KẺ BẮT BỚ PHÚC ÂM BỊ CHÚA BẮT PHỤC

KẺ BẮT BỚ PHÚC ÂM BỊ CHÚA BẮT PHỤC



Những ai đã gặp ông Võ Sỹ Bình, thật khó tin ông từng cực kỳ lý trí và vô tín. Càng khó tin hơn khi biết trước đây, mỗi khi có dịp làm việc với các Mục sư, ông khuyên họ: “Hãy đi kiếm việc gì khác mà làm!”


Tôi gặp ông Bình lần đầu tại nhà ông ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh qua lời giới thiệu của một người bạn. Ngôi nhà cấp 4 sạch sẽ, bài trí đơn giản, chủ yếu là không gian dành cho sinh hoạt hàng tuần của Hội Thánh.

“Cứ gọi chú cho thân mật” – ông nói, rồi cười hiền lành, thân thiện.
Mời tôi ly cà phê, ông trò chuyện tự nhiên, thân tình. Thi thoảng ông dừng lại, đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt của lòng biết ơn, khi nhớ lại những năm tháng lầm lạc của đời mình.
“Mình không muốn thì ai bắt?”

Ông Võ Sỹ Bình sinh tại Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 10 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, và được người lớn đưa vào học chữ ở trường Tin Lành – Đà Nẵng. Ông hồi tưởng.
“Mỗi ngày tôi được khuyến khích học thuộc lòng 1 câu Kinh Thánh và 1 bài hát đơn giản và nhận được phần thưởng là 1 ổ bánh mì! Vì thế, ngày nào tôi cũng cố gắng học để có bánh ăn!” Ông nhớ lại, và cho biết thêm tuy được ăn, được học ở trường Tin Lành, nhưng ông “không phải người Tin Lành”.

Học được 4 năm, ông nghỉ, lao ra đời làm đủ thứ nghề để kiếm sống như: phụ xe, làm bánh, thậm chí có lúc phải vào chùa ăn nhờ ở đậu. Rồi ông nhận biết chỉ có đi học mới có thể giúp ông thay đổi số phận, thay đổi tương lai mình. Vì thế, ông bắt đầu cố gắng học.

Trong thời gian học tại trường công lập Hòa Vang, Đà Nẵng, ông tham gia phong trào học sinh – sinh viên và bắt đầu hoạt động cách mạng. Sau kháng chiến, ông được phân công công việc với nhiều cấp bậc, chức vụ; từ xã, huyện cho đến vị trí cao ở Trung ương.
“Tính ra tổng cộng gần 37 năm tôi làm việc tại các cơ quan Nhà nước” Ông kể.

Ông tiếp tục kể tôi nghe những câu ông thích lặp đi lặp lại suốt những năm còn tại chức: “Các ông không có việc chi làm hay sao mà đi làm Mục sư?” Ông hỏi các tôi tớ Chúa, và họ đáp:
“Vì Chúa kêu gọi chúng tôi làm”.

Ông ngạc nhiên: “Mấy ông nói nghe lạ! Mình không muốn thì ai bắt được mình?”
Có lần ông còn cướp lời các Mục sư đang cầu nguyện, mục đích mỉa mai, cười cợt: “Mấy ông suốt ngày cứ cảm ơn Chúa, trong khi tôi mới là người trả tiền cho bữa ăn!”

PHÉP LẠ & CƠ HỘI


Ông có người con gái ‘rượu’ sinh năm 1983, nhưng khoảng năm 2000 cô ấy bị đau mắt, rồi dần dà không nhìn thấy gì nữa, mặc cho ông chữa chạy từ Bắc chí Nam. Những năm ấy ông làm việc ở Đà Nẵng, các vị Mục sư thuộc hàng giáo phẩm lúc bấy giờ hay biết, mở lời xin được cầu nguyện cho con gái ông, nhưng ông vẫn vô tín, cứng lòng.

“Tôi không bao giờ tin vào thần thánh, phép màu” – Ông khẳng định. Nhưng các Mục sư vẫn tiếp tục bền bỉ, đề nghị cầu thay cho con ông tại Nhà thờ. “Các ông muốn làm gì thì làm.” – buồn bã, chán nản, tuyệt vọng! Ông đáp.

Nhưng rồi con gái dần khỏi bệnh, đôi mắt cô bắt đầu hồi phục và sáng trở lại. Ông xúc động: “Tôi mừng lắm! Nó là đứa con duy nhất. Nếu không có phép màu, không được sự thương xót, can thiệp của Chúa, chắc chắn nó sẽ mù lòa vĩnh viễn, vì các Bác sĩ đã bó tay”.

Nhưng rồi ông vẫn không tin vào ai khác ngoài bản thân, đúng ra ông chỉ tin vào chủ nghĩa nhân bản, vô thần, cho rằng con người làm được mọi việc bằng sức lực và khả năng mình, bàn tay ta làm nên tất cả.

Một lần khác, khi con gái kể với ông rằng cô nằm mơ thấy mình đậu 2 trường đại học, ông lắc đầu: “Đó là việc ngoài sức con”.
Ông biết thực lực con mình, rằng con ông lúc đó vẫn đang đau mắt, học hành dang dở. “Chuyện đó không thể xảy ra” – Ông nhớ lại và tiếp tục vô tín, tiếp tục thách thức Chúa:
“Nếu con gái con đậu đại học, con sẽ tin Chúa”.

Chúa thành tín, Đấng luôn làm những việc mà con người không thể tưởng tượng nổi. Một người đau mắt sắp sửa mù lại có thể đậu vào 2 trường Đại học Mỹ thuật. Điều này khiến ông bắt đầu nghĩ: “Ông Trời thực sự quyền năng”, dù vẫn không bằng lòng tin nhận Chúa.
Vậy rồi sau nhiều năm tháng hết vô tín lại tìm kiếm nơi nương tựa. Ông trải lòng, tiếc nuối:

“Chúa đem đến nhiều cơ hội để tôi nhận biết Ngài, nhưng tôi cứ mãi vô tâm. Đến khi bằng lòng tin nhận Chúa thì đã muộn màng vì thời gian không còn nhiều nữa.”
Chúa, Đấng luôn yêu thương, tha thứ!
Thật vậy, sau bao nhiêu bắt bớ, thách thức, vô tín, mỉa mai, nhưng Chúa vẫn yêu thương, tha thứ, theo đuổi cuộc đời ông cho tới khi ông thực sự ăn năn, quay đầu.

Vài năm sau được chuyển công tác vào TP.HCM, ông không ở nhà được cấp, mà tới ngụ tại một điểm nhóm tại Hóc Môn. Tại đây, ông mới thực sự mở lòng tin nhận Chúa. Ông thờ phượng Chúa, học Kinh Thánh và được tăng trưởng niềm tin.

Như sứ đồ Paul/Phao-lô ngày xưa, những chiếc “vảy cá” bắt đầu rớt khỏi mắt, ông khám phá ra nhiều điều mới lạ trong Kinh Thánh mà trước đây ông chưa từng biết. Ông dần hiểu ra điều mà các vị Mục sư trước đây từng nói: một khi đã gặp gỡ Chúa, thì “Dù không muốn cũng phải làm (nói về Chúa, về Tin Lành – NV)”.

Ông cảm ơn Chúa dù từng “rất không muốn”, nhưng Chúa vẫn nhân từ, chờ đợi ông tin nhận Ngài! Ông bước đi trong đức tin, trông cậy Chúa và bằng nhiều cách, nhiều lần, ông càng kinh nghiệm Chúa nhiều hơn.

Chúa kêu gọi ông học Kinh Thánh và hầu việc Ngài. Hiện, ông đang hầu việc Chúa tại Hội Thánh Thiên Ân, Củ Chi.
“Dù không muốn, Chúa vẫn kêu làm! Và một khi Chúa đã kêu thì không ai có thể từ chối được” – Ông khẳng định.

Chiều thứ Bảy hàng tuần, hơn 20 em nhỏ đến chơi, học tập tại điểm nhóm. Đây là cơ hội để ông chia sẻ về tình yêu Chúa cho bọn trẻ. “Cảm ơn Chúa, Ngài cũng dự bị các bạn thanh niên đến dạy vẽ, tiếng Anh mỗi tuần cho các em” – Ông tâm tình. Hơn ai hết, ông cảm thông được cảnh mồ côi, cơ cực “đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân” – Ông nói. Nên ông luôn cưu mang chúng, ấp ủ tâm huyết mở một trung tâm dành cho trẻ em mồ côi.

Vậy rồi Trung tâm Thiên Ân ở Lộc Giang, Long An ra đời. “Nhờ lúc nhỏ được học ở trường Tin Lành mà cho tới tận giờ tôi vẫn còn thuộc nhiều câu Kinh Thánh” – Ông nhớ lại. Vì vậy, khi mở được trung tâm này, ông áp dụng ngay điều đó vào: dạy các em học Lời Chúa.

Dù đã giao lại cho người khác quản lý, ông cho biết hiện trung tâm có hơn 30 em được bảo bọc, trưởng dưỡng nơi đây. Rồi ông chỉ tay qua miếng đất cạnh nhà, đau đáu mong ước có thể mua được chỗ đất ấy để xây thêm 1 ngôi trường nữa, giúp thêm các em mồ côi, cơ nhỡ, khó khăn có cơ hội học tập, trưởng thành.

Tôi hỏi liệu ông có tiếc khi từ bỏ tất cả chức vụ, sự nghiệp cả đời theo đuổi? Ông cười, đáp cũng nhiều người hỏi vì sao một người “vô đạo” như tôi lại có thể tin nhận Chúa? Và, ông trả lời bằng câu chuyện dụ ngôn trong Kinh Thánh: Một người nọ tìm được đám ruộng có chứa kho báu liền vui mừng trở về bán hết gia tài mình mua đám ruộng đó, bởi người đó biết rõ giá trị của nó. (Matthew/Ma-thi-ơ 13:44-48), rồi cười nhẹ, nói:
“Tôi đã tìm được cả kho báu rồi!”

Chia tay, ông ‘thưởng’ thêm cho tôi câu chuyện về Giô-sép:
“Khi hoàn cảnh xảy đến ta tưởng đó là hoạn nạn, nhưng thực ra Chúa đem đến hoàn cảnh để hoàn thành chương trình tốt đẹp của Ngài.”
Cảm tạ bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời, Chúa chúng ta! Amen!

Ông Võ Sỹ Bình sinh năm 1954, hiện sống tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM
Saigon, 11/2017

Nguồn oneway.vn

Người gieo giống

Người gieo giống

Vào năm 1921, một cặp vợ chồng giáo sỹ tên là David và Svea Flood cùng với đứa con trai hai tuổi của họ đi từ Thuỵ Điển đến một vùng đất nằm giữa Châu Phi, lúc đấy còn gọi là Congo thuộc Bỉ. Ở đó, họ gặp một cặp vợ chồng khác từ Bắc Âu tên là Erickson, và nhóm bốn người của họ tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Chúa Trời. Với sự khiêm nhường, kính Chúa và tấm lòng tận hiến, họ cảm thấy Chúa kêu gọi họ rời bỏ Trạm truyền giáo trung tâm để đưa Tin Lành đến một mảnh đất xa xôi.


Đây là một bước đi vĩ đại trong đức tin. Ở vùng quê có tên là N’dolera, họ bị người trưởng bản cự tuyệt, vì ông sợ rằng nếu để cho những người này vào thì những thần thánh địa phương sẽ bị gạt ra một bên. Hai cặp vợ chồng quyết định đi gần 1km lên sườn núi và xây những căn nhà nhỏ bằng bùn.


Họ cầu nguyện cho một bước ngoặt thuộc linh, nhưng điều đó không xảy ra. Người duy nhất từ cái làng đó tiếp xúc với họ là một cậu bé, người được phép bán gà và trứng cho họ hai lần một tuần. Svea Flood, một người phụ nữ nhỏ bé, chỉ cao có hơn 1,4 mét, quyết định là nếu đây là người địa phương duy nhất mà cô được nói chuyện cùng thì cô sẽ thử đưa người này đến với Chúa Giê-xu. Và cô đã thành công.
Nhưng chẳng có sự khích lệ nào khác. Trong khi đó, bệnh sốt rét lần lượt lây nhiễm cho từng người trong đội truyền giáo nhỏ này. Cuối cùng, gia đình Erickson không chịu được nữa, họ quay trở lại Trạm truyền giáo trung tâm. Chỉ còn David và Svea Flood là ở lại gần làng N’dolera.
Rồi Svea có bầu trong một bối cảnh khó khăn như vậy. Khi cô sinh con, người trưởng bản mềm lòng một chút và cho phép một nữ hộ sinh đến để giúp cô. Một bé gái đã ra đời và bố mẹ em đặt tên cho em là Aina.


Ca sinh nở đã vắt kiệt sức của Svea Flood, vốn đã yếu sau các cơn sốt rét. Thêm cú bồi của ca sinh này nữa, cô chỉ trụ thêm được 17 ngày.
Một cái gì đó vỡ vụn trong lòng David Flood vào thời điểm đó. Anh đào huyệt, chôn cất người vợ 27 tuổi của mình, rồi đưa những đứa trẻ xuống núi trở về Trạm truyền giáo. Đưa bé gái mới sinh cho gia đình Erickson, anh thở dài: “Tôi sẽ quay trở về Thuỵ Điển. Tôi đã mất người vợ, và tôi không thể chăm sóc được bé gái này. Đức Chúa Trời đã phá huỷ cuộc sống của tôi.” Sau đó, anh đi về phía cảng, từ bỏ không chỉ sự kêu gọi của chính mình, nhưng cả Đức Chúa Trời nữa.


