Trại Hè Thông Công 2022

Xin quý vị vào đường link để ghi danh các con cái Chúa tham dự Trại hè. Đây là dịp để chúng ta

  1. Trao dồi đời sống thuộc linh
  2. Gặp gỡ giao lưu thông công với các HT bạn
  3. Gỉai trí nghĩ ngơi cho gia đình
  4. Giá biểu xin xem dưới đây:
  5. Lưu ý: GHI DANH TRƯỚC 1/5 ĐƯỢC GIẢM TRẠI PHÍ VÀ FREE ÁO THUN

Điền trực tiếp tên chủ gia đình trong phần dưới đây, xin ghi rõ số người lớn ( 12t trở lên ) & trẻ em ( từ 11t trở xuống)

Please fill out head of family full name, and provide details of how many adults (>12 years old ) and children ( 11 years old and younger)

https://docs.google.com/spreadsheets/d/1MH-UvH9gkXQdRuSoDmJnhjihyQexw3yoa_a7vGmMMh0/edit?usp=sharing
Chuẩn bị cho Lễ Thương Khó và Phục Sinh

Chuẩn bị cho Lễ Thương Khó và Phục Sinh

Ban trang trí, ban phụ nữ, ban thanh niên, ban âm nhạc, và ban tổ chức chuẩn bị cho mùa lễ thương khó và phục sinh tại hội thánh tin lành lời chúa. Các lễ tổ chức tại cơ sở nhà thờ tin lành lời chúa. Xin quý vixem va cam on!

Thứ Hai Tuần Lễ Thánh

Thứ Hai Tuần Lễ Thánh

“Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm” (I Giăng 2:6).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu mong đợi và nhận được điều gì nơi cây vả? Hậu quả của cây vả có lá mà không có trái là gì? Bài học nhắc nhở điều gì cho đời sống con dân Chúa?
     Sáng thứ Hai của Tuần Lễ Thánh, Chúa Giê-xu từ làng Bê-tha-ni trở lại Giê-ru-sa-lem “thì Ngài đói.” Ngài thấy một cây vả từ đằng xa nhưng khi lại gần, chỉ thấy có lá mà thôi. Chúa Giê-xu phán: “Chẳng hề có ai ăn trái của mày nữa!” (câu 14). Sáng hôm sau, khi Chúa và môn đệ trở lại thì “thấy cây vả đã khô cho tới rễ” (câu 20). Chẳng lẽ vì “đói” mà Chúa Giê-xu đã quở cây vả trong khi bấy giờ “không phải mùa vả”? Thật ra, Chúa chưa bao giờ làm phép lạ để đáp ứng nhu cầu thể xác của mình. Ngài đã từ chối hóa đá thành bánh sau khi kiêng ăn 40 ngày (Ma-thi-ơ 4:2-4), dù sau đó Ngài hóa bánh cho 5,000 người ăn. Bên giếng nước tại Sa-ma-ri, Chúa cho biết Ngài không để nhu cầu thể xác chi phối vì “đồ ăn của Ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai Ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:34).
     Khác với Sứ đồ Ma-thi-ơ (Ma-thi-ơ 21:18-22), ở đây ông Mác đặt câu chuyện Chúa Giê-xu dẹp sạch đền thờ xen giữa câu chuyện cây vả để chứng tỏ cây vả chính là hình ảnh của đền thờ, là hình ảnh của đời sống thờ phượng của người Do Thái. Cho dù “bấy giờ không phải mùa vả,” nhưng vào khoảng tháng 3 hay tháng 4 vẫn có những cây vả cho ra những trái vả xanh có thể ăn được (Ê-sai 28:4; Ô-sê 9:10; Mi-chê 7:1). Trong trường hợp này, trái vả non sẽ ra trước khi cây vả ra lá, nghĩa là nếu cây vả có lá thì phải có trái vả non đầu mùa, còn nếu cây vả không có trái thì cũng không có lá, nhưng khi cây vả có lá mà không có trái thì đó là một cây vả hư, không kết quả. Cây vả bị rủa khô héo không phải vì không có trái, mà vì có lá mà lại không có trái. Một cây vả cho dù lá có xanh tươi đến đâu, nhưng không thể sinh trái thì thực chất đó là cây vả chết!
     Là một cây vả thì PHẢI kết quả, nếu không thì vô dụng và phải bỏ đi. Cũng vậy, đã là con dân Chúa thì PHẢI kết quả thuộc linh, PHẢI giống Chúa và vâng phục Chúa. Một đời sống được tái sinh chắc chắn phải kết quả. Nếu không được thay đổi, không trở nên giống Chúa, không sinh ra những việc lành thì đó không phải là một đời sống được tái sinh (Ê-phê-sô 2:8-10). Hình thức tôn giáo bề ngoài không thể thay thế cho đời sống thuộc linh kết quả. Sự thờ phượng thể hiện bên ngoài phải xuất phát từ tấm lòng được thay đổi bên trong. Những sinh hoạt tôn giáo không có gì sai, nhưng nếu không cẩn thận nó có thể đem đến những ảo tưởng thuộc linh, như cây vả chỉ có lá, có thể đánh lừa người khác và đánh lừa chính mình.
     Nếu giờ này Chúa Giê-xu đến, Ngài sẽ nhìn thấy và nhận lấy điều gì nơi đời sống bạn?
Lạy Chúa, xin giúp cho con kinh nghiệm công tác của Đức Thánh Linh trong đời sống để con mỗi ngày giống Chúa và sinh ra những bông trái thuộc linh ngày càng hơn.

Vietnam Ministries, Inc.
Văn Phẩm Nguồn Sống1100 N. Paradise St.Anaheim, CA 92806
Điện thoại: (714) 758-8767Fax: (714) 535-3943E-mail: info@vpns.orgTrang mạng: https://www.vpns.org

Kid Video – Quyển Sách Thần Kỳ

Thánh ca thập tự xưa – the old rugged cross

Thánh Ca: Thập Tự Xưa – The Old Rugged Cross

Lời Ban Biên Tập:
Thập Tự XưaThe Old Rugged Cross là một trong những thánh ca được rất nhiều người yêu thích. Chỉ 25 năm sau lần phát hành đầu tiên, hơn 20 triệu ấn bản của bài thánh ca đã được bán hết. Đây là kỷ lục về số bán thuộc bất kỳ thể loại âm nhạc nào cho đến lúc đó. Sau khi được phát hành, trong nhiều thập niên liên tiếp The Old Rugged Cross đứng đầu danh sách những thánh ca được yêu thích nhất. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm The Old Rugged Cross được sáng tác (1913-2013), Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc vài nét về tiểu sử của thánh ca này.

 GeorgeBennardMục sư George Bernnard (1873-1958)

Tác Giả

Tác giả của thánh ca The Old Rugged Cross là Mục sư George Bennard (1873-1958).   Ông sáng tác cả nhạc lẫn lời của bài thánh ca này.

Mục sư George Bennard sinh ngày 4/2/1873 tại Youngstown, một thị trấn nhỏ có nhiều mỏ than và sắt tại Ohio.  Cha mẹ của Mục sư George Bennard là ông bà George và Margaret Russell Bennard, là dòng dõi của những di dân từ Scotland.  Lúc George Bennard còn nhỏ, cha mẹ ông dọn đến Albia, Iowa; và sau đó cả gia đình định cư tại Lucas, Iowa.

George Bennard là con trai duy nhất trong một gia đình có năm người con. Cha của George Bennard là một công nhân hầm mỏ.  Năm 1889, thân sinh của George Bennard bị tai nạn, qua đời; lúc đó George Bennard được 16 tuổi.

Không bao lâu sau khi cha qua đời, George Bennard tiếp nhận Chúa trong một buổi truyền giảng do Salvation Army tổ chức. George Bennard là người yêu mến Chúa; chàng thanh niên mong ước được làm mục sư, trở thành một nhà truyền giảng; tuy nhiên vì là người đàn ông duy nhất trong gia đình, George Bennard phải gác qua ý định đó, đi làm công nhân hầm mỏ một thời gian để giúp mẹ và các chị em.

Tám năm trôi qua, năm 1897, George Bennard  kinh nghiệm được Chúa biến cải. Khi đó các chị em trong gia đình đã lớn và cuộc sống gia đình tương đối ổn định; ước muốn được hầu việc Chúa trọn thời gian đã thúc đẩy George Bennard tham gia Salvation Army, một tổ chức truyền giáo Tin Lành hoạt động qua công tác thiện nguyện.    George Bennard bắt đầu hầu việc Chúa với Salvation Army tại Rock Island, Illinois. Năm 1898, ông được giao trách nhiệm phối trí tổ chức những buổi nhóm bồi linh tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ.  Trong thời gian cộng tác với Salvation Army, George Bennard đã gặp và yêu Willaminta.  Sau đó, cả hai thành hôn và tiếp tục hầu việc Chúa với Salvation Army.  Một thời gian sau, hai vợ chồng được thuyên chuyển về New York.

Năm 1910, George Bennard quyết định trở thành nhà truyền giảng thực thụ.  Ông bà từ chức với Salvation Army và tham gia hầu việc Chúa với Hội Thánh Tin Lành Giám Lý.  Là người yêu mến Chúa và quan tâm đến nếp sống thánh khiết, George Bennard đã được Hội Thánh Giám Lý cử làm mục sư đặc trách cho công tác truyền giảng bồi linh tại vùng Trung Tây Hoa Kỳ.   Gia đình Mục sư George Bennard đã chọn thị trấn Albion tại Michigan làm nơi định cư.

Tác Phẩm

Với trách nhiêm của một nhà truyền giảng lưu động, Mục sư George Bennard thường đến giảng tại nhiều hội thánh.  Vào đầu thế kỷ 20, những người theo khuynh hướng tự do tìm cách đả phá niềm tin Cơ Đốc.  Trước làn sóng tấn công từ bên ngoài, một số tín hữu thiếu hiểu biết Kinh Thánh dao động, Mục sư George Bennard tìm cách giúp các tín hữu hiểu rõ điều mình tin và giữ vững đức tin.

Vào thế kỷ thứ nhất, khi đối diện với những quan điểm sai lầm trong niềm tin Cơ Đốc, Sứ đồ Phao Lô đã viết: “Nguyện tôi không tự hào về điều gì ngoại trừ thập tự của Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta; nhờ đó đối với tôi, thế gian đã bị đóng đinh, và tôi đối với thế gian cũng vậy” Ga-la-ti 6:14. Noi gương Sứ đồ Phao Lô, Mục sư George Bennard đã dành thì giờ suy nghiệm chân lý cứu rỗi qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự cho chính mình. Từ kinh nghiệm cá nhân, Mục sư George Bennard chia sẻ niềm tin đó cho những người chưa biết Chúa và khích lệ những người đã tin Chúa.

Trong các bài giảng, Mục sư George Bennard thường trích dẫn câu Kinh Thánh Giăng 3:16 – “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Mục sư George Bennard cho biết mỗi lần suy gẫm câu Kinh Thánh Giăng 3:16, ông lại học được nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn – đặc biệt trong những lúc ông phải đối diện với khó khăn.  Mục sư George Bennard nói thêm mỗi lần đọc lại câu Kinh Thánh này, tâm trí ông thường hình dung một cây thập tự, không phải cây thập tự bằng vàng hay bạc, nhưng là một cây thập tự cũ kỹ thấm máu của Chiên Con Đức Chúa Trời.

Mùa thu năm 1912, tại Albion, Michigan, trong thời gian suy niệm về thập tự, Mục sư George Bennard được thúc giục sáng tác một thánh ca.  Mục sư George Bennard cho biết chỉ trong vài phút, giai điệu của bài hát được hoàn tất.  Tuy nhiên, về lời ca ông chỉ viết được vài dòng; trong đó câu “I’ll cherish the old rugged cross” cứ lập đi lập lại nhiều lần. Trong vài tuần kế tiếp, Mục sư George Bennard cố gắng viết và sửa lại phiên khúc đầu tiên của bài thánh ca.

Cuối năm 1912, Mục sư George Bennard được mời đến giảng cho Hội Đồng Bồi Linh tại Sawyer Friends Church ở Sturgeon Bay, Wisconsin, nơi Mục sư Frank McCann quản nhiệm. Hội đồng được tổ chức từ ngày 29/12/1912 đến ngày 12/1/1913.  Tại hội đồng này,  Mục sư George Bennard hoàn tất bản thảo đầu tiên của bài thánh ca The Old Rugged Cross. Đêm bế mạc hội đồng, Mục sư George Bennard cùng với Ed E. Mieras hát bài thánh ca này.  Đây là lần đầu tiên thánh ca The Old Rugged Cross được giới thiệu cho công chúng.  Mục sư George Bennard và Ed E. Mieras vừa hát vừa đệm đàn guitar; người phụ họa đàn phong cầm là Pearl Torstensen Berg. Theo tin tức của báo Door Co. Dem. phát hành ngày 17/1/1913 tại Sturgeon Bay, hội đồng kết thúc gần 12 giờ khuya.  Đêm hôm đó có 148 người tin nhận Chúa.

Trong những tháng kế tiếp Mục sư George Bennard tiếp tục sửa lại lời thánh ca.  Cuối tháng 5/1913, Mục sư George Bennard được Mục sư Leroy O. Bostwick mời tham dự chương trình truyền giảng kéo dài hai tuần tại Pokagon, một thị trấn nhỏ thuộc miền tây nam của tiểu bang Michigan.

Trong những ngày tham dự hội đồng, Mục sư George Bennard đã tạm trú tại nhà ông bà Mục sư Leroy O. Bostwick.  Như các diễn giả cho hội đồng, Mục sư George Bennard thường dành thì giờ cầu nguyện. Sau một lần tĩnh nguyện, ý tưởng về bài thánh ca lại tuôn tràn.  Mục sư George Bennard vội vàng ghi lại cả bốn phiên khúc và điệp khúc của bài thánh ca. Bản hiệu đính của thánh ca The Old Rugged Cross được hoàn tất tại nhà của Mục sư Leroy O. Bostwick.

Ngày 7/6/1913,  lời thánh ca hiệu đính của The Old Rugged Cross được trình bày tại First Methodist Episcopal Church ở Pokagon, là hội thánh do Mục sư Leroy O. Bostwick quản nhiệm. Năm người hát thánh ca tại hội đồng là Frank Virgil, Oliver Mars, Clara Virgil, William Thaldorf  và Florence Jonen. Trong lần công diễn này, Mục sư George Bennard mời hội chúng ghi lại lời thánh ca và sau đó cùng hát với những người hướng dẫn.  Bài thánh ca The Old Rugged Cross được những người tham dự hội đồng hoan nghênh. Vợ của Mục sư Leroy O. Bostwick đã xin phép cho bà được vinh dự góp phần trả tiền làm bản kẽm để in thánh ca.

PokagonUMC_1913Nhà thờ của Hội Thánh Tin Lành Giám Lý Pokagon, Michigan
(Photo credit: http://www.the-oldruggedcross.org)

Mặc dầu được nhiều người hoan nghênh, Mục sư George Bennard vẫn không thỏa lòng với lời thánh ca mà ông đã viết.  Sau hội đồng tại Pokagon, Mục sư George Bennard tiếp tục đến truyền giảng tại một số hội thánh thuộc tiểu bang New York.  Tạ ơn Chúa! Các chương trình truyền giảng này có nhiều người tiếp nhận Chúa.  Mục sư George Bennard chứng kiến nhiều tấm lòng tan vỡ khi cảm nhận được tình yêu thể hiện qua sự hy sinh của Đức Chúa Jesus trên thập tự.

Trở về lại Albion, Michigan, vẫn còn xúc động với những kinh nghiệm phước hạnh từ những hội đồng tại New York,  một lần nữa Mục sư George Bennard viết lại phiên khúc của bài thánh ca.  Những lời hát mà ông đã trăn trở mấy tháng nay sửa vẫn chưa xong, giờ đây tuôn chảy thật dễ dàng.  Mục sư George Bennard cho biết ông viết lại lời thánh ca thật nhanh và chỉ sửa có một chữ.  Mục sư George Bennard đã hoàn tất lời thánh ca The Old Rugged Cross như chúng ta có ngày hôm nay.

Sau khi viết xong cả nhạc và lời, Mục sư George Bennard gởi bài thánh ca đến cho Charles H. Gabriel, một nhà biên soạn thánh ca nổi tiếng tại Chicago, để nhờ Charles H. Gabriel soạn hòa âm.  Charles H. Gabriel viết hòa âm cho The Old Rugged Cross rồi gởi bản nhạc lại cho Mục sư George Bennard với dòng chữ “You will hear from this song.”

Mặc dầu The Old Rugged Cross được nhiều người yêu thích, trong vài năm đầu thánh ca chỉ phổ biến giới hạn tại một số hội thánh thuộc vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Bài thánh ca được phổ biến rộng rãi sau kỳ hội đồng tại Chicago Evangelistic Institute. Đại biểu từ nhiều tiểu bang đến tham dự hội đồng tại Chicago Evangelistic Institute sau khi nghe bài thánh ca đã giới thiệu The Old Rugged Cross đến các hội thánh ở xa. Một thời gian sau, Homer Rodeheaver, người đặc trách âm nhạc cho nhà truyền giảng Billy Sunday, đã mua lại quyền phát hành bài thánh ca The Old Rugged Cross với giá $500. Qua hệ thống phát thanh của nhà truyền giảng Billy Sunday, thánh ca The Old Rugged Cross được loan truyền khắp Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.

Sau khi sáng tác The Old Rugged Cross, Mục sư George Bennard tiếp tục hầu việc Chúa thêm 45 năm nữa với Hội Thánh Tin Lành Giám Lý.  Trong thời gian này, ông đã sáng tác hơn 350 bài thánh ca nhưng không thánh ca nào để lại ảnh hưởng sâu đậm như The Old Rugged Cross, là thánh ca mà Mục sư George Bennard nói ông chỉ ghi lại những gì Chúa muốn ông viết.

Mục sư George Bennard về với Chúa vào ngày 10/10/1958 tại Reed City, Michigan. Thi hài ông được an táng tại nghĩa trang Inglewood Park Cemetery, Inglewood, California.  Sau khi Mục sư George Bennard về với Chúa, những địa phương nơi ông đã sinh sống hay hầu việc Chúa như Albion, Pokagon, và Reed City, đã thành lập những bảo tàng để lưu giữ những tài liệu liên hệ đến Mục sư George Bennard và nguồn gốc của bài thánh ca The Old Rugged Cross.

Năm 1959, khi biết tin quê hương của Mục sư George Bennard dự định thành lập bảo tàng tưởng niệm, Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower đã viết: “Dự án thành lập nơi tưởng niệm Mục sư George Bennard, tác giả của thánh ca The Old Rugged Cross, và là công dân của quý thị trấn là điều rất tốt. Bài thánh ca này mang số 296 trong Thánh Ca của Lục Quân và Hải Quân.  Tôi biết bài thánh ca đã được hát, rất được yêu thích và đã làm mạnh mẽ đức tin của nhiều người.” Mục sư Normal Vincent Peale, một nhà văn và là nhà tư tưởng có nhiều ảnh hưởng, cho biết: “Thánh ca The Old Rugged Cross của Mục sư George Bennard là một trong những thánh ca tuyệt vời nhất đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống tâm linh của tôi.” Mục sư Tiến sĩ Billy Graham nhận định về Mục sư George Bennard như sau: “Chỉ có cõi đời đời mới tiết lộ đầy đủ cống hiến vĩ đại mà Mục sư George Bennard đã làm cho vương quốc của Đức Chúa Trời qua việc cống hiến những tài năng của ông, và đặc biệt qua bài thánh ca The Old Rugged Cross.”

Nguyên Văn

The Old Rugged Cross

1. On a hill far away
Stood an old rugged cross,
The emblem of suffering and shame;
And I love that old cross
Where the dearest and best
For a world of lost sinners was slain.

2. Oh, that old rugged cross,
So despised by the world,
Has a wondrous attraction for me;
For the dear Lamb of God
Left His glory above
To bear it to dark Calvary.

3. In that old rugged cross,
Stained with blood so divine,
A wondrous beauty I see,
For ’twas on that old cross
Jesus suffered and died,
To pardon and sanctify me.

4. To the old rugged cross
I will ever be true;
Its shame and reproach gladly bear;
Then He’ll call me someday
To my home far away,
Where His glory forever I’ll share.

Refrain:
So I’ll cherish the old rugged cross,
Till my trophies at last I lay down;
I will cling to the old rugged cross,
And exchange it someday for a crown.

(Source: United Methodist Hymnal – #504)

Ý Nghĩa

Ý nghĩa của lời thánh ca The Old Rugged Cross trong tiếng Anh được tạm dịch sang tiếng Việt như sau:

  1. Trên ngọn đồi xa xa, có một cây thập tự cũ kỹ đứng sừng sững
    Là biểu tượng cho sầu khổ và sỉ nhục.
    Tôi yêu cây thập tự xưa cũ ấy
    Nơi Người Yêu Dấu và Cao Quý nhất đã vì thế nhân tội lỗi hy sinh.

  2. Cây thập tự xưa ấy bị thế giới kinh tởm
    Nhưng đối với tôi có một sự thu hút diệu kỳ.
    Vì Chiên Con yêu quý của Đức Chúa Trời đã lìa nơi vinh quang cao cả
    Gánh vác thập tự đó đến đồi Gô-gô-tha.

  3. Đối với tôi, dòng huyết vương trên thập tự ấy thật đáng tôn kính
    Bởi vì trên thập tự đó, Đức Chúa Giê-xu đã chịu thống khổ và hy sinh
    Nhờ đó mà tôi được tha thứ và thánh hóa.

  4. Tôi sẽ luôn luôn trung thành với thập tự ấy
    Vui vẻ chấp nhận sỉ nhục và khinh miệt.
    Rồi sẽ có một ngày, Ngài gọi tôi về căn nhà của tôi ở thật xa
    Là nơi tôi sẽ chia sẻ vinh quang đời đời của Ngài.

Điệp Khúc:
Tôi yêu quý thập tự xưa,
Nơi tôi trao tất cả những vinh quang của mình.
Tôi sẽ gắn bó với cây thập tự cũ ấy;
Và sẽ có ngày, tôi đổi thập tự đó để nhận mão miện hiển vinh.

Lời Việt

Bài The Old Rugged Cross được dịch sang tiếng Việt với tựa đề Thập Tự Xưa. Dịch giả Việt ngữ của bài thánh ca này là Mục sư Tiến sĩ Lê Vĩnh Thạch – Giáo Hạt Trưởng của Giáo Hạt Tin Lành Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện nay.

Mục sư Lê Vĩnh Thạch đã dịch bài Thập Tự Xưa khi còn trẻ. Trong thời gian đầu, bài hát được phổ biến tại một số hội thánh, trong giới học sinh sinh viên Tin Lành tại Sài Gòn, và sinh viên thần học tại Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang. Sau đó, Thập Tự Xưa được xuất bản trong tuyển tập Ca Khúc Muôn Đời phát hành vào đầu thập niên 1970.  Lời Việt của The Old Rugged Cross như sau.

Thập Tự Xưa

1. Thập Tự xưa sừng sững cao,
Dựng tận trên sườn núi xa,
Như tiêu biểu cho muôn sầu khổ sỉ nhục.
Lòng tôi yêu thập giá xưa,
Nơi Vua vinh diệu chí cao,
Thay nhân thế hư hoại chết cách đau thương.

2. Thập tự xưa hình xấu xa,
Toàn trần gian đều mỉa mai,
Nhưng thu hút tôi bằng tình yêu âm thầm.
Vì Chiên Con từ Chúa Cha,
Rời trời cao đầy hiển vinh,
Mang gian ác đau buồn ở Gô-gô-tha.

3. Thập tự xa lạ thuở xưa,
Chìm ngập trong giòng huyết thiêng,
Nhưng tôi thấy vẻ đẹp tuyệt đối cao trọng.
Vì tại trên thập giá xưa,
Jê-sus yên lặng khổ đau,
Ðem tha thứ nguyên lành đến cho chính tôi.

4. Từ nay trung thành mãi luôn,
Phục tại chân thập giá xưa,
Vui mang hết bao điều nhục nhã khinh bạc.
Ngày tương lai bừng sáng tươi,
Jêsus kêu gọi chính tôi,
Hân hoan sống trong nguồn ánh sáng vinh quang.

Điệp Khúc:
Lòng tôi say mê bóng dáng thập tự xưa.
Vui lòng đầu phục, tận hiến cả cuộc đời.
Lòng ôm ấp mối quyến luyến với thập tự.
Sẽ biến nên mão vinh diệu cho chính tôi.

(Trích Ca Khúc Muôn Đời)

Thánh ca Thập Tự Xưa nhanh chóng được các tín hữu Tin Lành Việt Nam đón nhận.  Lời thánh ca súc tích, trang trọng, chứa đựng tình cảm sâu lắng. Từ ngữ dùng trong Thập Tự Xưa chọn lọc, âm vận hài hòa; văn mạch giản dị, tự nhiên, chuyển tải đầy đủ ý nghĩa, nội dung, tình cảm cùng quan điểm thần học trong nguyên tác. Thánh ca Thập Tự Xưa được đánh giá là một trong những bản dịch thánh ca hay nhất trong tiếng Việt từ trước cho tới nay.

Đã hơn 40 năm từ khi bài thánh ca Thập Tự Xưa được phát hành trong tiếng Việt. Như tại nhiều nơi trên thế giới, bài hát đã mang lại những ảnh hưởng tích cực trên cuộc sống của nhiều người. Nếu bạn chưa bao giờ nghe Thập Tự Xưa, mời bạn lắng nghe và cùng hát thánh ca này. Hy vọng, như hàng tỷ người trên thế giới trong suốt 100 năm qua, bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp cao trọng, tình cảm sâu đậm, và ân điển diệu kỳ mà Cứu Chúa dành cho bạn.

Châu Thanh

Bài viết cho
Thư Viện Tin Lành
Tháng 3/2013

 

 

Tựa đề: Thập Tự Xưa – The Old Rugged Cross
Nguyên tác: George Bernnard (1873-1958)
Lời Việt: Mục sư Lê Vĩnh Thạch

Thư Viện Tin Lành (2013)
www.thuvientinlanh.org

Xin chuyển tiếp nếu bạn thích.

Content retrieved from: https://www.thuvientinlanh.org/tstc_thaptuxua/.