Hình Ảnh Chúa Nhật Giáng Sinh & Trao Đổi Quà 2021

Đây là những hình ảnh của Chúa Nhật Giáng Sinh & Trao Đổi Quà 2021 tại Hội Thánh Tin Lành Lời Chúa! Xin quý vị xem!
Hình Ảnh Lễ Giáng Sinh 2021

Hình Ảnh Lễ Giáng Sinh 2021

Đây là những hình ảnh của Lễ Giáng Sinh ngày 24 tháng 12, năm 2021 tại Hội Thánh Tin Lành Lời Chúa! Xin quý vị xem!

Thu vàng

Thu vàng

Ở đây, mùa thu về rất chậm. Hằng năm, khi những cánh thư của bạn bè từ vùng Đông Bắc gởi về với hình ảnh những rừng maple lá vàng ở New England hoặc của những cành momiji bên Kinkakuji tại Kyoto, thì ở đây vẫn còn nắng chói chang. Nhìn những hình ảnh tuyệt vời đó, lòng không khỏi bồn chồn, rạo rực mong nắng mau phai để đón chờ mùa thu trở về.

Thu sang, như Mẹ đi chợ về khi còn bé, mang theo những món qùa thú vị. Thu sang, trời đất đổi màu, cây thay áo mới, lòng người cũng vì thu mà cảm thấy mơ mộng hơn, rung cảm nhiều hơn. Trước vẻ đẹp của thiên nhiên, trái tim của con người sẽ rung những nhịp điệu hòa đồng với đất trời. Thu mang đến niềm cảm hứng cho những tâm hồn nghệ sĩ, thi ca mùa thu chiếm một chỗ đứng quan trọng trong nền văn học của quê hương chúng ta và nhiều nơi trên thế giới.

Gần nơi tôi ở có mấy cây phong, mùa thu nào cũng đổi áo, tuy có muộn màng so với những nơi khác, nhưng cũng đem lại cho mọi người những cảm giác kỳ thú mỗi khi đi ngang hay những lúc dừng lại để nhìn ngắm nhìn màu lá cây tuyệt đẹp. Cây không có hoa, nhưng lại được mọi người chiêm ngưỡng chẳng khác gì những loài hoa quý. Cây phong, maple trong tiếng Anh hay momiji trong ngôn ngữ Nhật là một loại cây lá năm cánh, tiêu biểu cho mùa thu vàng, vì những cánh lá mang màu sắc rực rỡ trong mùa lá bay. Đẹp và rực rỡ đến nỗi nước Canada gắn hình ảnh đó vào quốc kỳ của họ.

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao lá vàng trong mùa thu?

Các nhà nghiên cứu cho rằng phân tử tạo màu vàng và cam chính là nguyên nhân khiến cây thay áo khi mùa thu trở lại. Thu sang, lá cây phản ứng trước sự giảm nhiệt độ và ánh sáng mặt trời bằng cách ngừng sản xuất diệp lục tố (chlorophyll), chất tạo điều kiện cho cây nhận ánh sáng và tạo ra màu xanh cho lá. Bởi diệp lục tố rất nhạy cảm với nhiệt độ, nên trong những ngày trở lạnh, sương sớm kết tinh trên cành, lá cây sẽ đổi màu rất nhanh. Khi diệp lục tố tạo màu xanh bớt dần đi, thì các chất nhuộm màu đỏ và vàng – chính là chất thường có mặt trong cà rốt hoặc bí đỏ – hiện ra, thay đổi màu của lá.

mua thu - tin lanh

Chất tạo màu vàng và màu cam (carotenoids – người Trung quốc gọi bằng một cái tên dài thườn thượt là “loại hồ la bặt tố” 類胡蘿蔔素), thường tìm thấy trong cà rốt, vẫn luôn hiện diện trong lá cây suốt cả mùa hè, nhưng phải đến khi màu xanh nhạt đi chúng mới xuất đầu lộ diện.

Nhưng tại sao cây cối lại dồn sức sống để nhuộm lá, để rồi ít ngày sau đó chúng rụng đi? Các khoa học gia suy đoán rằng điều đó giúp lá cây đương đầu với sự mòn mỏi. Nếu các sắc tố giúp cho lá tồn tại trên cây thêm ít ngày nữa, lá có thể giúp cây thu nhận được những điều tốt cho cây trước khi rụng. Cây sẽ tích trữ nguồn sống đó cho mùa sau.

Mùa thu, bên cạnh những đổi thay của cảnh vật, cũng làm lòng người rung cảm cùng với đất trời. Các nghệ sĩ đã dành khá nhiều thì giờ cho các tác phẩm mang màu sắc hoặc những cung điệu nhẹ nhàng trong mùa cây thay áo mới. Thu Vàng của Cung Tiến, Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư đã đi vào lòng người từ bao thập niên qua. Bên trời Tây, tác phẩm hội họa Mùa Thu Vàng của Levitan cũng như nhạc phẩm Les Feuilles Mortes (Những cánh lá chết) của Joseph Kosma cũng đã đi vào lịch sử nghệ thuật.

Mùa thu cũng là mùa của thu hoạch và lễ hội. Phần lớn các quốc gia đều đề cao các lễ hội trong mùa thu, như Lễ Tạ Ơn vào cuối mùa thu ở Hoa Kỳ và Canada, lễ Lều Tạm của người Do Thái là lễ hội trăng tròn sau mùa gặt, nhiều lễ hội của thổ dân Bắc Mỹ gắn liền với các loại hoa quả thu hoạch được vào mùa thu, Tết Trung Thu của người Việt Nam v.v và nhiều lễ hội khác. Tâm trạng chủ yếu trong các lễ hội mùa thu này là niềm vui sướng cảm tạ Thượng Đế đã ban cho mùa màng dư dật, cũng như để tận hưởng những ngày trăng trong, gió mát, trước khi mùa đông lạnh giá trở về.

Thượng Đế, Đấng Sáng Tạo, đã dùng lời phán của mình để tạo dựng trời đất và muôn vật, như đã chép trong Sáng Thế Ký. Ngài cũng đã thêm vào tuyệt tác của mình màu xanh cho bầu trời, thêm đủ các sắc màu cho buổi hoàng hôn và hoàn tất bức tranh tuyệt mỹ bằng một cái mống trời ngũ sắc, sau những cơn mưa. Dưới lòng biển, Ngài tạo dưới lòng biển tối một khu vườn hoa mỹ với san hô đủ màu, thêm vào đó những sinh vật, hải ngư muôn màu ngàn sắc, từ màu xanh dương đến vàng óng, màu đỏ hoà với màu nâu sậm. Trên đất, Ngài tạo ra bốn mùa với những cây cối và màu sắc khác nhau trong mùa xuân. Hè sang, Ngài cho những cánh hoa sắc màu sặc sỡ nở rộ, những hoa dại tím cả cánh đồng. Nhưng đặc biệt hơn cả phải kể đến những chiếc lá vàng mùa thu mang sắc hương đến cho chúng ta. Kinh thánh có chép rằng:

Bởi những gì có thể biết về Đức Chúa Trời đều rõ ràng đối với họ vì Đức Chúa Trời đã tỏ bày cho họ rồi. Vì những gì của Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, kể cả quyền năng vĩnh cửu lẫn thần tính của Ngài, thì từ thuở sáng tạo vũ trụ đã được thấy rõ nhờ nhận thức về các tạo vật, nên họ không còn cách nào bào chữa được. (Rôma 1:19-20 BDY)

Một khi đã thấy sự tuyệt mỹ của thiên nhiên, con người không thể chối cãi được rằng không có Thượng Đế, đúng như Kinh Thánh đã khẳng định.

Đây là lúc chúng ta tận hưởng cảnh thiên nhiên vĩ đại và sắc màu tươi thắm của thu vàng mà Ngài đã tạo dựng cho chúng ta, vì sau đó đất trời sẽ nhuộm màu trắng của mùa đông tuyết giá để sửa soạn cho một mùa xuân với ngàn hoa tươi thắm. Khi cảm nhận sự tốt đẹp mà Ngài đã mang đến cho chúng ta trên trái đất, chúng hiểu rõ được thần tính của Ngài:

Các từng trời loan truyền vinh quang của Đức Chúa Trời, cõi không gian tuyên bố công việc của tay Ngài. Ngày này qua ngày khác, truyền rao sứ điệp, đêm nọ đến đêm kia bầy tỏ sự hiểu biết. Không diễn văn, không ngôn ngữ, không ai nghe tiếng nói của chúng. Tiếng của chúng vang ra khắp đất, lời nói chúng nó đến tận cùng thế giới, Ngài đã dựng lều cho mặt trời trên không gian.(Thi Thiên 19:1-4 BDY)

Ngày qua, đêm tới là một bằng chứng về quyền năng của Đấng Tạo Hóa. Ngài là Mặt Trời biểu tượng của sự công bình, là ánh thái dương tỏa nguồn sáng thiên thượng và sự cứu rỗi qua phúc âm cho toàn thế giới. Ngài ban phước cho Hội thánh Ngài, và đường lối Ngài sẽ không đổi thay, như quỹ đạo của mặt trời, cho đến lúc toàn trái đất sẽ đượm nhuần ánh sáng cứu rỗi của Ngài. Hãy nguyện cầu cho một ngày khi Ngài sẽ làm thành lời hứa của Ngài cho mọi dân trên đất qua chương trình cứu rỗi của Ngài. Mọi dân sẽ nghe về công trình sáng tạo vĩ đại của Thượng Đế, mọi đầu gối sẽ quỳ xuống, mọi lưỡi sẽ ca ngợi dâng vinh quang về Ngài.

Khi mùa thu sắp ra đi, màu sắc tươi tắn trên cây trong những ngày tháng trước dần dần tàn phai.  Những cánh lá bắt đầu khô dần và thi nhau rụng rơi khỏi cành.  Gió càng mạnh và thời tiết càng lạnh thì lá càng rơi rụng nhanh hơn.  Lá rơi đầy trên những lối đi, trên thềm cỏ. Những bước chân xào xạc trên lá khô cũng để lại những âm hưởng nhẹ nhàng trong lòng người.

Con người và cây cỏ có điểm giống nhau: đến một lúc nào đó, lá phải lìa cành. Con người cũng vậy. Đời người tuy ngắn ngủi, nhưng trong khoảnh khắc đó, loài người có cơ hội để trở thành những cánh lá tuyệt mỹ, mang niềm vui và sự cảm nhận sâu xa về quyền năng của Thượng Đế đến cho nhân thế. Điều này giúp chúng ta nhận thức được nguyên do và ý nghĩa của sự hiện diện của chúng ta trên thế gian này. Sự nhận thức đó sẽ giúp chúng ta tôn thờ Thượng Đế, nhận được phước hạnh tràn đầy từ nơi Ngài, tuôn đổ ra thành nguồn phước cho mọi người.

Nhiều người nghĩ rằng nguồn phước chỉ có thể đến từ Thuợng Đế và con người nhỏ bé, yếu đuối không thể là nguồn phước cho người khác. Thế nhưng, trong suốt Kinh thánh, bàng bạc nhiều câu chuyện của những nhân vật đã trở thành nguồn phước cho tha nhân. Một trong những nhân vật đó là Áp-ra-ham.

Áp-ra-ham đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, phán hứa để trở nên một nguồn phước.

Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng Thế Ký 12:1-3)

Nếu Áp-ra-ham nhận được lời hứa, thì chúng ta cũng có đủ tư cách để nhận lãnh đặc ân đó từ Đức Chúa Trời.

Trong thời chiến tranh chống Pháp, gia đình tôi tản cư đến một miền núi. Khi ấy tôi hãy còn bé, nên không nhớ gì về chốn sơn khê đó. Về sau này, khi kể về những ngày xưa ấy, Mẹ tôi thường bắt đầu: “Hồi nhà mình tản cư ở trên Nguồn…”. Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết địa danh chính thức của nơi đó, nhưng vẫn còn nhớ những gì Mẹ tôi kể về những ngày ở trên “Nguồn”. Đây là nơi khởi đầu của những dòng sông lớn. Trên nguồn không có sông, nhưng có rất nhiều những khe nước và giòng suối. Nước suối trong và mát, giòng suối là nguồn sống cho bao người. Nhưng suy nghĩ cho cùng, giòng suối ấy không phải là nơi sản xuất ra nước. Nước do trời mưa xuống, đượm nhuần những núi đồi trên “nguồn”, dồn nước lại từ các khe núi rồi chảy xuống các chỗ thấp. Các khe núi không giữ nước lại cho mình, nhưng phân bố đi các con suối, trở thành nguồn nước. Những người dân đơn sơ, chất phác miền núi cũng hiểu đuợc điều đó, và gọi nơi chôn nhau cắt rún của mình là “Nguồn”.

Nguồn phước cũng không khác với nguồn nước. Áp-ra-ham không tạo ra phước. Ông là người nhận phước từ Đức Chúa Trời, để rồi phân bố phước cho những người khác. Ông là nguồn phước. Như Kinh thánh đã chép, các dân tộc trên thế gian đều nhờ dòng dõi ông mà được phước. Và điều đó đã được ứng nghiệm.

Hội Thánh đã được Đức Chúa Trời kêu gọi, ban cho mạng lịnh và lời hứa để trở thành nguồn phước bằng cách truyền rao cho thế giới Lời Chúa, tức là lời được chép trong Kinh Thánh.

Mỗi Cơ-đốc nhân, hậu tự của Áp-ra ham, được Đức Chúa Trời ban cho đặc ân để trở thành nguồn phước cho thế gian. Điều đó có nghĩa là mỗi Cơ-đốc nhân sẽ là một yếu tố tích cực làm cho thế giới nầy trở thành một nơi an bình hơn, thịnh vượng hơn và tràn đầy tình yêu thương, phản ảnh tình yêu Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Bạn thân mến,

Trong thâm sâu của lòng mình, chắc đã hơn một lần bạn muốn trở thành nguồn phước cho mọi người, đem niềm vui và hạnh phúc đến tha nhân. Bí quyết để thực hiên điều đó là trở nên con cái của Đức Chúa Trời, nhận lãnh phước hạnh tràn đầy từ nơi Cha Thiên Thượng để chuyển tải đến cho những người đang khao khát tình thương. Làm được điều đó, chắc chắn Bạn sẽ sống những ngày Trời trên Đất.

Bạn ơi, hãy bắt đầu từ hôm nay, khi lá chưa rời cành.

Nguyễn Anh Đào

Video – HT Tin Lành Lời Chúa Giáng sinh 2021

Video – HT Tin Lành Lời Chúa Giáng sinh 2021

Cuộc đời thay đổi

Cuộc đời thay đổi

Nữ tài tử điện ảnh Hồng kông tiếp nhận Chúa Giê xu và kinh nghiệm sự thay đổi cho đời sống mình…

Các bạn thân mến,
Từ Connecticut, tôi đã về đến Hong Kong bình an.
Lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa mới với tôi sau khi tôi trở thành một Cơ đốc nhân. Dịp lễ này với tôi không phải là về ông già Nôel, những món quà hay tiệc tùng – nhưng bây giờ đó là thời gian để tôi vui mừng về tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-su và tin vui cho toàn nhân loại. Ngày này nhắc tôi nhớ về ân điển của Đức Chúa Trời, tôi cảm thấy thật phước hành vì tôi có thể yêu và được yêu. Giáng Sinh năm nay, khi tôi muốn cho các bạn biết tôi yêu quý và nhớ các bạn thế nào, tôi cũng muốn nhân cơ hội đặc biệt này để làm chứng về Chúa Cứu Thế.


Chân thành mà nói, tôi đã từng luyện bản thân mình tuân theo các nguyên tắc của chính mình hơn 40 năm qua. Những nguyên tắc này dường như đã ăn sâu vào tâm trí tôi. Nhưng tôi đã thay đổi, tôi sẳn sàng tử bỏ niềm tin vào bản thân mà tôi đã từng có bấy lâu và tái dựng nên trong tôi một con người mới. Quyền năng của Đức Chúa Trời, vượt xa khỏi mọi suy tưởng của chúng ta, thật sự diệu kỳ.
Trước khi tôi tin nơi Đức Chúa Trời, tôi xem việc phát triển bản thân là mục tiêu lớn nhất của cuộc đời. Tôi luôn tự tin và xem việc lệ thuộc vào người khác hay nhờ cậy nơi tôn giáo là một sự yếu đuối. Bạn có thể tưởng tượng – tất nhiên rằng tôi đã không hiểu và thậm chí còn xem thường những gì được nhấn mạnh trong Kinh Thánh – sự cứu rỗi chỉ đến từ đức tin nơi Đức Chúa Trời.

Một ngày kia, những người bạn trò chuyện với tôi về tôn giáo, rồi tôi nhận ra rằng các tôn giáo khác (không phải Cơ đốc giáo) thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện bản thân. Nhưng các tiêu chuẩn đặt ra dường như là không thể hoàn thành. Rồi tôi nghĩ nhiều hơn về điều đó – nếu những gì Kinh Thánh nói là đúng, thì tôi dường như chưa đủ tư cách tin nơi Đức Chúa Trời – vì tôi vẫn chưa nhận được sự cứu rỗi từ Chúa Cứu Thế Giê-su. Điều đó có nghĩa là bất kể sự hoàn thiện bản thân của tôi tốt đến mức nào, tôi vẫn là một tội nhân, vẫn chưa thể vào thiên đàng. Nhưng, nếu Kinh Thánh nói sai thì sao? Tôi vẫn sẽ không mất bất kỳ thứ gì dù tôi có quyết định trở thành một Cơ đốc nhân – tôi vẫn là một con người như trước giờ và phẩm chất cá nhân tôi không bị ảnh hưởng gì. Tôi quyết định mở tấm lòng mình để tìm hiểu nhiều hơn về Cơ đốc giáo, để hiểu rõ hơn về đức tin được Kinh Thánh nhấn mạnh. Cuộc sống của tôi cũng bắt đầu thay đổi kể từ đó.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi đến nhà thờ là vào một buổi Lễ Phục Sinh. Tôi vô cùng hào hứng và tôi không thể hát được bài thánh ca nào cả với giọng run run của tôi. Nhưng trong tấm lòng tôi, tôi cứ cầu nguyện với Chúa, “Chúa ôi, con đây, con trở về nhà đây! Con trở về nhà đây!”
Trong giai đoạn mới trở thành một Cơ đốc nhân, tôi cố gắng hạn chế những sự xao lãng từ những điều tầm thường và dành cho mình nhiều thời gian hơn để tập trung tìm kiếm lòng thương xót của Đức Chúa Trời. Nhưng trở thành một người của công chúng, thật khó để có những sự riêng tư, tôi không thể làm gì hơn là cầu xin Chúa giúp đỡ. Trong suốt một năm tôi cảm thấy rất phước hạnh bởi Đức Thánh Linh, mọi điều liên quan đến sự tìm kiếm Chúa của tôi đều được trôi chảy, ví dụ như là đi nhóm thờ phượng ở nhà thờ cùng với chồng tôi và nhóm họp với những Cơ đốc nhân khác cho việc học Kinh Thánh trong nhóm nhỏ.
Buổi tối mà tôi quyết định cam kết theo Chúa, tôi đã quyết định dẹp bỏ hết tất cả mọi thứ ở trong nhà tôi có liên quan đến sự thờ lạy hình tượng. Rồi tôi cầu nguyện với Chúa và xưng nhận tội lỗi mình, và nhận sự cứu rỗi từ Chúa Cứu Thế Giê-su. Ngay lập tức, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng, yên bình và thanh thản. Tôi chưa từng bao giờ cảm nhận như thế.

Kinh Thánh dạy tôi một bài học – sự cứu rỗi đến từ Chúa Cứu Thế Giê-su chứ không đến từ sự hoàn thiện bản thân và không ai có thể tự hào rằng họ là một người hoàn thiện. Thực tế, không có một ai là hoàn hảo và cũng không cẩn phải đánh giá mức độ thiện-tốt của cá nhân nào.
Sau khi tôi từ bỏ tâm trí bướng bĩnh và nhìn thấy tội lỗi của mình, tôi rất hạnh phúc khi thấy rằng tôi dần dần từ bỏ cái tôi cũ của mình và không còn hoàn toàn lệ thuộc vào sức riêng hay sự tự tin của mình nữa. Tôi không cần phải lên số và tỏ ra mình mạnh mẽ nữa, tôi hoàn toàn được tự do khỏi những sự gian khổ đó. Bỏ đi con người cũ, tôi được tái sinh như một đứa trẻ và tôi cũng có thêm sự can đảm để chấp nhận sự yếu đuối của con người. Giá trị của tôi thay đổi sau khi tôi ở trong Chúa – tôi không còn chạy theo các giá trị của con người. Tôi luôn tự nhắc mình không đánh giá người khác với những tiêu chuẩn của tôi. Bây giờ tôi có một định hướng tìm kiếm Chúa rõ ràng, tôi có được đủ năng lực để từ bỏ và tìm kiếm nguồn của sự vui mừng cũng như là đức tin vĩ đại mà không một sức mạnh cá nhân nào có thể so sánh được.

Tôi không thể tưởng tượng nếu không bởi lòng thương xót của Chúa thì làm sao tôi có thể bước đi như hôm nay trên con đường theo Chúa? Nhưng khi tôi nhìn lại, các sứ giả của Đức Chúa Trời dần dần bước vào cuộc đời tôi và chuẩn bị tôi cho sự thay đổi cũng như gìn giữ tấm lòng tôi cho đến ngày tôi chịu lễ báp tem.

Tôi chịu lễ báp-tem, “con người cũ” của tôi đã chết, cũng như Chúa Cứu Thế Giê-su cũng đã chịu dìm mình trong nước. Sau khi tôi lên khỏi mặt nước, tôi được tái sinh giống như sự phục sinh của Chúa Giê-su và tôi trở nên một con người mới. “Vậy, nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.” (2 Cô-rinh-tô 5:17).

Tôi đã trãi qua nhiều thử thách sau khi chịu báp-tem. Nhưng tôi học biết nương cậy nơi Chúa và xem đó như là những cơ hội để vâng phục Ngài. Tôi lớn lên trong sự chúc phước của Đức Thánh Linh và sống một cách đẹp lòng Chúa. Bây giờ tôi thật bình an và tôi sẵn sàng đối diện những khó khăn xảy đến, bước đi trong con đường sự sáng và chờ đợi Chúa Giê-su trở lại. Tôi thật tạ ơn Đức Chúa Trời đã dẫn dắt tôi và ban cho tôi một tâm trí khiêm nhường để tìm kiếm Ngài, yêu Ngài, yêu mọi người và chính mình.

Năm 2014 là năm thứ 28 của tôi trong vai trò một nghệ sĩ. Tôi rất vui vì chúng ta đã có những tình bạn và thân nhau, đây là một trong những món quà quý nhất trong sự nghiệp của tôi. Trong quá khứ tôi đã nhận được rất nhiều tình yêu thương từ các bạn, hôm nay tôi vui mừng khi tôi có thể đáp lại tình yêu đó như một nghệ sĩ, đó là một phước hạnh lớn cho tôi. Tạ ơn Chúa đã cho chúng ta biết nhau và ảnh hưởng nhau bằng tình yêu. Giáng Sinh, dù bạn đang có một cuộc sống vui thỏa hay nhiều khó khăn, tôi hy vọng rằng bạn có thể cảm nhận được tình yêu, bình an và niềm vui từ Chúa!
Chúc Mừng Giáng sinh, các bạn thân yêu! Nguyện Chúa ban phước các bạn!
Muốn thật hết lòng!
(ST)