường cho vịt khỏi học môn bơi để ở laị tập dượt môn chạy sau khi tan học.  Điều này khiến cho chân vịt bị trầy xước tả tơi, nên điểm môn bơi đã tuột xuống trung bình.  Tuy nhiên con thú nào cũng cảm thấy bớt lo và khoái chí hơn, ngoại trừ vịt.

Thỏ hồi đầu khóa học đã dẫn đầu lớp về môn chạy, nhưng vì có quá nhiều bài phải làm lại cho môn bơi lội, nên bị sưng phổi, phải nghỉ học.  Sóc xuất sắc về môn leo trèo, nhưng thật kém trong lớp học bay vì thầy dạy muốn sóc bắt đầu từ dưới đất bay lên, chứ không phải bay từ trên xuống.  Sóc ta bị co rút bắp thịt vì căng dãn nhiều quá, nên chỉ được điểm “C” về môn leo trèo và điểm “D” môn chạy.  Chim ưng là đứa học trò phá rối nhất từng bị phạt vì không chịu theo kỷ luật.  Thí dụ, trong lớp học leo trèo, chim ưng luôn đạt tới đỉnh ngọn cây trước nhất, bằng cách bay chứ nhất định không chịu trèo.  Cuối cùng, vì chim ưng không chịu tham dự lớp học bơi, nên nó đã bị đuổi học.

Câu chuyện vui này nhắc chúng ta rằng Chúa đã thiết lập cho mỗi loài một khả năng cụ thể trong một lãnh vực cụ thể, và Ngài không mong mỏi mọi loài phải làm tất cả những việc khác.  Khi bạn mong mỏi mọi người đều phải rập y một khuôn, thì tất cả những gì bạn nhận được sẽ là sự thất vọng, chán nản, tầm thường, và thất bại.  Vịt được tạo ra để làm vịt chứ không phải làm một con nào khác.

Và bạn được tạo ra để là chính bạn.  Chúa đã ban cho bạn những khả năng độc đáo, và Ngài muốn bạn sử dụng nó theo cách Ngài đã định.

Khả năng của bạn là bản đồ bày tỏ ý muốn của Chúa dành cho đời sống của bạn.  Nó chỉ hướng. Khi bạn biết bạn giỏi về điều gì, thì bạn có thể biết Chúa muốn bạn làm gì với cuộc sống của bạn.

Kinh Thánh chép trong Hê-bơ-rơ 13:21, “Nguyền xin Ngài bởi quyền năng của Đức Chúa Jesus Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và đẹp lòng Ngài.”

Thảo luận

Bạn có những ân tứ thuộc linh nào?

Dựa vào năng khiếu của bạn — các ân tứ thuộc linh, tấm lòng, những khả năng, nhân cách, và kinh nghiệm – bạn nghĩ Chúa muốn bạn dùng đời sống của bạn như thế nào?

Cố gắng để vượt trội trong một lãnh vực mà bạn không có khiếu sẽ cản trở trong sự phục vụ hữu hiệu nhất của bạn như thế nào?

Rick Warren

Tìm Kiếm Của Cải Trên Trời

Cuộc sống sẽ cho chúng ta rất nhiều thử thách. Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp những hoàn cảnh thử thách đức tin của chúng ta nơi Chúa. Hoàn cảnh đó sẽ tra xét tính cách và động cơ của chúng ta. Nhưng tôi hy vọng rằng bạn sẽ chọn Chúa thay vì của cải tạm thời của thế gian này vì Ngài xứng đáng để là sự lựa chọn trước nhất của bạn.

Chúa có thể làm những điều lớn lao trong cuộc đời bạn. Một mình Ngài có thể đáp ứng mọi nhu cầu của bạn. Tình yêu của Ngài sẽ khiến bạn trở nên trọn vẹn, và một khi bạn đã nhận được tình yêu đó, bạn sẽ không bao giờ khao khát tình yêu từ bất kỳ một người nào khác. Bạn có thể bị choáng ngợp với những thứ hào nhoáng tạm bợ của thế gian này, nhưng chỉ có Chúa mới có thể lấp đầy khoảng trống trong tấm lòng bạn và phục hồi bạn hoàn toàn. Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi cuộc đời bạn và thanh tẩy bạn. Không có gì trên thế gian này quan trọng hơn Chúa. Trong Ngài, có sự sống đời đời.

Vậy nên, hãy nghĩ xa hơn các kế hoạch nhất thời của bạn ngay bây giờ. Đừng lãng phí thời gian của bạn vào những điều mà sẽ không làm vinh hiển Cha Thiên Thượng của chúng ta. Hãy ngừng tích trữ của cải, cái không tồn tại được lâu. Hãy bắt đầu xây dựng sự giàu có mà sẽ tồn tại mãi mãi. Hãy bao gồm Chúa trong mọi việc bạn làm, và bạn sẽ kinh nghiệm được một cuộc đời đáng sống là thể nào. Vâng, vẫn sẽ có những nan đề nếu nhìn từ phía bên ngoài, nhưng một cuộc đời sống cho Chúa thì thật viên mãn bên trong.

Chúa Giê-xu phán trong Ma-thi-ơ 6:19-21, “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó.

Tất cả chúng ta đều đang tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc. Và đôi khi, chúng ta nghĩ rằng mình chỉ có thể kinh nghiệm được những điều đó khi có tất cả sự giàu có của thế gian này. Chúng ta cần nhớ rằng hạnh phúc là một sự lựa chọn. Hạnh phúc đến từ bên trong bạn, và bạn không bao giờ có thể tìm thấy sự thỏa lòng đó ở bên ngoài. Bạn cần tìm kiếm sâu bên trong. Bạn cần phải quyết định. Và Chúa sẽ dạy bạn cách làm điều đó, chỉ cần bạn có tấm lòng khiêm nhường để chịu lắng nghe và vâng lời, Chúa sẽ chỉ cho bạn cách để sống hạnh phúc.

Của cải của thế gian này không thể giải đáp những câu hỏi sâu sắc nhất trong tấm lòng bạn. Tiền tài vật chất không bao giờ có thể chữa lành nỗi đau bên trong. Những thứ đó chỉ giống như một loại thuốc giảm đau tạm thời. Nhưng khi tất cả sự giàu có của bạn không còn nữa, nỗi đau sẽ đè bẹp bạn hết lần này đến lần khác. Chỉ có tình yêu của Chúa mới có thể hàn gắn tấm lòng tan vỡ của bạn. Ngài sẽ không thay đổi những gì đã xảy ra, nhưng Ngài sẽ cho phép bạn nhìn mọi việc từ một khía cạnh khác.

Tôi hy vọng bạn sẽ luôn đặt Chúa lên trên sự giàu có của thế gian này. Tôi cầu nguyện rằng bạn sẽ trân trọng Ngài hơn mọi thứ khác. Ngài là của cải quan trọng nhất của bạn. Tình yêu của Ngài là món quà đẹp nhất mà thế gian này có thể có được. Đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm đời sống trên đất với Ngài. Tôi dám cá với bạn đây sẽ là trải nghiệm viên mãn nhất mà bạn từng có từ trước đến nay.

Thi-thiên 73:25-26, “Ở trên trời con có ai trừ ra Chúa? Còn dưới đất con chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa. Thể xác và tâm hồn con bị tiêu hao, nhưng Đức Chúa Trời là sức mạnh của lòng con; và là phần của con đến đời đời.

Dịch và biên tập: Eunice Tu (hoithanh.com)

Nguồn: youarepursued.com

Hội Thánh: Nơi Chúng Ta Học Yêu Thương

“Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.” (Ma-thi-ơ 16:18b)

Chỉ có Hội Thánh tồn tại đời đời.

Không điều gì khác tồn tại. Không có việc kinh doanh nào sẽ tồn tại mãi mãi. Không chính phủ nào sẽ tồn tại mãi. Không có quốc gia nào sẽ tồn tại mãi. Chỉ có Hội Thánh sẽ tồn tại đời đời.

Chúa Jêsus đã nói trong Ma-thi-ơ 16:18, “Ta sẽ lập Hội thánh ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.”  Hội Thánh là ý tưởng tuyệt vời nhất mà Chúa hoặc bất cứ người nào từng nghĩ đến.

Toàn cõi vũ trụ đã được tạo dựng ra cho gia đình của Chúa. Gia đình của Chúa được gọi là gì? Hội Thánh.

Hội Thánh không phải là một tòa nhà. Hội Thánh là gia đình của Chúa. Chúa muốn một gia đình, vì vậy Ngài quyết định tạo ra toàn cõi vũ trụ chỉ để Ngài tạo ra Trái Đất, chỉ để Ngài tạo ra loài người, chỉ để chúng ta có tự do lựa chọn để chọn Ngài hoặc chối bỏ Ngài. Ngài biết rằng sẽ có một số người trong chúng ta chọn yêu mến Ngài, và Ngài sẽ đưa chúng ta lên Thiên Đàng để mãi mãi trở thành một phần của gia đình Ngài.

Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn nếu bạn đã ở trong gia đình của Chúa? Nghĩa là vì chúng ta sẽ sống cùng nhau mãi mãi, nên tốt hơn hết là chúng ta học sống hòa thuận. Trong khi bạn còn sống trên đất này, bạn phải yêu mến gia đình của Chúa.
Yêu mến Chúa thôi thì không đủ. Bạn phải yêu mến Hội Thánh. Bạn muốn biết Chúa yêu mến Hội Thánh đến mực nào không?  Ngài chết vì Hội Thánh. Bất cứ ai nói: “Tôi yêu Chúa Jesus, nhưng tôi không cần Hội Thánh” thì người đó không hiểu. Người đó là một tín hữu chưa trưởng thành. Rất nhiều người lợi dụng Hội Thánh nhưng không yêu mến Hội Thánh.

Bạn có yêu mến Hội Thánh không? Hay bạn chỉ lợi dụng Hội Thánh? Đấng Christ đã chết vì Hội Thánh. Bạn phải học yêu thương mỗi tín hữu trong thân thể Đấng Christ.

Mục Sư Rick Warren

Vai Trò Người Mẹ Trong Kế Hoạch Của Đức Chúa Trời

Mỗi năm khi đến Ngày của Mẹ, chúng ta lại có dịp tôn vinh những người mẹ của mình. Đối với một số người đây có thể là một ngày đau buồn vì mẹ của họ không còn trên đời nữa. Một số người có lẽ đã không có mối quan hệ tốt đẹp với mẹ của họ. Một số người gặp khó khăn khi làm mẹ. Lại cũng có những người mẹ mà con cái đã gây ra những vết thương lớn trong cuộc đời mình.

Công việc của người mẹ không phải là lên kế hoạch cho cuộc đời của con mình. Đó là công việc của Đức Chúa Trời. Công việc của người mẹ là hiểu vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời.

Trong phân đoạn Kinh Thánh và chúng ta sẽ phân tích ngày hôm nay, chúng ta thấy một người mẹ tên là Giô-kê-bết, người đã hiểu được vai trò của mình trong kế hoạch của Đức Chúa Trời, bà không chỉ cứu sống con trai mình mà còn đặt nền tảng cho cuộc di dân xuất Ai Cập; góp phần thay đổi tiến trình lịch sử của dân sự Đức Chúa Trời mãi mãi.

Hỡi những người mẹ, Chúa có một kế hoạch cho con cái bạn và điều quan trọng là bạn phải hiểu vai trò của mình trong kế hoạch đó.

Hãy bảo vệ con cái mình một cách tốt nhất có thể

Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1 chép, “Bấy giờ có một người thuộc dòng họ Lê-vi cưới một cô gái Lê-vi làm vợ.” Tên của người cha và người mẹ không được đề cập đến ở đây; nhưng Môi-se, tác giả của sách này sau đó đã đề cập đến tên của họ trong chương 6 (câu 20). Ở đó, chúng ta thấy cha của Môi-se tên là Am-ram và mẹ ông tên là Giô-kê-bết.

Am-ram và Giô-kê-bết gặp nhau, yêu nhau, kết hôn và họ có con với nhau. Nhưng đứa con nhỏ ra đời có lẽ không đúng thời điểm theo quan điểm của con người nếu không muốn nói là thời điểm tồi tệ nhất. Tất nhiên, từ quan điểm của Chúa, đó là thời điểm hoàn hảo.

Dân Y-sơ-ra-ên đã sống ở Ai Cập mấy trăm năm. Họ sinh sôi nẩy nở và trở nên cường thịnh đến nỗi vị vua Ai Cập mới lên ngôi đã lo lắng rằng họ sẽ lật đổ người Ai Cập. Vua bắt đầu thực hiện các bước để đảm bảo điều này không xảy ra (1:7-9).

Đầu tiên, vua lập các đốc công để hành hạ dân Y-sơ-ra-ên bằng những công việc khổ sai (1:11). Về cơ bản, họ bị ép làm nô lệ và phải xây dựng các thành phố cho người Ai Cập. Khi điều đó không hiệu quả, vua đã ra lệnh cho các bà đỡ rằng, “Khi các ngươi đi rước thai cho người đàn bà Hê-bơ-rơ, hễ thấy sanh con trai, thì hãy làm cho chết đi; còn con gái, thì hãy để cho sống” (1:16). Nhưng Kinh Thánh nói rằng các bà đỡ “kính sợ Đức Chúa Trời” nên họ đã không làm theo lệnh vua (1:17). Thất vọng và sợ hãi dân Y-sơ-ra-ên, vua đã đưa ra “giải pháp cuối cùng”. Vua truyền lệnh ném tất cả con trai sơ sinh của người Hê-bơ-rơ xuống sông (1:22).

Trong bối cảnh như thế Môi-se ra đời. Kinh Thánh nói Giô-kê-bết thấy con mình xinh đẹp nên đem đi giấu (2:2). Có thể bé trai mới sinh này quá kháu khỉnh và dễ thương. Các bà mẹ đều nghĩ rằng con của họ là em bé đẹp nhất trên đời. Nhưng điều này có thể có nhiều ý nghĩa hơn thế.

Công-vụ 7:20 nói, “Vào thời điểm đó, Môi-se ra đời, khôi ngô tuấn tú trước mặt Chúa và được nuôi tại nhà mình trong ba tháng.” Khi Môi-se được sinh ra, bằng cách nào đó, Đức Chúa Trời đã gây ấn tượng với người mẹ; có lẽ giống như cách Ngài đã làm với Ma-ri và Giô-sép về Chúa Giê-xu; để họ nhận thấy có điều gì đó rất đặc biệt về con trẻ này. Rằng Chúa đã có một kế hoạch lớn lao cho cuộc đời của con trẻ ấy.

Người mẹ nhận ra công việc của mình là bảo vệ con trai nhỏ khỏi xã hội đồi bại nơi bé được sinh ra. Kinh Thánh nói bà “đem đi giấu trong ba tháng.” Chống lệnh vua, bà đã mạo hiểm mạng sống của mình để bảo vệ đứa con nhỏ.

Khi tôi 5, 6 tuổi, một ngày nọ, mẹ tôi đang trông trẻ cho một người bạn. Em trai tôi có lẽ mới 1 hay 2 tuổi nên bạn có thể tưởng tượng rằng hôm đó mẹ tôi rất bận rộn. Chúng tôi sống trong một ngôi nhà rất gần đường ray xe lửa. Mẹ để ý thấy tôi không có trong nhà. Và bà nhận ra đoàn tàu đã dừng lại trước nhà. Tôi đã leo lên chiếc thang ở thành xe và cậu bé mà mẹ tôi đang trông giúp đang đứng đó nhìn tôi với vẻ kinh ngạc. Cậu ấy có lẽ khoảng 3 tuổi và tôi chắc rằng tôi đang cố gây ấn tượng với cậu ấy bằng việc trèo lên nóc toa tàu. Như bạn có thể tưởng tượng, mẹ tôi đã rất hoảng loạn. Nếu đoàn tàu di chuyển thì đó có thể là một bi kịch. Mẹ chạy ào ra rồi hét lên bảo tôi hãy xuống ngay khỏi đó. Tôi trèo xuống và đã nhận được những gì xứng đáng. Mẹ quất cho tôi mấy roi…rồi ôm chằm lấy tôi mà khóc.

Chúa đã ban cho các bà mẹ một bản năng mạnh mẽ để chăm sóc và bảo vệ con cái của họ. Nhưng sự che chở của các bà mẹ tin kính bao hàm nhiều điều hơn là chỉ che chở về mặt thể xác. Một người mẹ bảo vệ con cái của mình bằng cách dạy chúng các luật lệ của Đức Chúa Trời và sau đó đảm bảo rằng con cái của mình tuân theo các luật lệ đó.

Hỡi các bà mẹ, bạn cần hiểu rằng con bạn sẽ giỡn chơi với bạn nếu bạn cho phép chúng làm điều đó. Vì chúng biết mẹ chúng dễ mềm lòng hơn cha; mẹ luôn quan tâm, che chở và hay bênh vực nên chúng sẽ lợi dụng điều đó để làm điều sai quấy.

Con cái ăn chơi trác táng rồi bị vướng vào vòng lao lý hết lần này đến lần khác nhưng lần nào mẹ cũng là người bảo lãnh cho chúng. Con cái cờ bạc dẫn đến nợ nần chồng chất và mẹ là người luôn đứng ra để trả nợ cho chúng. Điều này không giúp được gì cho các con mà người mẹ đang hại chính con mình. Các bà mẹ thường phạm sai lầm này từ khi các con của họ chỉ là những đứa trẻ, đơn giản vì họ đã yêu con sai cách.

Công việc của các bà mẹ là nuôi dạy con cái nên người bằng cách bảo vệ các con để chúng không trở thành nạn nhân của thế giới tội lỗi này; và đôi khi điều đó có nghĩa là chống lại mong muốn sai trật của chúng mặc dù điều đó có thể khiến các con khó chịu và phải chịu nỗi khổ của sự kỷ luật nghiêm khắc.

Làm tất cả những gì bạn có thể với những gì bạn có

Chúng ta thấy rằng Giô-kê-bết đã giấu con trai mình trong ba tháng nhưng chắc chắn rằng việc giấu đứa trẻ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đứa trẻ có xu hướng khóc nhiều hơn. Những người Ai Cập sống xung quanh có thể nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ và trình báo.

Kinh Thánh nói rằng người mẹ lấy một cái thúng đan bằng mây, trét chai và nhựa thông, tất nhiên làm vậy để chống thấm nước (2:3). Bây giờ câu hỏi này ngay lập tức dấy lên: Có người mẹ nào lại để con trai mới sinh ba tháng của mình vào một cái thúng trét chai rồi thả trôi sông. Tại sao bà không kiếm một chiếc thuyền nhỏ xinh xắn hay rương hòm gì đó an toàn hơn? Rõ ràng, “Đó là tất cả những gì bà có.” Người mẹ ấy đã làm tất cả những gì có thể; bà đã giữ cho con an toàn trong ba tháng với những gì mà một người nữ nô lệ tội nghiệp có thể làm được.

Nếu bạn đã làm mẹ, bạn sẽ hiểu được cảm giác của Giô-kê-bết. Khi bà đan chiếc thúng và trét chai chung quanh nó, nỗi sợ hãi bao trùm lấy bà khi bà tự hỏi, “Thế này đã đủ chưa? Ôi, giá như mẹ có thể làm điều gì đó tốt hơn cho con!” Bà thấy không bao nhiêu cho đủ nhưng chiếc thúng đã nổi được trên mặt nước. Đủ để con trai bà sống sót và viết về điều này sau đó.

Chúng ta thường nghĩ rằng Chúa sử dụng những con người phi thường với khả năng phi thường để làm những điều phi thường nhưng sự thật là Chúa sử dụng những con người bình thường như người nữ nô lệ này, và những thứ bình thường như lau sậy và nhựa thông để làm một điều phi thường như giải cứu và nuôi nấng một bé trai mà sau này sẽ trở thành người giải cứu cả dân tộc.

Đây không phải là lần duy nhất. Đức Chúa Trời đã sử dụng Môi-se và cây gậy của ông để giải phóng dân sự. Đức Chúa Trời đã dùng Đa-vít và cái ná của người để kết liễu gã khổng lồ. Đức Chúa Trời đã dùng ba trăm chiếc bình bằng đất sét của Ghê-đê-ôn để đánh bại hàng ngàn quân địch. Đức Chúa Trời đã dùng một cậu bé bình thường và bữa trưa gồm hai con cá và năm chiếc bánh để nuôi hơn năm nghìn người.

Mọi bà mẹ đều trải qua những nỗi sợ hãi nhất định. Kể từ giây phút đứa con chào đời, khi niềm vui bắt đầu phai nhạt đi đôi chút, nó được thay thế bằng cảm giác trách nhiệm quá lớn. Bạn có thể phải vật lộn với những câu hỏi: Mình có đủ khả năng để nuôi dạy con cái không? Liệu mình có khả năng dẫn dắt các con tin tưởng và đi theo Chúa Giê-xu không? Mình có thể nuôi dạy chúng trở thành những người nam người nữ khôn ngoan, có ích cho xã hội không?

Cầu xin ân điển và bình an tràn đầy trên [chị em] nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta!  Quyền năng của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta mọi điều liên quan đến sự sống và sự tin kính, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài.” (2 Phi-e-rơ 1:2-3)

Đức Chúa Trời đã ban cho bạn mọi thứ bạn cần để nuôi dạy con mình.

Nỗi sợ hãi không chỉ thể hiện ở sự e ngại mà còn ở sự hối hận. Những người mẹ thường tự trách mình vì đã không làm được điều tốt hơn cho con cái. Nhưng bạn không cần phải sống như vậy nếu bạn đã làm mọi thứ có thể với những gì bạn có.

Hết lòng tin cậy Chúa

Giô-kê-bết biết rằng chỉ có Chúa mới có thể cứu con trai bà. Vì vậy, bà tin cậy Chúa sẽ chăm sóc và bảo vệ đứa trẻ. Và Ngài đã không khiến bà thất vọng.

Câu 5 – Con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm thấy cái thúng bằng cói giữa đám sậy. Câu 6 – Con gái của người đã ra lệnh giết tất cả trẻ sơ sinh đã “cảm thương cho đứa bé”. Câu 8 – Công Chúa đồng ý tìm một người vú trong số những người nữ Do Thái để nuôi đứa trẻ. Tại sao không phải là một vú em người Ai Cập? Câu 9 – Giô-kê-bết đã ẵm đứa trẻ về nuôi dưỡng và còn được trả công.

Có phải tất cả điều này chỉ là ngẫu nhiên? Không, đó là sự quan phòng thiên thượng. Đức Chúa Trời là đạo diễn đứng đằng sau tất cả những hoàn cảnh này vì Ngài đã có kế hoạch cho con trẻ.

Người mẹ đã chứng tỏ mình tin cậy Chúa bằng cách buông tay. Bà thực sự đã thả con trai nhỏ xuống dòng sông đầy cá sấu. Điều này hoàn toàn đi ngược lại bản chất con người. Dòng sông là nơi chết chóc. Đó là mồ chôn tập thể của tất cả những đứa trẻ khác. Bà có thể làm gì đó khác đi thay vì thả xuống sông. Nhưng bà đã làm vậy. Tại sao? Phải chăng bà đã làm điều đó theo chỉ dẫn của chính Đức Chúa Trời?

Hê-bơ-rơ 11:23 nói, “Bởi đức tin, khi Môi-se mới sinh ra, cha mẹ ông đem đi giấu trong ba tháng, vì thấy đứa con khôi ngô, nên không sợ chiếu chỉ của vua.” Mặc dù để con trai ra đi là trái với bản năng tự nhiên của người mẹ, nhưng người mẹ này đã làm điều đó. Số phận của con trai bà không phụ thuộc vào bà mà phụ thuộc vào Chúa. Con trẻ sẽ an toàn hơn trong vòng tay của Đức Chúa Trời. Bà tin cậy Chúa sẽ làm cho con trai mình điều mà bà không thể làm được.

Sau đó, bà được nuôi nấng con mình trong vài năm trước khi giao con cho công chúa người Ai Cập, bạn nên tin rằng bà  đã làm tất cả những gì có thể để con trẻ được thấm nhuần chân lý của Đức Chúa Trời trong những năm tháng đầu đời đó và rồi bà phải xa con một lần nữa.

Thomas Edison đã nói: “Tôi không có nhiều thời gian sống với mẹ, nhưng ảnh hưởng mà bà mang lại đã có tác động lâu dài trong cuộc đời tôi. Mẹ đã dạy cho tôi những bài học đầu đời mà tôi không thể nào quên được. Nếu không nhờ sự đánh giá cao và niềm tin của mẹ dành cho tôi vào thời điểm quan trọng trong trải nghiệm của tôi, thì có lẽ tôi đã không bao giờ trở thành một nhà phát minh. Tôi luôn là một cậu bé bất cẩn, và với một người mẹ có tâm lý khác người, lẽ ra tôi phải trở nên tồi tệ. Nhưng sự kiên định, ngọt ngào, tốt bụng của mẹ là sức mạnh tiềm tàng giúp tôi đi đúng hướng. Tôi trở thành người như hiện tại đều là nhờ mẹ tôi. Ký ức về bà sẽ luôn là một phước lành đối với tôi.

Kinh Thánh không nói gì về cuộc đoàn tụ của Môi-se và mẹ ông sau đó, có lẽ bà đã mất khi ông trưởng thành. Nhưng Môi-se đã ghi lại câu chuyện này. Tôi nghĩ rằng ông không bao giờ quên người mẹ của mình.

Dịch & biên tập: Eunice Tu

Nguồn: preaching.com

CHỮ HIẾU CỦA NGƯỜI TIN LÀNH

Ở nhiều nơi trên thế giới, người ta chọn Chúa nhật tuần thứ 2 của tháng 5 là Ngày Mẫu Thân, và Chúa nhật tuần thứ 3 của tháng 6 là ngày Phụ thân. Hội thánh Chúa tại Việt Nam chọn Chúa nhật tuần thứ 2 của tháng 5 là ngày Hiếu Kính Cha Mẹ. Hiếu kính cha mẹ là bổn phận hàng đầu của mỗi người. Và đó cũng chính là điều răn mà Chúa dành cho con dân Ngài.

Hôm nay, Chúa nhật 14/05/2023, chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày thân mời quý thính giả cùng suy gẫm Lời Chúa qua chủ đề CHỮ HIẾU CỦA NGƯỜI TIN LÀNH.

“Hãy hiếu kính cha mẹ của con, để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con.” (Xuất Ai Cập Ký 20:12)

Lời Chúa trong Xuất Ai Cập Ký 20:12 truyền lệnh cách rõ ràng, “Hãy hiếu kính cha mẹ của con, để con được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ban cho con.” Đây là lời của Đức Chúa Trời dạy về cách sống của con người trên thế gian đối với những người đã sinh thành dưỡng dục mình, là điều răn thứ 5 trong Mười Điều Răn.

Mười Điều Răn là luật pháp cao nhất Đức Chúa Trời ban hành trong thời kỳ Cựu ước cho dân Y-sơ-ra-ên, được chép trong sách Xuất Ai Cập ký chương 20. Bảng luật pháp này đã được chuẩn bị một cách vô cùng thánh khiết và thiêng liêng trong suốt cả chương 19 trước đó, được viết ra trong một khung cảnh hết sức đáng sợ với tiếng sấm vang, tiếng kèn thổi, chớp nhoáng, núi ra khói.

Mười Điều Răn do chính bàn tay và chữ của Đức Chúa Trời viết ra: “Hai Bảng đó do Đức Chúa Trời làm ra, chữ là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên các bảng đá” (Xuất Ai Cập Ký 32:16).

Tất cả Mười Điều Răn đều là mạng lệnh, mà mạng lệnh là điều phải làm, không phải là sự chọn lựa làm hay không. Đây không chỉ là mạng lệnh của Chúa dành riêng cho tuyển dân Y-sơ-ra-ên mà cho tất cả mọi người. Hiếu kính cha mẹ được liệt kê là một trong mười điều răn. Bởi vậy chúng ta mới thấy, chữ “hiếu” rất quan trọng với người Cơ đốc.

Chúng ta thường nghe cụm từ “công ơn cha mẹ”, vậy “công ơn” ấy chính xác là gì? Ca dao Việt Nam có câu: “Công Cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.” “Đạo con” hay lối sống của người làm con là phải hiếu thảo với cha mẹ, không phải chỉ là để “trả ơn” mà quan trọng hơn là bày tỏ tình yêu với cha mẹ bởi ơn thì làm sao mà trả hết. Người ta có thể trả nợ tiền bạc, nhưng không thể trả nợ tình yêu. Tình yêu là sợi dây vô hình mà thiêng liêng kết nối gia đình, giữa cha mẹ con cái với nhau, chứ không chỉ đơn thuần là công lao. Chúng ta hiếu thảo với cha mẹ vì tình yêu của cha mẹ dành cho mình, vì sợi dây thiêng liêng nối liền giữa tình cha mẹ và lòng con cái, điều đó là vô giá.

Khi con cái đối đãi với cha mẹ bằng tình yêu thì họ có thể làm với tất cả tấm lòng yêu mến của mình mà không thấy nặng nề áp lực như là một bổn phận, trách nhiệm. Điều đó chính là ý nghĩa lớn lao nhất mà Đức Chúa Trời muốn khi đặt nó vào điều răn thứ năm trong Mười Điều Răn.

Nếu tình yêu của cha mẹ dành cho con cái không sao kể xiết, thì Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng tình yêu mà Đức Chúa Trời đối đãi với chúng ta còn lớn lao hơn thế. Lời Chúa phán trong Ê-sai 49:15 rằng, “Dù người mẹ quên con mình, Ta vẫn không bao giờ quên con.”

Nếu bạn thắc mắc Chúa yêu chúng ta như thế nào mà tình yêu ấy lại lớn hơn cả tình yêu của cha mẹ, thì 1 Giăng 4:9 cho chúng ta biết, “Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã được bày tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một của Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống” (1 Giăng 4:9).

Nói cách khác, bản chất của ‘đạo hiếu’ chính là tình yêu. Chúng ta yêu cha mẹ vì cha mẹ đã yêu chúng ta trước. Chúng ta yêu Chúa vì Ngài yêu chúng ta trước (1 Giăng 4:19).

Một số người chưa hiểu rõ niềm tin của người Tin Lành nên đã cho rằng “theo Chúa là bất hiếu vì không thờ cúng ông bà, cha mẹ”. Tuy nhiên, không phải vậy. Người tin Chúa có thể hãnh diện chứng tỏ cho những người xung quanh biết rằng chúng ta hiếu thảo cha mẹ bằng một cách khác, một cách đúng đắn hơn, phải lẽ hơn, chính là tình yêu. Yêu cha mẹ không phải thể hiện qua một đám tang linh đình, một đám giỗ hoành tráng, những nghi thức rình rang, tốn kém, nhưng thực chất thì lại muốn người đã khuất cho mình được bình an, may mắn, phù hộ độ trì. Nếu với mục đích như vậy thì những nghi thức, buổi lễ kia cũng chỉ đang hướng về chính mình. Hiếu thảo với cha mẹ phải được thể hiện qua lối sống yêu thương dành cho cha mẹ.

Vậy nên, chúng ta là những người làm con, hãy yêu thương cha mẹ mình cách hết lòng. Hãy cầu nguyện, săn sóc, chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ mình. Với những ai có cha mẹ chưa biết Chúa, hãy cầu nguyện và chia sẻ tình yêu của Chúa dành cho cha mẹ để cha mẹ có thể được hưởng sự sống đời đời. Đó chính là sự hiếu thảo lớn nhất mà chúng ta có thể làm cho cha mẹ mình khi họ chưa biết về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Đồng thời, mỗi người con Chúa cũng đừng quên tình yêu mà Cha Thiên thượng dành cho mình. Hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết cả trí khôn của chúng ta. Nguyện rằng mỗi cuộc đời chúng ta luôn tuôn chảy tình yêu dành cho Chúa, cho cha mẹ, và cho tất cả mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa yêu dấu, cảm ơn Ngài đã ban cho con gia đình. Xin Chúa ban cho cha mẹ con sức khỏe dồi dào, được vui hưởng những năm tháng trên đất. Xin Ngài cũng cho con có thể sống bày tỏ tình yêu thương thật đối với cha mẹ mỗi ngày. Con cầu nguyện trong danh Chúa Jesus Christ, Amen.

Quý thính giả thân mến, đạo hiếu của người Tin Lành chính là đạo yêu thương. Vậy nên, hãy sống yêu thương cha mẹ và thể hiện tình yêu thương của bạn qua lời nói, cử chỉ, việc làm. Hãy để cho các bậc làm cha mẹ kinh nghiệm được tình yêu mà bạn bày tỏ. Nhất là với những người cha mẹ còn chưa biết Chúa, xin Chúa thêm sức cho bạn được mạnh mẽ để có thể làm chứng về ơn cứu rỗi cho cha mẹ của mình. Nếu bạn cần tư vấn hoặc cầu thay đặc biệt cho gia đình của mình, đừng ngần ngại liên lạc với chương trình Tĩnh Nguyện Hằng Ngày nhé.
Nguồn: OneWay.vn

Xây Dựng Một Thói Quen Cầu Nguyện

Sức mạnh của thói quen cầu nguyện

Suy nghĩ chung của người ta là phải mất 21 ngày để hình thành một thói quen. Tôi không thể nói cho bạn biết tôi đã nghe điều này biết bao nhiêu lần qua các nhóm thanh thiếu niên ở trường trung học cho đến những khóa dạy về nuôi dạy con cái. Nếu bạn có thể gắn bó với một thứ gì đó trong 21 ngày, bạn sẽ hình thành một thói quen.

Mặc dù đúng là sự lặp lại tạo ra quán tính, nhưng thói quen không thể được hình thành nếu chúng ta không thực sự muốn chúng. Gần đây tôi đã đọc một bài điểm sách cuốn Quyền Năng Của Thói Quen của Charles Duhigg, bài viết nầy đã đơn giản hóa quy trình xuống còn ba bước.

Trong bài đăng này, chúng ta sẽ xem xét ba bước này và cách sử dụng chúng để tạo nên thói quen cầu nguyện. Nếu chúng ta có thể biến việc cầu nguyện thành thói quen, thì nhiều mặt thực hành Cơ đốc của chúng ta sẽ trôi chảy dễ dàng hơn.

Ba bước để tạo thói quen

“Để xây dựng thói quen, bạn cần tạo nên Sự Gợi Ý Nhắc Nhở, sự Thường Xuyên và Phần Thưởng.”

– Charles Duhigg

Gợi ý nhắc nhở là thứ để nhắc nhở bạn làm điều gì đó. Ví dụ: nếu bạn muốn bắt đầu tập thể dục, bạn có thể đặt giày chạy bộ cạnh giường để nó nhắc bạn chạy bộ khi thức dậy. Hoặc, bạn có thể sắp xếp một cuộc hẹn với một người bạn để gặp nhau tại phòng tập thể dục. Dấu hiệu nhắc nhở là thứ để nhắc nhở cá nhân bạn thực hiện thói quen mà bạn muốn tạo.

Sự Thường xuyên tự nó là một thói quen. Đây có thể là bất kỳ thói quen nào bạn muốn tạo nên. Nói chính xác hơn, sự thường xuyên là những gì bạn làm để hoàn thành thói quen mà bạn muốn tạo.

Phần thưởng là những gì bạn muốn lấy ra từ thói quen. Lấy ví dụ về tập thể dục, có thể phần thưởng là một cái quần mới hoặc được chạy trong một cuộc thi nào đó. Phần thưởng là động lực để tạo thói quen.

Tạo một khuôn mẫu thói quen

Cuốn sách kể câu chuyện về việc vào đầu những năm 1900, Pepsodent đã cố gắng thuyết phục mọi người đánh răng như thế nào (tất cả hoạt động tiếp thị đều cố gắng khiến bạn làm điều gì đó mà họ muốn bạn làm). Sự gợi ý nhắc nhở mà họ tạo ra là làm cho mọi người nhận ra lớp phim trên răng khi họ thức dậy. Việc thường xuyên là đánh răng với Pepsodent. Phần thưởng là cảm giác tươi mát, sạch sẽ trong miệng của bạn. Chiến dịch này đặc biệt thành công vì việc làm sạch răng hồi đó không phải là thói quen hàng ngày như ngày nay.

Hiểu biết về cách hình thành một thói quen có thể giúp bạn từ bỏ những thói quen xấu. Nếu bạn gặp vấn đề uống quá nhiều rượu, bạn có thể suy nghĩ về các bước tạo thói quen này. Sự gợi ý có thể là bạn đang cảm thấy buồn. Sự thường xuyên là bạn uống rượu. Phần thưởng là bạn quên đi những rắc rối của mình. Nếu đây là chu kỳ của bạn, thì hãy tìm ra nguyên nhân khiến bạn cảm thấy buồn và tìm cách khác để giải quyết nó là con đường đi đến phục hồi.

Là Cơ đốc nhân, chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu có thể chữa lành chứng nghiện rượu, nhưng nếu thói quen này hình thành quá sâu, bạn có thể không thực sự biết điều gì đang khiến mình đau đớn. Bạn có thể cảm nhận được nỗi buồn bên trong và nhanh chóng dập tắt nó bằng cách uống rượu trước khi nó chạm đến nhận thức có ý thức của bạn. Chúa Giê-xu sẽ gặp khó khăn trong việc chữa lành những gì bạn đang cố gắng phớt lờ. Nếu bạn không giải quyết nỗi đau, tấn công thói quen đó chỉ làm được điều tốt nhất là đánh đổi nó bằng một thói xấu khác.

 Đưa ra một kế hoạch

Điều gì sẽ là gợi ý nhắc nhở cho thói quen cầu nguyện của bạn? Điều gì sẽ làm được việc này cho bạn? Bạn có thể…

  • đặt đồng hồ báo thức để đánh thức bạn dậy sớm hơn.
  • tạo thêm một cuộc hẹn gặp Chúa trong lịch của bạn.
  • đánh một dấu chấm trên đồng hồ của bạn để nhắc bạn cảm ơn Chúa mỗi khi bạn nhìn thấy nó.

Gợi ý nhắc nhở không phải để khiến bạn cầu nguyện, nó chỉ nhắc nhở bạn về những gì bạn muốn đạt được là thói quen cầu nguyện. Khi bạn đang xây dựng thói quen cầu nguyện, bạn có thể làm điều gì nổi bật như một lời nhắc nhở bạn cầu nguyện?

Điều gì sẽ là sự thường xuyên của bạn trong sự cầu nguyện?

Bạn có muốn cầu nguyện theo một danh sách các nhu cầu cầu nguyện, đi qua các bước Ca ngợi, Xưng tội, Tạ ơn và Cầu xin (the ACTS of prayer:  (Adoration Confession Thanksgiving Supplication), viết nhật ký cầu nguyện, v.v.? Mục tiêu là dành thời gian với Chúa, nhưng có thể có nhiều cách khác nhau để làm điều này. Bạn có cách riêng phù hợp với bạn, và những gì hiệu quả với người khác có thể không hiệu quả với bạn. Hãy thử một vài cách cầu nguyện thường xuyên và xem cái nào phù hợp với tính cách của bạn. Tìm hiểu điều gì có ý nghĩa nhất đối với bạn trước khi biến nó thành thói quen cầu nguyện của bạn.

Phần thưởng của bạn sẽ là gì?

Hãy suy nghĩ kỹ về điều này trước khi để cho câu trả lời bị trở nên “thiêng liêng quá mấu.” Dành thì giờ với Chúa hẳn là phần thưởng xứng đáng, nhưng đối với hầu hết mọi người, đây không phải là phần thưởng cụ thể. Một số lợi ích phụ của việc dành thời gian với Chúa mà bạn có thể nắm bắt là gì. Có phải là sự bình an? Sự tin cậy? Vơi nhẹ tấm lòng nặng trĩu?  Có đường hướng? Bạn sẽ hoãn lại một cái gì đó bạn muốn, chẳng hạn như bữa ăn sáng, cho đến khi bạn cầu nguyện? Phần thưởng đúng có thể giúp bạn có thói quen cầu nguyện.

Các bước để cầu nguyện trở thành thói quen

Bạn có muốn tạo nên một số thói quen cầu nguyện không? Hãy suy nghĩ qua 3 bước này và thử áp dụng chúng. Nếu bạn thấy rằng một trong số chúng không hiệu  quả, hãy thay đổi nó. Có phải gợi ý nhắc nhở bạn cầu nguyện, nhưng bạn vẫn không có động lực? Hãy suy nghĩ về cách bạn có thể thay đổi thói quen hoặc phần thưởng. Hãy cầu xin Chúa giúp đỡ trong quá trình này. Ngài muốn bạn dành thì giờ với Ngài, vì vậy bạn có thể trông đợi sự giúp đỡ của Ngài. Nếu các bước này hoạt động kết quả một lúc rồi dừng lại, đó có thể là Chúa đang đưa bạn vào một thời mùa mới. Hãy linh hoạt và điều chỉnh theo hướng dẫn của Ngài khi bạn học cách làm cho việc cầu nguyện trở thành một thói quen.

Lược dịch:  Ngọc Nga (KetnoiPhuchung.com)

Nguồn: Prayer Coach, How To Make A Prayer Habit, prayer-coach.com

Kinh Thánh nói gì về của cải vật chất?

Chúa ban mọi của cải vật chất để chúng ta ban ra, giúp đỡ người khác, chứ không phải để duy trì lối sống xa hoa, hưởng lợi từ lòng tham của mình.

Sở hữu nhiều của cải vật chất thì có xấu không? Nếu bạn giàu có, bạn có tội không? Có một ranh giới nào được vẽ trên cát về việc sở hữu của cải vật chất trong đời tạm bợ này không? Kinh Thánh nói khá nhiều về tiền bạc, vật chất và không để lại bất cứ điều gì để tranh luận.

Chúng ta có thể giàu có mà không phạm tội về tiền bạc không? Câu trả lời là có, nhưng con đường đó, thưa các bạn, là một con đường rất nguy hiểm và khó khăn để bước đi đúng đắn với Chúa. Hãy nghiên cứu Kinh thánh và xem Kinh thánh nói gì về những thứ vật chất.

Ma-thi-ơ 19:24: “Ta lại nói với các con, lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào vương quốc Đức Chúa Trời”.

Vật chất: Thần tượng hay phước lành?

Nếu bạn có nhiều của cải, làm sao để biết bạn có đang phạm tội về vấn đề này hay không? Đây là một vài câu Kinh Thánh để suy ngẫm:

Lu-ca 12:15 – Ngài phán với họ: “Hãy cẩn thận, đề phòng mọi thứ tham lam, vì sự sống của con người không cốt tại của cải mình dư dật”.

Tham lam bắt đầu từ suy nghĩ. Nó khiến bạn muốn nhiều hơn và nhiều hơn nữa.

Nó làm bạn ghen tị với người hàng xóm về chiếc Mercedes mới toanh của anh ta.

Nó khiến bạn bỏ qua thời gian cùng gia đình để làm việc trong nhiều giờ với hy vọng có thể mua được những thứ mà bạn vô cùng khao khát.

Nếu đây là bạn, thì bạn đang thờ thần tượng và cần phải ăn năn. Bạn đã đặt của cải vật chất quan trọng hơn Đức Chúa Trời và những ước muốn của Ngài. Của cải vật chất đã trở thành thần tượng trong bạn.

1 Giăng 3:17 – “Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang túng thiếu mà chẳng động lòng thương thì làm thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời ở trong người ấy được?”

Khi lối sống bị áp đặt bởi sự giàu có của người khác, bạn đang gặp vấn đề. Bạn có nhất thiết phải mua chiếc Mercedes đó không? Bạn có cần ngôi nhà 5 phòng ngủ/3 phòng tắm khi nó chỉ dành cho vợ chồng bạn? Nếu cuộc sống của bạn là việc bạn “nhìn” như thế nào trong mắt người khác, thì bạn đang phạm tội.

Con mắt của con người chỉ nhìn thấy bên ngoài. Đôi mắt của Chúa nhìn thấy những gì trong trái tim bạn. Khi bạn từ bỏ việc giúp đỡ nhu cầu cấp bách của ai đó để đáp ứng nhu cầu không cần thiết của chính bạn, Chúa không vui lòng.

Ma-thi-ơ 19:16, 21-22 – “Lúc ấy, có một người đến hỏi Ngài: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều lành nào để được sự sống đời đời?”
Đức Chúa Jêsus đáp: “Nếu ngươi muốn được trọn vẹn, hãy đi, bán những gì mình có và phân phát cho người nghèo thì ngươi sẽ có kho báu ở trên trời; rồi hãy đến theo Ta.” Khi nghe lời nầy, thanh niên ấy buồn bã bỏ đi, vì anh ta có quá nhiều của cải”.

Người đàn ông này không thể từ bỏ sự giàu có của mình. Anh ta đang tôn thờ vật chất. Anh đã để cho lòng tham của mình lấn át sự kêu gọi của Chúa Jêsus dành cho anh. Anh ta đặt sự giàu có của mình ở tầm quan trọng cao hơn Chúa Jêsus. Hãy cẩn thận vì có khi bạn cũng đang làm như thế!

Chìa khóa cho tất cả những điều này là rất đơn giản. Đó là về tấm lòng của bạn. Bạn sống vì sự giàu có của bạn, hay bạn sống để sử dụng nó cho sự vinh hiển của Đức Chúa Trời? Nếu Chúa Jêsus đến với bạn hôm nay và nói: “Ta có những kế hoạch tuyệt vời cho con. Hãy đến, bán tất cả những gì bạn có và theo Ta” liệu bạn có sẵn sàng thưa vâng với Ngài? Đây là bài kiểm tra xem bạn có đang sở hữu thần tượng tiền bạc.

Cảnh báo

Có nhiều lời cảnh báo trong Kinh Thánh về của cải vật chất và thái độ của chúng ta đối với chúng. Dưới đây là một số câu Kinh Thánh để chúng ta cùng suy ngẫm.

Ma-thi-ơ 6:19-21 – “Các con đừng tích trữ của cải ở dưới đất, là nơi có mối mọt, ten rỉ làm hư, và kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. 20 Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi không có mối mọt, ten rỉ làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch, khoét vách mà lấy. 21 Vì của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó”.

Ma-thi-ơ 6:24 – “Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài nữa”.

1 Ti-mô-thê 6:9-10 – “Còn những ai ham giàu có thì rơi vào sự cám dỗ, mắc vào cạm bẫy, sa vào những tham muốn dại dột và nguy hại, là những điều nhận chìm con người trong sự hủy diệt và hư mất. 10 Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốc lấy nhiều nỗi đau nhức nhối”

Ma-thi-ơ 16:26 – Nếu người nào được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà đổi linh hồn mình lại?

Kết luận

Kinh Thánh nói rõ về của cải vật chất. Nếu chúng là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của bạn thì hãy ăn năn! Chúa ban mọi của cải vật chất để chúng ta ban ra, giúp đỡ người khác, chứ không phải để duy trì lối sống xa hoa, hưởng lợi từ lòng tham của mình.

Bạn có sẵn lòng từ bỏ mọi thứ bạn sở hữu ngày hôm nay nếu Chúa yêu cầu bạn không? Cuộc sống không phải là ở đây và bây giờ, mà là nơi thiên đàng phước hạnh. Chúng ta không thể mang theo tiền bạc, vật chất của mình lên Thiên đường, nhưng chúng ta chắc chắn có thể sử dụng chúng để mang lại lợi ích cho người khác, cho Vương quốc Nước Trời khi vẫn còn trên đất.

Nguyện Đức Chúa Trời được tôn vinh trong những gì Ngài đã ban cho bạn! Xin Chúa tiếp tục ban phước cho bạn khi bạn sống một cuộc đời xứng đáng với sự kêu gọi!

Bài: Derek Hill, dịch: S.D (Oneway.vn)
(Nguồn: whatchristianswanttoknow.com)