Tám tháng sau, cả hai vợ chồng Erickson đều bị nhiễm một căn bệnh bí hiểm, và qua đời sau nhau vài ngày. Họ trao bé gái cho các giáo sỹ người Mỹ, những người gọi tên của bé theo cách của người Mỹ là “Aggie”. Khi bé được ba tuổi, họ đưa bé về Mỹ.
Gia đình mới rất yêu bé gái này, và họ e ngại rằng nếu họ cố quay trở lại Châu Phi thì một trở ngại pháp lý nào đó sẽ không cho phép họ tiếp tục nuôi dưỡng bé nữa. Vì vậy, họ quyết định ở lại Mỹ và tham gia trong mục vụ mục sư thay cho việc đi truyền giáo ở phương xa. Và như thế, bé gái lớn lên ở bang Nam Dakota (South Dakota). Khi trưởng thành, cô gái học ở trường Kinh Thánh North Central Bible College. Rồi cô gặp và lập gia đình với một chàng trai trẻ tên là Dewey Hurst.


Tháng năm trôi qua. Gia đình Aggie và Dewey Hurst gặt hái được nhiều kết quả trong mục vụ. Aggie sinh con gái đầu lòng, sau đó là một cậu con trai. Rồi người chồng của cô nhậm chức Chủ tịch một trường đại học Cơ đốc ở vùng Seattle, còn cô thì luôn quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về nguồn gốc Bắc Âu của mình.


Một ngày, một tạp chí tôn giáo Thuỵ Điển lạc vào hòm thư của cô. Cô không biết ai gửi, và chẳng đọc được một từ nào trong đó. Nhưng khi cô lật giở những trang tạp chí, đột nhiên một bức ảnh khiến cô chú ý. Trong một khung cảnh hoang sơ có một ngôi mộ với một cây thánh giá màu trắng, trên đó có ghi dòng chứ SVEA FLOOD.


Aggie lên xe và lái tới trường đại học để gặp một giảng viên, người mà cô biết có thể dịch bài viết này. “Bài viết nói về điều gì vậy?” – cô hỏi.
Người giảng viên tóm tắt: Câu chuyện kể về những người giáo sỹ đến vùng N’dolera rất lâu về trước…một đứa bé da trắng được sinh ra…người mẹ qua đời…cậu bé Châu Phi được biết đến Chúa Cứu Thế…rồi sau đó, khi tất cả những người da trắng đã dời đi, cậu bé lớn lên và thuyết phục người trưởng bản cho phép cậu xây một ngôi trường trong làng. Bài viết nói rằng dần dần người thanh niên ấy đã đưa tất cả các học trò của mình đến với Chúa Cứu Thế…rồi các em lại đưa bố mẹ của mình đến với Chúa Cứu Thế…và cả người trưởng bản cuối cùng cũng trở thành người tin Chúa.

Ngày nay có 600 người tin Chúa ở ngôi làng đó… Tất cả bắt đầu từ sự hy sinh của David và Svea Flood.
Vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày cưới, trường Đại học tặng một món quà cho Aggie và Dewey Hurst: một kỳ nghỉ ở Thuỵ Điển. Ở đó, Aggie tìm gặp người cha ruột của mình. Lúc đó ông đã già. David Flood đã đi bước nữa, có 4 người con với người vợ thứ 2, và chìm đắm trong cơn nghiện rượu. Gần đây, ông bị đột quỵ. Vẫn còn cay đắng, ông thiết lập một quy tắc trong gia đình: “Không bao giờ nhắc đến Đức Chúa Trời, vì Ngài đã lấy đi tất cả những gì tôi yêu quý.”

Sau cuộc gặp cảm động với các em cùng cha khác mẹ, Aggie nói với họ là mình muốn gặp bố. Họ do dự: “Chị có thể nói chuyện với bố, mặc dù ông ấy bây giờ rất yếu. Nhưng chị cần biết là mỗi khi ông ấy nghe danh của Đức Chúa Trời, ông ấy lại nổi khùng lên.”
Aggie không chùn bước. Cô bước vào căn hộ bẩn thỉu, đầy những chai rượu rỗng, đến gần ông cụ 73 tuổi đang nằm trên một cái giường ọp ẹp.

“Bố à” – cô nói nhỏ.
Ông quay lại và bắt đầu khóc. “Aina,” – ông nói – “Bố chẳng bao giờ muốn cho con đi.”
“Mọi việc đều ổn bố à,” cô trả lời, ôm ông một cách nhẹ nhàng. “Đức Chúa Trời đã chăm sóc con.”

Ông cụ đột ngột trở nên lạnh lùng. Nước mắt không tuôn rơi nữa.
“Đức Chúa Trời đã quên tất cả chúng ta rồi. Cuộc sống của chúng ta trở nên tồi tệ như thế này là bởi Ngài.” Ông quay mặt vào tường. Aggie khẽ vuốt mặt bố, vẫn tiếp tục, không nản lòng.

“Bố à, con có một câu chuyện ngắn muốn kể với bố, và nó là câu chuyện thật. Bố không đến Châu Phi một cách vô ích. Mẹ không chết một cách vô ích. Cậu bé mà bố mẹ đưa đến với Chúa đã trưởng thành và đã đưa cả làng đó đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hạt giống nhỏ mà bố mẹ trồng đã lớn và tiếp tục lớn. Bây giờ có 600 người Châu Phi đang phục vụ Chúa ở đó, bởi vì bố mẹ đã trung tín với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của bố mẹ…

“Bố à, Chúa Giê-xu yêu bố. Ngài không bao giờ căm ghét bố.”
Ông cụ ngoảnh mặt lại nhìn vào mắt con gái. Cơ thể của ông dần thoải mái. Ông bắt đầu nói chuyện. Và cuối buổi trưa hôm đó, ông quay trở lại với Đức Chúa Trời, là Đấng mà ông cảm thấy cay đắng suốt nhiều thập kỷ. Vài ngày sau đó, bố và con gái có nhiều thời gian ấm áp với nhau. Aggie và chồng sau đó phải quay trở về Mỹ, và vài tuần sau, David Flood đi về cõi vĩnh hằng.

Vài năm sau, Aggie và Dewey Hurst tham gia một hội nghị truyền giáo lớn ở thủ đô London của nước Anh, trong đó có một báo cáo từ đất nước Zaire (trước là Congo thuộc Bỉ). Người Tổng hội trưởng của Hội thánh ở đất nước đó với khoảng 110.000 tín đồ chia sẻ một cách trôi chảy về sự lan toả của Tin Lành trên đất nước ông. Aggie không thể không hỏi ông sau đó liệu ông có nghe về David và Svea Flood không.
“Có, thưa quý bà”, người đàn ông trả lời bằng tiếng Pháp, được dịch sang tiếng Anh. “Chính Svea Flood là người đưa tôi đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Tôi chính là cậu bé mang thực phẩm đến đến cho bố mẹ cô trước khi cô ra đời. Thực ra, mộ của mẹ cô và những kỷ niệm về bà đều được tất cả chúng tôi quý trọng.” Rồi ông ôm cô bằng một cái ôm dài và cảm động. Ông nói tiếp: “Cô cần phải đến Châu Phi để nhìn tận mắt, vì mẹ cô là người nổi tiếng nhất trong lịch sử của chúng tôi.”

Đấy chính là điều mà Aggie Hurst và chồng cô đã làm. Họ được đám đông dân làng chào đón nồng nhiệt. Cô còn gặp người đàn ông mà bố cô thuê để đưa cô từ trên núi xuống trong cái nôi khiêm cái võng nhiều năm trước.

Giây phút hồi hộp nhất đó là khi người mục sư dẫn Aggie đi thăm mộ của mẹ với cây thánh giá màu trắng. Chỗ đấy cô đã quỳ xuống và dâng lên Chúa lời tạ ơn. Ngày hôm đó, ở Hội thánh, người mục sư đọc câu Kinh Thánh Giăng 12:24: “Thật vậy, Ta bảo các con: Hạt giống lúa mì gieo xuống đất không chết đi thì hạt giống vẫn hoàn hạt giống, còn nếu chết đi thì mới kết quả thêm nhiều!”, và đọc tiếp Thi Thiên 126:5: “Những người gieo giống trong nước mắt, Sẽ gặt hái trong hân hoan.”

(Trích dẫn từ sách Aggie: Câu chuyện cảm động về một cô bé không có tổ quốc, tác giả Aggie Hurst, Nhà Xuất bản: Gospel Publishing House, Springfield, Missouri)
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh.