Lời Sống Hằng Ngày

Lời Sống Hằng Ngày

Được Khích Lệ Trong Chúa

03/03/2022

C H B T N S B


Được Khích Lệ Trong Chúa

Đọc: I Sa-mu-ên 23:15-24
Download MP3

Bấy giờ Giô-na-than, con của Sau-lơ, lên đường đến với Đa-vít… giúp ông vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời. I Sa-mu-ên 23:16

Năm 1925, Langston Hughes, nhà văn có nhiều hoài bão phát hiện nhà thơ mà mình ngưỡng mộ (Vachel Lindsey) lưu trú tại khách sạn ông đang phụ việc. Hughes ngượng ngùng gửi một vài bài thơ của mình cho nhà thơ và sau đó đã được Lindsey hết lời khen ngợi trong một buổi đọc thơ trước công chúng. Nhờ có sự động viên của Lindsey, Hughes nhận được học bổng tại trường đại học, giúp anh tiến xa hơn trong sự nghiệp viết lách thành công của chính mình.

Một lời khích lệ nhỏ có thể mang lại tác động lớn, đặc biệt là lời khích lệ đến từ Chúa. Kinh Thánh kể lại một sự kiện khi Đa-vít chạy trốn vua Sau-lơ, người đang cố “săn đuổi mạng sống ông”. Con trai của Sau-lơ là Giô-na-than đã tìm đến Đa-vít và “giúp ông vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời. Giô-na-than nói: ‘Đừng sợ, vì tay của cha tôi là Sau-lơ sẽ chẳng đụng đến anh được đâu. Anh sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên…’” (I Sam. 23:15-17).

Giô-na-than nói đúng. Đa-vít sẽ là vua. Chìa khóa khiến cho lời khích lệ của Giô-na-than trở nên có hiệu quả nằm ở cụm từ “nơi Đức Chúa Trời” (BTT, c.16). Qua Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta “sự an ủi đời đời cùng niềm hy vọng tốt đẹp” (II Tês. 2:16). Khi chúng ta hạ mình trước Chúa, Ngài nâng chúng ta lên – là điều không ai có thể làm được.

Xung quanh chúng ta là những người cần sự khích lệ từ Chúa. Nếu chúng ta tìm đến họ như Giô-na-than tìm đến Đa-vít và nhẹ nhàng chỉ cho họ thấy Đức Chúa Trời bằng lời nói và hành động tử tế, thì Ngài sẽ làm phần còn lại. Bất kể cuộc sống này sẽ ra sao, một tương lai tươi sáng trong cõi đời đời sẽ luôn chờ đợi những ai tin nơi Ngài.

Bạn từng nhận được lời khích lệ đặc biệt của ai trong hành trình đức tin của mình? Hôm nay, bạn sẽ làm gì để củng cố đức tin của một ai đó?
Lạy Chúa kính yêu, không có sự khích lệ nào bằng điều Ngài ban cho. Xin cho con cơ hội được giúp người khác tìm thấy sức mới trong Ngài. Amen

bởi James Banks

Chú Giải

Mối quan hệ giữa Đa-vít và Giô-na-than thực sự rất đặc biệt. Giô-na-than là con trai của vua Sau-lơ và là người kế vị ngai vàng mà Đa-vít được xức dầu để nhận lấy. Tuy nhiên, Giô-na-than hết lòng tin cậy nơi sự lựa chọn của Đức Chúa Trời và việc Đa-vít được xức dầu để làm vua, đến nỗi ông đã giúp đỡ và khích lệ bạn mình dù phải trả giá đắt. Theo một nghĩa nào đó, Giô-na-than đang làm điều Chúa Jêsus mô tả như là dấu chỉ một người bạn thật, khi Ngài phán: “Không có tình yêu thương nào lớn hơn tình yêu thương vì bạn hữu mà hi sinh mạng sống mình” (Giăng 15:13). Giô-na-than đã từ bỏ phần lớn những điều mà cuộc đời ông có thể có để làm bạn với Đa-vít.

Content retrieved from: https://vietnamese-odb.org/today/.

Câu chuyện về Tết

Câu chuyện về Tết

Quý vị thường nghĩ gì mỗi khi Tết đến? Đối với một số người Tết hay không thì cũng vậy thôi, vẫn làm lụng, sinh hoạt bình thường. Ở Việt Nam vì một năm chỉ có một ngày Tết để nghỉ ngơi, cho nên Tết có một ý nghĩa sâu đậm. Ngày nay chúng ta có mùa hè để nghỉ, có sinh nhật để ăn uống, để tặng quà và bao nhiêu dịp lễ khác để vui chơi, nên Tết chỉ còn là một truyền thống hay một kỷ niệm đẹp, hơn là dịp vui mỗi năm mới có một lần.

Đối với nhiều người, Tết nhiều khi chỉ khơi lại những kỷ niệm không mấy vui của thời thơ ấu vì loạn lạc, chiến tranh hay vì gia đình nghèo thiếu. Nhưng dù gì đi nữa, nói đến Tết và những tập tục như mặc quần áo mới, lì xì, thăm viếng nhau trong ba ngày Tết vẫn có những cái hay của nó mà mỗi khi nghĩ lại ta cũng thấy thích thú. Ba điều vừa nói: mặc quần áo mới, lì xì, và thăm chúc nhau trong ba ngày Tết, cũng có những điểm song song trong đời sống tâm linh đáng cho chúng ta suy nghĩ trong những ngày đầu Xuân này.

Sống ở một nước nghèo, một năm mới được một lần mua sắm, Tết vì vậy là dịp cho quần áo mới. Chẳng những vì mỗi năm mới sắm quần áo một lần, nhưng vì ai cũng thích một cái gì mới trong năm mới. Tú Xương đã có lần viết:

Cứ bảo với nhau rằng mới với me,
Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe.
Khăn là bát nọ to tày rế,
Váy lĩnh cô kia quyét sạch hè.

Hình ảnh ngày Tết với những cậu bé cô bé súng sính trong bộ quần áo mới là điều chúng ta khó quên. Quần áo mới là điều cần thiết cho năm mới, dù những bộ quần áo mới đó chẳng bao lâu cũng sẽ dơ, sẽ cũ. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh một chiếc áo mới để nói về đời sống đạo đức, còn đời sống tội lỗi là chiếc áo dơ bẩn. Thánh Kinh dạy:

Anh em phải thoát lốt người cũ và mặc lấy người mới (Thư Ê-phê-sô 4:22)

Chúng ta cần từ bỏ con người tội lỗi xấu xa như người vứt đi chiếc áo dơ bẩn cũ kỹ và khoác lên mình một chiếc áo mới. Lời Chúa bảo chúng ta Hãy mặc lấy chính Chúa Giê-xu. Tết ở đây không còn tục lệ mặc quần áo mới như bên nhà, nhưng mùa Xuân nầy ước mong mỗi chúng ta điều khoác lên mình chiếc áo mới. Đây là chiếc áo sẽ không bao giờ cũ. Vì chiếc áo đó chính là Chúa Cứu Thế. Ngài bọc chúng ta lại bằng đức công chính thánh sạch của Ngài. Đặt lòng tin nơi Chúa, giao thác cuộc đời cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm được những thay đổi từ trong tâm hồn.

Song song với việc mặc quần áo mới chúng ta có việc mừng tuổi và lì xì. Con cháu trong gia đình và những người trẻ chúc thọ hay mừng tuổi ông bà cha mẹ và những người lớn mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới mà ta gọi là lì xì. Chúng ta không rõ hai chữ lì xì phát xuất từ đâu, nhưng lúc nhỏ Tết đến, có những đồng tiền mới để cất, hay có tiền để tiêu xài là cả một hạnh phúc của tuổi thơ. Nhiều người thích Tết vì khi Tết đến, ai cũng tử tế với mình, không bị la mắng mà lại còn được tiền nữa. So sánh ơn cứu rỗi của Thiên Chúa với đồng tiền lì xì thì thật là không đúng, vì sự cứu rỗi của Chúa quá cao không gì có thể so sánh được. Tuy nhiên có một điểm tương đồng ở đây, đó là ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng tương tự như những đồng tiền chúng ta nhận được trong ngày Tết: Chúng ta không biết tại sao chúng ta lại được tiền, tại sao ai cũng tử tế cho tiền chúng ta mà không đòi hỏi gì cả. Ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng tương tự như vậy. Không phải chúng ta làm một việc gì tốt hay xứng đáng mà được Chúa cứu. Chúa cứu và ban cho chúng ta sự cứu rỗi của Ngài chỉ vì Ngài yêu chúng ta. Lời Chúa dạy:

Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:16)

Sự sống đời đời là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người. Sự sống đời đời là đời sống có ý nghĩa ngay trên trần gian nầy và được sống mãi mãi với Chúa trên thiên quốc.

Mùa Xuân ta cần mặc chiếc áo mới là chính Chúa Giê-xu, cần được món quà là sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi đây nói đến thay đổi bên trong con người của chúng ta. Mùa Xuân đến chúng ta thấy hoa lá đâm chồi nở lộc, những lộc non, những mầm sống không thể gắn lên từ bên ngoài nhưng là phát xuất tự nhiên ở bên trong vì có sự sống và sức sống. Đời sống mới Thiên Chúa ban cho chúng ta cũng vậy. Ngài ngự vào tâm hồn chúng ta, tái tạo cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ tự nhiên nẩy sinh ra những mỹ đức của Thiên Chúa.

Mùa Xuân mặc quần áo mới, mừng tuổi và nhận tiền lì xì. Chúng ta cũng có tập tục thăm viếng và chúc nhau trong ba ngày Tết. Những lời chúc Tết lúc đầu mang những ý nghĩa tốt đẹp và thành thật nhưng dần dần cũng trở thành sáo ngữ và thành những câu đầu môi chót lưỡi. Người chúc có thể không biết mình nói gì và người được chúc cũng không biết là những lời chúc đó có thành sự thật hay không. Người đặt lòng tin nơi Chúa khi Xuân về không chúc nhưng cầu chúc, hay nói đúng hơn cầu nguyện để Thiên Chúa ban ơn xuống phước. Chính chúng ta không thể chúc ai một điều gì và điều đó sẽ thành sự thật. Chúng ta chỉ có thể cầu xin Thiên Chúa chúc lành hay nói khác đi, chính Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc thật của Ngài. Một trong những hạnh phúc lớn nhất Thiên Chúa dành cho con người là hạnh phúc tha thứ, hay ơn tha thứ. Thánh Kinh dạy:

Phúc cho người có lỗi được tha thứ, tội được Chúa xóa bôi. Phúc cho người được Chúa Hằng Hữu ân xá (Thánh Vịnh 32:1)

Ai trong cuộc đời cũng đã có những phút lầm lỡ, làm điều tội lỗi, những lúc ấy tâm hồn chúng ta nặng trĩu, khó chịu, lương tâm dày vò, cắn rứt . Nỗi khổ của người có tội sẽ cứ tiếp tục mãi cho đến khi nào người đó ăn năn hối lỗi, xưng nhận và được tha thứ. Thiên Chúa là Đấng thánh khiết, không thể dung dưỡng tội lỗi. Chúng ta mắc tội với Chúa vì đã không tôn thờ Ngài là Đấng tạo dựng chúng ta. Và cũng đã không làm theo lời Ngài dạy bảo. Con đường duy nhất để giải thoát chúng ta đem chúng ta trở lại tình trạng nguyên thủy, được làm con của Chúa là con đường mà Chúa Giê-xu đã thực hiện. Nói đúng hơn Ngài chính là con đường đó vì Chúa Giê-xu đã gánh lấy tất cả mọi tội lỗi của con người và chịu chết thế cho con người.

Tin Lành là tin vui Thiên Chúa ban cho con người. Tin vui đó là con người có thể nhận được ơn tha thứ nếu biết ăn năn tội lỗi, đặt lòng tin nơi Chúa và để cho Thiên Chúa tái tạo tâm hồn. Chúng ta sẽ kinh nghiệm điều mà Thánh Kinh gọi là tái sinh: sự sống của Chúa sẽ chan hòa trong cuộc đời của chúng ta, để chúng ta tự nhiên nẩy sinh những mầm non lá mới, một đời sống sung mãn không phải tự sức riêng của chúng ta.

Xuân đã về và tôi muốn chúc Bạn một vài lời nhưng tôi biết rằng lời chúc của tôi sẽ chẳng có giá trị gì vì tôi không có quyền gì để lời chúc đó để trở thành sự thật. Tôi chỉ có thể ước ao và trong ước ao đó tôi cầu xin Thiên Chúa mở rộng đôi mắt tâm linh của Bạn để Bạn nhìn thấy vấn đề. Vấn đề là vấn đề cứu rỗi, vấn đề là vấn đề tha thứ, vấn đề là vấn đề tâm linh. Chính yếu tố tâm linh quyết định cả đời sống chúng ta. Trong mùa Xuân nầy hãy mặc lấy chính Chúa Cứu Thế, hãy mang vào người sự sống của Chúa và rồi Bạn sẽ kinh nhgiệm một đời sống tươi mới không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Lời Chúa dạy:

Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới, cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới (Thư II Cô-rinh-tô 5:17)

“Ở trong Chúa Cứu Thế” là liên kết với Ngài bằng niềm tin, bằng thái độ ăn năn, bằng quyết định quay về với người Cha Thiên Thượng vẫn đêm ngày trông mong chờ đợi chúng ta.

Ngày Tết mà được xum họp đoàn tụ gia đình thì còn gì quý hơn nữa phải không Bạn? Mùa Xuân nầy hãy ăn năn quay trở lại với Chúa để kinh nghiệm một mùa Xuân diễm tuyệt trong tình yêu của Thiên Chúa.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

Suy tư đầu năm mới 2022

Suy tư đầu năm mới 2022

Lắng nghe audio

Thưa quý thính giả, chúng ta đã chào đón Năm Mới 2022 cách đây mấy ngày, nhưng có lẽ quý vị còn nhớ nỗi lo lắng của mọi người trên thế giới khi chuẩn bị bước vào năm 2000.  Lúc đó từ ngữ mà chúng ta nghe nhiều là Y2K, nói đến những thay đổi khi bước qua năm 2000, tức là bước vào thế kỷ 21.  Nhưng hôm nay chúng ta đã bước vào năm 2022, tức là đã 22 năm trôi qua. Thời gian trôi qua quá nhanh! Mới đó mà hai mươi hai năm đã đi qua trong cuộc đời.  Chúng ta suy nghĩ gì khi bước vào Năm 2022? Vui mừng hăng hái đón mừng Năm Mới hay lo lắng, bất an vì những điều đang xảy ra chung quanh? Thường mỗi khi Năm Mới đến, chúng ta từ biệt năm cũ và trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp cho Năm Mới.  Chúng ta không những chúc nhau nhưng cũng trông mong Năm Mới sẽ tốt đẹp hơn: vui vẻ bình an hơn, hạnh phúc thành công hơn năm cũ. Năm nay, những điều chúng ta trông mong hay chúc cho nhau chỉ là mơ ước chứ thực tế không biết sẽ ra thế nào.

Phải nhận rằng chưa bao giờ thế giới đón chào Năm Mới với nhiều hoang mang lo lắng như năm nay.  Dịch bệnh Covid vẫn lan tràn khắp nơi: tại Mỹ, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới; ngay trong cộng đồng chúng ta, giữa những người chúng ta quen biết, yêu thương và ngay trong gia đình chúng ta cũng có người nhiễm bệnh.  Những người đã chích ngừa cũng không yên tâm vì con virus này cứ biến thể và dễ lây lan hơn.  Ngoài ra, trong thời gian qua bạo loạn, tai nạn, thiên tai xảy ra khắp nơi, không còn biết đâu là nơi an toàn, ai là người đáng tin cậy.  Hơn bao giờ hết, chúng ta thấy đời sống thật mong manh, không chỉ người lớn tuổi ra đi nhưng nhiều người trẻ cũng đột ngột từ giã cõi đời, không chỉ vì dịch bệnh Covid nhưng vì những nguyên nhân khác như đau tim, đột quỵ, tai nạn lưu thông, v.v…  Vài người thân quen của chúng tôi cũng bất ngờ qua đời trong mấy tuần qua.

Không phải hôm nay chúng ta mới biết đời sống mong manh, ngắn ngủi, nhưng từ ngàn xưa, người xưa cũng đã nói lên điều này. Chúng ta đã nghe những câu như: “Đời người như bóng câu qua cửa sổ, nay còn mai mất.” Cao Bá Quát ngày xưa nói: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười!” Kinh Thánh, là Lời của Đức Chúa Trời, cũng dạy rất nhiều về sự mong manh ngắn ngủi của đời người. Tác giả Thánh Vinh 103 viết:

Đời loài người như cây cỏ, người sinh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, chỗ nó không còn nhận biết nó nữa (Thi Thiên 103:15-16)

Sứ đồ Gia-cơ thì dạy:

Anh em không biết ngày mai sẽ thế nào, sự sống của anh em là gì? Chẳng qua chỉ như hơi nước, xuất hiện trong giây lát rồi lại tan ngay (Thư Gia-cơ 4:14)

Đời sống chúng ta mong manh như hơi nước, như giọt sương mai, hiện ra chốc lát rồi tan mất đi.  Môi-se, lãnh tụ của con dân Chúa ngày xưa, nói:

Tuổi tác của chúng con đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi.  Nhưng sự kiêu căng của nó chỉ rước lấy lao khổ và buồn thảm, vì đời người chóng qua, rồi chúng con bay mất đi (Thi Thiên 90:10)

Đời người ngắn ngủi, nay còn mai mất, và cái chết là điều không ai tránh được: dù giàu hay nghèo, tài giỏi khôn ngoan, cao sang quyền quý hay bình dân tầm thường… mọi người rồi cũng sẽ đối diện với ngày cuối cùng của đời mình.  Ngày đó sẽ đến từ từ hay bất ngờ, không ai biết được. Trước thực tế đó, chúng ta cần một nơi nương tựa, và nơi duy nhất đáng cho chúng ta nương tựa chính là Thiên Chúa Toàn Năng,  Ngài sẽ dẫn dắt, gìn giữ chúng ta trong bàn tay nhân từ của Ngài.  Chúa không những tạo dựng chúng ta nhưng Ngài cũng yêu thương, đã hy sinh chính sự sống của Ngài để tha tội cho chúng ta, ban cho chúng ta ơn cứu rỗi.  Có Chúa, chúng ta được bình an trong đời tạm này và khi từ giã trần gian này chúng ta được sống với Ngài đời đời trên thiên quốc.

Kinh Thánh không chỉ nói về sự ngắn ngủi của đời người nhưng cũng dạy chúng ta sống thế nào để được hưởng ơn phước Chúa ban. Trước hết, chúng ta cần thưa với Chúa:

“Cầu xin Chúa dạy chúng con biết đếm các ngày chúng con, hầu cho chúng con được lòng khôn ngoan” (Thánh Vịnh 90:12).

Biết đếm ngày nghĩa là biết trân quý những ngày sống trên đất và không phí phạm đời sống Chúa ban cho mình.  Sứ đồ Phao-lô dạy:

“Hãy xem xét cẩn thận về cách sống của anh em, đừng sống như người dại nhưng như người khôn ngoan.  Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vì vậy, đừng trở nên như người dại nhưng phải hiểu rõ thế nào là ý muốn của Chúa” (Thư Ê-phê-sô 5:15-17).

Vì đời sống ngắn ngủi, chúng ta cần sống khôn ngoan, tận dụng thì giờ, ngày tháng chứ không phí phạm và tìm biết xem Chúa muốn mình làm gì, sống như thế nào. Kinh Thánh khẳng định rằng, người nào biết rõ ý muốn của Chúa và sống theo Lời Chúa dạy là người khôn ngoan. Áp dụng vào đời sống hằng ngày, sống khôn ngoan là đặt đúng thứ tự ưu tiên, biết rõ ý muốn của Chúa và sống theo mục đích Ngài dành cho chúng ta. Kinh Thánh cho chúng ta những nguyên tắc sống như sau:

  1. Linh hồn, nhu cầu tâm linh quan trọng hơn nhu cầu vật chất

Chúa Giê-xu dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Vương Quốc Đức Chúa Trời và đức công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều cần yếu khác nữa. Đừng quá lo lắng cho ngày mai, sự khó nhọc ngày nào đủ cho ngày ấy” (Ma-thi-ơ 6:33-34).  Lời Chúa cũng dạy: “Đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng. Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác” (I Ti-mô-thê 6:8 & 10).  Điều chúng ta cần làm trước hết là: Tin nhận Chúa Giê-xu để được tha thứ tội, được Chúa ban cho sự sống vĩnh hằng. Sau đó, hãy thỏa nguyện với những gì Chúa ban, đừng ham giàu có, vì lòng tham tiền bạc sẽ khiến chúng ta bị cám dỗ làm điều bất chính và ngã vào tội lỗi.

  1. Tình người quan trọng hơn tiền bạc vật chất

Đừng bao giờ vì tiền bạc, vật chất mà làm tổn thương người thân yêu, giết chết tình cảm giữa vợ chồng, làm buồn lòng bạn bè bà con, anh chị em trong gia đình.  Đừng vì những lợi lộc vật chất mà đánh mất tình thương yêu đối với người chung quanh. Nếu đã lầm lỡ, xin Chúa giúp chúng ta ăn năn, can đảm xin lỗi để những tổn thương, sứt mẻ đó được hàn gắn và chữa lành.

  1. Ban cho có phước hơn nhận lãnh, chia xẻ có phước hơn là thâu đoạt về cho mình

Dù chúng ta nghèo khổ đến đâu cũng có người nghèo khổ hơn mình, chúng ta hãy nhìn xuống để thấy mình được phước, được đầy đủ hơn nhiều người. Hãy nghĩ đến những người kém may mắn, thiếu thốn đói khổ và sẵn sàng chia xẻ điều mình có để giúp đỡ. Chia xẻ vật chất không khiến ta bị nghèo thiếu nhưng đem lại cho chúng ta niềm vui và những ơn phước mà lắm khi chúng ta không ngờ.

  1. Hãy dành thì giờ chăm sóc linh hồn mình

Tất cả mọi điều trên đời này rồi sẽ qua đi, linh hồn là điều duy nhất còn lại đời đời. Chúa Cứu Thế phán: “Người nào được cả thế gian mà mất linh hồn mình thì có ích gì? Người ấy sẽ lấy gì mà dổi linh hồn mình lại?” (Ma-thi-ơ 16:26). Những ngày đầu năm là cơ hội để chúng ta đặt lại thứ tự ưu tiên cho đời sống: Quan tâm đến mặt tâm linh, chúng  ta hãy tin nhận Chúa Cứu Thế, tôn Ngài làm Chủ cuộc đời.  Tình yêu của Chúa và sức mạnh Ngài ban sẽ giúp chúng ta thực hành Lời Chúa dạy,  sống khôn ngoan hầu nhận được phước hạnh và bình an của Ngài.  Chúa sẽ giúp chúng ta không ham mê tiền bạc vật chất, không xem tiền bạc vật chất quý hơn tình thương yêu với người phối ngẫu, với bạn bè, bà con, anh chị em trong gia đình. Tình yêu của Chúa cũng sẽ giúp chúng ta cư xử yêu thương, tha thứ mọi người và nhất là sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đem lại phúc lợi cho người khác.  Đời sống ngắn ngủi mong manh, cơ hội để sống yêu thương, chia xẻ, làm điều tốt cho người thân yêu không có nhiều, nhất là cơ hội tin nhận Chúa, để được cứu rỗi linh hồn, rồi sẽ qua đi. Vì thế nếu chúng ta chờ đến ngày mai có thể sẽ quá trễ!

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành