Month: January 2022
Trang Trí Cho Tết Nhâm Dần 2022
Hình Ảnh Giáng Sinh Chúa Nhật & Trao Đổi Quà 2021
40 Ngày Cầu Nguyện (Tuần 1-6)
Xuân Nhâm Dần 2022
Sống Hòa Thuận
KẺ BẮT BỚ PHÚC ÂM BỊ CHÚA BẮT PHỤC
Những ai đã gặp ông Võ Sỹ Bình, thật khó tin ông từng cực kỳ lý trí và vô tín. Càng khó tin hơn khi biết trước đây, mỗi khi có dịp làm việc với các Mục sư, ông khuyên họ: “Hãy đi kiếm việc gì khác mà làm!”
Tôi gặp ông Bình lần đầu tại nhà ông ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh qua lời giới thiệu của một người bạn. Ngôi nhà cấp 4 sạch sẽ, bài trí đơn giản, chủ yếu là không gian dành cho sinh hoạt hàng tuần của Hội Thánh.
“Cứ gọi chú cho thân mật” – ông nói, rồi cười hiền lành, thân thiện.
Mời tôi ly cà phê, ông trò chuyện tự nhiên, thân tình. Thi thoảng ông dừng lại, đôi mắt đỏ hoe, những giọt nước mắt của lòng biết ơn, khi nhớ lại những năm tháng lầm lạc của đời mình.
“Mình không muốn thì ai bắt?”
Ông Võ Sỹ Bình sinh tại Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 10 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ, và được người lớn đưa vào học chữ ở trường Tin Lành – Đà Nẵng. Ông hồi tưởng.
“Mỗi ngày tôi được khuyến khích học thuộc lòng 1 câu Kinh Thánh và 1 bài hát đơn giản và nhận được phần thưởng là 1 ổ bánh mì! Vì thế, ngày nào tôi cũng cố gắng học để có bánh ăn!” Ông nhớ lại, và cho biết thêm tuy được ăn, được học ở trường Tin Lành, nhưng ông “không phải người Tin Lành”.
Học được 4 năm, ông nghỉ, lao ra đời làm đủ thứ nghề để kiếm sống như: phụ xe, làm bánh, thậm chí có lúc phải vào chùa ăn nhờ ở đậu. Rồi ông nhận biết chỉ có đi học mới có thể giúp ông thay đổi số phận, thay đổi tương lai mình. Vì thế, ông bắt đầu cố gắng học.
Trong thời gian học tại trường công lập Hòa Vang, Đà Nẵng, ông tham gia phong trào học sinh – sinh viên và bắt đầu hoạt động cách mạng. Sau kháng chiến, ông được phân công công việc với nhiều cấp bậc, chức vụ; từ xã, huyện cho đến vị trí cao ở Trung ương.
“Tính ra tổng cộng gần 37 năm tôi làm việc tại các cơ quan Nhà nước” Ông kể.
Ông tiếp tục kể tôi nghe những câu ông thích lặp đi lặp lại suốt những năm còn tại chức: “Các ông không có việc chi làm hay sao mà đi làm Mục sư?” Ông hỏi các tôi tớ Chúa, và họ đáp:
“Vì Chúa kêu gọi chúng tôi làm”.
Ông ngạc nhiên: “Mấy ông nói nghe lạ! Mình không muốn thì ai bắt được mình?”
Có lần ông còn cướp lời các Mục sư đang cầu nguyện, mục đích mỉa mai, cười cợt: “Mấy ông suốt ngày cứ cảm ơn Chúa, trong khi tôi mới là người trả tiền cho bữa ăn!”
PHÉP LẠ & CƠ HỘI
Ông có người con gái ‘rượu’ sinh năm 1983, nhưng khoảng năm 2000 cô ấy bị đau mắt, rồi dần dà không nhìn thấy gì nữa, mặc cho ông chữa chạy từ Bắc chí Nam. Những năm ấy ông làm việc ở Đà Nẵng, các vị Mục sư thuộc hàng giáo phẩm lúc bấy giờ hay biết, mở lời xin được cầu nguyện cho con gái ông, nhưng ông vẫn vô tín, cứng lòng.
“Tôi không bao giờ tin vào thần thánh, phép màu” – Ông khẳng định. Nhưng các Mục sư vẫn tiếp tục bền bỉ, đề nghị cầu thay cho con ông tại Nhà thờ. “Các ông muốn làm gì thì làm.” – buồn bã, chán nản, tuyệt vọng! Ông đáp.
Nhưng rồi con gái dần khỏi bệnh, đôi mắt cô bắt đầu hồi phục và sáng trở lại. Ông xúc động: “Tôi mừng lắm! Nó là đứa con duy nhất. Nếu không có phép màu, không được sự thương xót, can thiệp của Chúa, chắc chắn nó sẽ mù lòa vĩnh viễn, vì các Bác sĩ đã bó tay”.
Nhưng rồi ông vẫn không tin vào ai khác ngoài bản thân, đúng ra ông chỉ tin vào chủ nghĩa nhân bản, vô thần, cho rằng con người làm được mọi việc bằng sức lực và khả năng mình, bàn tay ta làm nên tất cả.
Một lần khác, khi con gái kể với ông rằng cô nằm mơ thấy mình đậu 2 trường đại học, ông lắc đầu: “Đó là việc ngoài sức con”.
Ông biết thực lực con mình, rằng con ông lúc đó vẫn đang đau mắt, học hành dang dở. “Chuyện đó không thể xảy ra” – Ông nhớ lại và tiếp tục vô tín, tiếp tục thách thức Chúa:
“Nếu con gái con đậu đại học, con sẽ tin Chúa”.
Chúa thành tín, Đấng luôn làm những việc mà con người không thể tưởng tượng nổi. Một người đau mắt sắp sửa mù lại có thể đậu vào 2 trường Đại học Mỹ thuật. Điều này khiến ông bắt đầu nghĩ: “Ông Trời thực sự quyền năng”, dù vẫn không bằng lòng tin nhận Chúa.
Vậy rồi sau nhiều năm tháng hết vô tín lại tìm kiếm nơi nương tựa. Ông trải lòng, tiếc nuối:
“Chúa đem đến nhiều cơ hội để tôi nhận biết Ngài, nhưng tôi cứ mãi vô tâm. Đến khi bằng lòng tin nhận Chúa thì đã muộn màng vì thời gian không còn nhiều nữa.”
Chúa, Đấng luôn yêu thương, tha thứ!
Thật vậy, sau bao nhiêu bắt bớ, thách thức, vô tín, mỉa mai, nhưng Chúa vẫn yêu thương, tha thứ, theo đuổi cuộc đời ông cho tới khi ông thực sự ăn năn, quay đầu.
Vài năm sau được chuyển công tác vào TP.HCM, ông không ở nhà được cấp, mà tới ngụ tại một điểm nhóm tại Hóc Môn. Tại đây, ông mới thực sự mở lòng tin nhận Chúa. Ông thờ phượng Chúa, học Kinh Thánh và được tăng trưởng niềm tin.
Như sứ đồ Paul/Phao-lô ngày xưa, những chiếc “vảy cá” bắt đầu rớt khỏi mắt, ông khám phá ra nhiều điều mới lạ trong Kinh Thánh mà trước đây ông chưa từng biết. Ông dần hiểu ra điều mà các vị Mục sư trước đây từng nói: một khi đã gặp gỡ Chúa, thì “Dù không muốn cũng phải làm (nói về Chúa, về Tin Lành – NV)”.
Ông cảm ơn Chúa dù từng “rất không muốn”, nhưng Chúa vẫn nhân từ, chờ đợi ông tin nhận Ngài! Ông bước đi trong đức tin, trông cậy Chúa và bằng nhiều cách, nhiều lần, ông càng kinh nghiệm Chúa nhiều hơn.
Chúa kêu gọi ông học Kinh Thánh và hầu việc Ngài. Hiện, ông đang hầu việc Chúa tại Hội Thánh Thiên Ân, Củ Chi.
“Dù không muốn, Chúa vẫn kêu làm! Và một khi Chúa đã kêu thì không ai có thể từ chối được” – Ông khẳng định.
Chiều thứ Bảy hàng tuần, hơn 20 em nhỏ đến chơi, học tập tại điểm nhóm. Đây là cơ hội để ông chia sẻ về tình yêu Chúa cho bọn trẻ. “Cảm ơn Chúa, Ngài cũng dự bị các bạn thanh niên đến dạy vẽ, tiếng Anh mỗi tuần cho các em” – Ông tâm tình. Hơn ai hết, ông cảm thông được cảnh mồ côi, cơ cực “đói cơm không ai biết, lỡ lời không ai phân” – Ông nói. Nên ông luôn cưu mang chúng, ấp ủ tâm huyết mở một trung tâm dành cho trẻ em mồ côi.
Vậy rồi Trung tâm Thiên Ân ở Lộc Giang, Long An ra đời. “Nhờ lúc nhỏ được học ở trường Tin Lành mà cho tới tận giờ tôi vẫn còn thuộc nhiều câu Kinh Thánh” – Ông nhớ lại. Vì vậy, khi mở được trung tâm này, ông áp dụng ngay điều đó vào: dạy các em học Lời Chúa.
Dù đã giao lại cho người khác quản lý, ông cho biết hiện trung tâm có hơn 30 em được bảo bọc, trưởng dưỡng nơi đây. Rồi ông chỉ tay qua miếng đất cạnh nhà, đau đáu mong ước có thể mua được chỗ đất ấy để xây thêm 1 ngôi trường nữa, giúp thêm các em mồ côi, cơ nhỡ, khó khăn có cơ hội học tập, trưởng thành.
Tôi hỏi liệu ông có tiếc khi từ bỏ tất cả chức vụ, sự nghiệp cả đời theo đuổi? Ông cười, đáp cũng nhiều người hỏi vì sao một người “vô đạo” như tôi lại có thể tin nhận Chúa? Và, ông trả lời bằng câu chuyện dụ ngôn trong Kinh Thánh: Một người nọ tìm được đám ruộng có chứa kho báu liền vui mừng trở về bán hết gia tài mình mua đám ruộng đó, bởi người đó biết rõ giá trị của nó. (Matthew/Ma-thi-ơ 13:44-48), rồi cười nhẹ, nói:
“Tôi đã tìm được cả kho báu rồi!”
Chia tay, ông ‘thưởng’ thêm cho tôi câu chuyện về Giô-sép:
“Khi hoàn cảnh xảy đến ta tưởng đó là hoạn nạn, nhưng thực ra Chúa đem đến hoàn cảnh để hoàn thành chương trình tốt đẹp của Ngài.”
Cảm tạ bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời, Chúa chúng ta! Amen!
Ông Võ Sỹ Bình sinh năm 1954, hiện sống tại xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM
Saigon, 11/2017
Nguồn oneway.vn
Câu chuyện về Tết
Quý vị thường nghĩ gì mỗi khi Tết đến? Đối với một số người Tết hay không thì cũng vậy thôi, vẫn làm lụng, sinh hoạt bình thường. Ở Việt Nam vì một năm chỉ có một ngày Tết để nghỉ ngơi, cho nên Tết có một ý nghĩa sâu đậm. Ngày nay chúng ta có mùa hè để nghỉ, có sinh nhật để ăn uống, để tặng quà và bao nhiêu dịp lễ khác để vui chơi, nên Tết chỉ còn là một truyền thống hay một kỷ niệm đẹp, hơn là dịp vui mỗi năm mới có một lần.
Đối với nhiều người, Tết nhiều khi chỉ khơi lại những kỷ niệm không mấy vui của thời thơ ấu vì loạn lạc, chiến tranh hay vì gia đình nghèo thiếu. Nhưng dù gì đi nữa, nói đến Tết và những tập tục như mặc quần áo mới, lì xì, thăm viếng nhau trong ba ngày Tết vẫn có những cái hay của nó mà mỗi khi nghĩ lại ta cũng thấy thích thú. Ba điều vừa nói: mặc quần áo mới, lì xì, và thăm chúc nhau trong ba ngày Tết, cũng có những điểm song song trong đời sống tâm linh đáng cho chúng ta suy nghĩ trong những ngày đầu Xuân này.
Sống ở một nước nghèo, một năm mới được một lần mua sắm, Tết vì vậy là dịp cho quần áo mới. Chẳng những vì mỗi năm mới sắm quần áo một lần, nhưng vì ai cũng thích một cái gì mới trong năm mới. Tú Xương đã có lần viết:
Cứ bảo với nhau rằng mới với me,
Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe.
Khăn là bát nọ to tày rế,
Váy lĩnh cô kia quyét sạch hè.
Hình ảnh ngày Tết với những cậu bé cô bé súng sính trong bộ quần áo mới là điều chúng ta khó quên. Quần áo mới là điều cần thiết cho năm mới, dù những bộ quần áo mới đó chẳng bao lâu cũng sẽ dơ, sẽ cũ. Thánh Kinh thường dùng hình ảnh một chiếc áo mới để nói về đời sống đạo đức, còn đời sống tội lỗi là chiếc áo dơ bẩn. Thánh Kinh dạy:
Anh em phải thoát lốt người cũ và mặc lấy người mới (Thư Ê-phê-sô 4:22)
Chúng ta cần từ bỏ con người tội lỗi xấu xa như người vứt đi chiếc áo dơ bẩn cũ kỹ và khoác lên mình một chiếc áo mới. Lời Chúa bảo chúng ta Hãy mặc lấy chính Chúa Giê-xu. Tết ở đây không còn tục lệ mặc quần áo mới như bên nhà, nhưng mùa Xuân nầy ước mong mỗi chúng ta điều khoác lên mình chiếc áo mới. Đây là chiếc áo sẽ không bao giờ cũ. Vì chiếc áo đó chính là Chúa Cứu Thế. Ngài bọc chúng ta lại bằng đức công chính thánh sạch của Ngài. Đặt lòng tin nơi Chúa, giao thác cuộc đời cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm được những thay đổi từ trong tâm hồn.
Song song với việc mặc quần áo mới chúng ta có việc mừng tuổi và lì xì. Con cháu trong gia đình và những người trẻ chúc thọ hay mừng tuổi ông bà cha mẹ và những người lớn mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới mà ta gọi là lì xì. Chúng ta không rõ hai chữ lì xì phát xuất từ đâu, nhưng lúc nhỏ Tết đến, có những đồng tiền mới để cất, hay có tiền để tiêu xài là cả một hạnh phúc của tuổi thơ. Nhiều người thích Tết vì khi Tết đến, ai cũng tử tế với mình, không bị la mắng mà lại còn được tiền nữa. So sánh ơn cứu rỗi của Thiên Chúa với đồng tiền lì xì thì thật là không đúng, vì sự cứu rỗi của Chúa quá cao không gì có thể so sánh được. Tuy nhiên có một điểm tương đồng ở đây, đó là ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng tương tự như những đồng tiền chúng ta nhận được trong ngày Tết: Chúng ta không biết tại sao chúng ta lại được tiền, tại sao ai cũng tử tế cho tiền chúng ta mà không đòi hỏi gì cả. Ơn cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta cũng tương tự như vậy. Không phải chúng ta làm một việc gì tốt hay xứng đáng mà được Chúa cứu. Chúa cứu và ban cho chúng ta sự cứu rỗi của Ngài chỉ vì Ngài yêu chúng ta. Lời Chúa dạy:
Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:16)
Sự sống đời đời là món quà vô giá Thiên Chúa ban cho con người. Sự sống đời đời là đời sống có ý nghĩa ngay trên trần gian nầy và được sống mãi mãi với Chúa trên thiên quốc.
Mùa Xuân ta cần mặc chiếc áo mới là chính Chúa Giê-xu, cần được món quà là sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi đây nói đến thay đổi bên trong con người của chúng ta. Mùa Xuân đến chúng ta thấy hoa lá đâm chồi nở lộc, những lộc non, những mầm sống không thể gắn lên từ bên ngoài nhưng là phát xuất tự nhiên ở bên trong vì có sự sống và sức sống. Đời sống mới Thiên Chúa ban cho chúng ta cũng vậy. Ngài ngự vào tâm hồn chúng ta, tái tạo cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ tự nhiên nẩy sinh ra những mỹ đức của Thiên Chúa.
Mùa Xuân mặc quần áo mới, mừng tuổi và nhận tiền lì xì. Chúng ta cũng có tập tục thăm viếng và chúc nhau trong ba ngày Tết. Những lời chúc Tết lúc đầu mang những ý nghĩa tốt đẹp và thành thật nhưng dần dần cũng trở thành sáo ngữ và thành những câu đầu môi chót lưỡi. Người chúc có thể không biết mình nói gì và người được chúc cũng không biết là những lời chúc đó có thành sự thật hay không. Người đặt lòng tin nơi Chúa khi Xuân về không chúc nhưng cầu chúc, hay nói đúng hơn cầu nguyện để Thiên Chúa ban ơn xuống phước. Chính chúng ta không thể chúc ai một điều gì và điều đó sẽ thành sự thật. Chúng ta chỉ có thể cầu xin Thiên Chúa chúc lành hay nói khác đi, chính Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc thật của Ngài. Một trong những hạnh phúc lớn nhất Thiên Chúa dành cho con người là hạnh phúc tha thứ, hay ơn tha thứ. Thánh Kinh dạy:
Phúc cho người có lỗi được tha thứ, tội được Chúa xóa bôi. Phúc cho người được Chúa Hằng Hữu ân xá (Thánh Vịnh 32:1)
Ai trong cuộc đời cũng đã có những phút lầm lỡ, làm điều tội lỗi, những lúc ấy tâm hồn chúng ta nặng trĩu, khó chịu, lương tâm dày vò, cắn rứt . Nỗi khổ của người có tội sẽ cứ tiếp tục mãi cho đến khi nào người đó ăn năn hối lỗi, xưng nhận và được tha thứ. Thiên Chúa là Đấng thánh khiết, không thể dung dưỡng tội lỗi. Chúng ta mắc tội với Chúa vì đã không tôn thờ Ngài là Đấng tạo dựng chúng ta. Và cũng đã không làm theo lời Ngài dạy bảo. Con đường duy nhất để giải thoát chúng ta đem chúng ta trở lại tình trạng nguyên thủy, được làm con của Chúa là con đường mà Chúa Giê-xu đã thực hiện. Nói đúng hơn Ngài chính là con đường đó vì Chúa Giê-xu đã gánh lấy tất cả mọi tội lỗi của con người và chịu chết thế cho con người.
Tin Lành là tin vui Thiên Chúa ban cho con người. Tin vui đó là con người có thể nhận được ơn tha thứ nếu biết ăn năn tội lỗi, đặt lòng tin nơi Chúa và để cho Thiên Chúa tái tạo tâm hồn. Chúng ta sẽ kinh nghiệm điều mà Thánh Kinh gọi là tái sinh: sự sống của Chúa sẽ chan hòa trong cuộc đời của chúng ta, để chúng ta tự nhiên nẩy sinh những mầm non lá mới, một đời sống sung mãn không phải tự sức riêng của chúng ta.
Xuân đã về và tôi muốn chúc Bạn một vài lời nhưng tôi biết rằng lời chúc của tôi sẽ chẳng có giá trị gì vì tôi không có quyền gì để lời chúc đó để trở thành sự thật. Tôi chỉ có thể ước ao và trong ước ao đó tôi cầu xin Thiên Chúa mở rộng đôi mắt tâm linh của Bạn để Bạn nhìn thấy vấn đề. Vấn đề là vấn đề cứu rỗi, vấn đề là vấn đề tha thứ, vấn đề là vấn đề tâm linh. Chính yếu tố tâm linh quyết định cả đời sống chúng ta. Trong mùa Xuân nầy hãy mặc lấy chính Chúa Cứu Thế, hãy mang vào người sự sống của Chúa và rồi Bạn sẽ kinh nhgiệm một đời sống tươi mới không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Lời Chúa dạy:
Ai ở trong Chúa Cứu Thế là con người mới, cuộc đời cũ đã qua, nhường chỗ cho đời sống hoàn toàn đổi mới (Thư II Cô-rinh-tô 5:17)
“Ở trong Chúa Cứu Thế” là liên kết với Ngài bằng niềm tin, bằng thái độ ăn năn, bằng quyết định quay về với người Cha Thiên Thượng vẫn đêm ngày trông mong chờ đợi chúng ta.
Ngày Tết mà được xum họp đoàn tụ gia đình thì còn gì quý hơn nữa phải không Bạn? Mùa Xuân nầy hãy ăn năn quay trở lại với Chúa để kinh nghiệm một mùa Xuân diễm tuyệt trong tình yêu của Thiên Chúa.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành